Dựng cây nêu đón Tết
Dựng cây nêu đón Tết là một phong tục truyền thống của người Việt đã tồn tại từ bao đời nay. Ngày nay, không còn nhiều nơi trong nước dựng cây nêu đón Tết mà thay vào đó là các trào lưu chơi hoa đào, hoa mai, cây cảnh. Thế nhưng một vài nơi ở Quảng Trị, phong tục ấy vẫn được lưu giữ đến tận bây giờ...
Mỗi năm cứ đến ngày 23 tháng Chạp, anh Hoàng Công Danh (35 tuổi), ở thôn Võ Phúc An, xã Triệu Thuận, huyện Triệu Phong và Đại đức Thích Liễu Bổn, Giám đốc Trung tâm Thừa kế và Ứng dụng y học cổ truyền Thiện Lành, ở thôn Phú Hưng, xã Hải Phú, huyện Hải Lăng lại dựng cây nêu đón Tết. Mỗi dịp Tết, đến xuân về, mọi người lại nhớ đến câu đối dân gian xưa: “Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ/Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh”. Hình ảnh cây nêu được xem là một trong những biểu tượng thiêng liêng nhất của ngày Tết. Cây nêu không chỉ là phong tục tín ngưỡng dân gian mà còn mang triết lý âm dương với những ý nghĩa nhân sinh cao đẹp. Đồng thời, cây nêu còn là sự hiện thân của lòng hướng thiện. Phong tục cuối năm dựng cây nêu đón Tết có ý nghĩa để xua đuổi tà khí, những điều xấu, điều không may mắn trong năm cũ để đón năm mới với nhiều điều tốt đẹp hơn. Ngoài ra còn có ý nghĩa cầu cho một năm mới bội thu, nhiều may mắn và dùng để trang trí làm đẹp cho ngày Tết.
Nguyên khởi cây nêu được dựng với ý nghĩa trừ ma quỷ, nhưng theo thời gian, tùy vào địa phương, dân tộc và tập quán của cộng đồng, ý nghĩa của việc dựng cây nêu ngày Tết đã trải rộng hơn. Cùng với đó là sự phong phú của các đồ lễ treo trên cây nêu vượt ra khỏi quy phạm, mô típ xưa.
Theo anh Hoàng Công Danh và Đại đức Thích Liễu Bổn, trước khi dựng cây nêu phải chuẩn bị thật chu đáo. Cây tre được chọn làm cây nêu phải là cây tre thẳng, nguyên ngọn, càng dài càng tốt, tre được loại bỏ hết cành, gai nhọn chỉ để lại ngọn cây, đầu ngọn có lá. Sau khi chọn tre xong, chuẩn bị một dải vải đỏ dài khoảng 3 m, rộng khoảng 20 cm đến 25 cm để buộc vào ngọn cây, trên cây nêu có thể treo thêm cờ hội, đèn lồng, tràng pháo giấy giả, cặp bánh chưng (đã nấu chín), ngũ quả, miếng trầu, chuông gió... Đồng thời, chuẩn bị vôi, muối hạt để đặt dưới chân cây nêu với ý nghĩa trừ tà, cầu mong cuộc sống sung túc, ấm no.
Sau khi chuẩn bị xong, ngày 23 tháng Chạp sẽ tiến hành lễ dựng nêu (hay còn gọi là lên nêu) và ngày 7 tháng Giêng sẽ làm lễ hạ nêu. Ngày nay, lễ dựng nêu, hạ nêu cũng đơn giản hơn trước đây rất nhiều, chủ yếu là thắp hương khấn, báo cáo việc dựng, hạ nêu.
Trước chiến tranh, ở thôn Võ Phúc An, xã Triệu Thuận có tục dựng cây nêu đón Tết ở công viên cây Sanh nhưng đã dần mai một. Nhằm lưu giữ truyền thống của làng, dịp Tết năm 2018, anh Hoàng Công Danh đã dựng cây nêu đón Tết và duy trì cho đến nay. “Năm nào dựng nêu, hạ nêu cũng đều rất vui. Bà con trong thôn người cho tre, người phụ giúp dựng, hạ nêu. Năm ba ngày Tết, bạn bè, hàng xóm, khách đến chơi đều tỏ ra thích thú với cây nêu, những câu chuyện dựng nêu, truyền thống ngày xưa được kể lại trong không khí vui tươi, đầm ấm. Tôi dựng nêu đón Tết để giữ lại truyền thống của cha ông và muốn gửi thông điệp cầu chúc cho mọi người đón xuân mới luôn no đủ, hạnh phúc”, anh Hoàng Công Danh chia sẻ.
Trên cây nêu, anh Danh treo cặp bánh chưng đã nấu chín tượng trưng cho sự no đủ và gửi đi thông điệp sẻ chia. Những ngày xuân, chim chóc cũng cần thức ăn và khi đói chúng có thể đến ngọn cây nêu nhận lấy phần thức ăn (bánh chưng) mà gia chủ chuẩn bị sẵn. Tiếng chim hót líu lo, vui nhộn vang vọng từ mái nhà, hàng cau, khóm tre làm không khí mùa xuân thêm rộn ràng, bình yên, đầm ấm.
Đã 3 năm nay, tại Trung tâm Thừa kế và Ứng dụng y học cổ truyền Thiện Lành, không khí đón xuân luôn diễn ra ấm cúng. Sau lễ dựng nêu, trung tâm sẽ chuẩn bị một góc nhỏ làm các gian như viết thư pháp, gói bánh chưng, làm mứt để mọi người đến trải nghiệm, vui xuân. Nhiều người, nhất là các bạn trẻ đến đây đã hiểu hơn về truyền thống, ý nghĩa của việc dựng cây nêu đón Tết; cùng nhau học, thực hành gói bánh chưng, làm mứt để cùng trung tâm mang tặng người nghèo đón Tết. “Hầu như năm nào vợ chồng tôi cũng đến đây và cùng các thành viên trong Trung tâm Thừa kế và Ứng dụng y học cổ truyền Thiện Lành gói bánh chưng, làm mứt tặng người nghèo đón Tết. Tôi thấy việc dựng cây nêu đón Tết rất ý nghĩa, giúp thế hệ trẻ như chúng tôi hiểu hơn về phong tục truyền thống của dân tộc và cả những ý nghĩa nhân sinh cao đẹp, đặc biệt là sự hướng thiện và sống biết sẻ chia với mọi người”, chị Trần Thị Hiền, thôn Phú Hưng, xã Hải Phú, huyện Hải Lăng tâm sự.
Từ khi Trung tâm Thừa kế và Ứng dụng y học cổ truyền Thiện Lành dựng cây nêu đón Tết, nhiều người đến đây tỏ ra thích thú, bắt đầu tìm hiểu về nó. Mọi thắc mắc của các bạn trẻ về cây nêu đã được Đại đức Thích Liễu Bổn giải thích, làm sáng tỏ khiến ai cũng vui. “Dựng cây nêu đón Tết và tổ chức nhiều hoạt động thiện nguyện như gói bánh chưng, làm mứt tặng người nghèo, chúng tôi muốn gửi đến mọi người thông điệp về việc cần giữ gìn nét đẹp truyền thống của dân tộc và cả sự sẻ chia, yêu thương, đùm bọc lẫn nhau trong cuộc sống”, Đại đức Thích Liễu Bổn cho biết.