Đừng chỉ cấm trên giấy!
Gần đến ngày khai giảng năm học mới, phụ huynh học sinh lại nín thở chờ thông báo các khoản thu đầu năm. Đã có những vụ việc nghiêm trọng bị xử lý trước pháp luật liên quan đến lạm thu.

Đầu năm học mới nhiều khoản chi phí mà phụ huynh học sinh phải đóng góp. Ảnh Ngọc Ánh
Các quy định, văn bản hướng dẫn chi tiết về các khoản thu trong trường học cũng được ban hành nhưng tại sao đến hẹn lại lên, lạm thu vẫn là vấn đề nóng?
Muôn hình vạn vẻ những khoản lạm thu
Xã hội ngày càng hiện đại, điều kiện sống càng phát triển, mức độ đầu tư học tập cho con cái tăng lên thì vấn đề lạm thu xảy ra nhiều hơn và dưới nhiều hình thức, tên gọi khác nhau. Một trong số đó là tiền mua điều hòa, rèm cửa hằng năm của học sinh, nhất là với các khóa đầu cấp.
Câu hỏi vẫn thường được phụ huynh đặt ra: “Tại sao khóa mới nào vào trường phụ huynh cũng phải đóng tiền lắp điều hòa, rèm cửa trong khi rèm cửa, điều hòa của khóa trước không hề mang đi”.
Khi ngành đã có những hướng dẫn, quy định rõ ràng như vậy nhưng vẫn để xảy ra lạm thu, hiệu trưởng các trường học sẽ phải chịu trách nhiệm trước cơ quan có thẩm quyền. Khi có thông tin dư luận phản ánh và đơn vị kiểm tra, phát hiện cơ sở vi phạm thu chi không đúng nguyên tắc thì trách nhiệm cũng thuộc về người đứng đầu cơ sở giáo dục đó. Nếu sự việc nghiêm trọng thì sẽ chuyển cơ quan điều tra, làm rõ.
Giám đốc Sở GD&ĐT TP Hà Nội Trần Thế Cương
Chị Nguyễn Thị Ánh Hoa, phụ huynh học sinh một trường công lập tại Hà Nội đi nhận lớp cho con về rất buồn bực khi lớp không có điều hòa. Xác nhận qua một người bạn có con học khóa trên tại trường đó, chị Hoa được biết, lớp con của người bạn đã đóng tiền lắp điều hòa 2 năm trước và năm học này đã chuyển học ở lớp khác, không tháo điều hòa mang theo. Vậy mà khi con chị Hoa đến nhận lớp thì tường chỉ có trơ dây còn điều hòa thì biến mất…
Không ai dám hỏi điều hòa đi đâu mà chỉ âm thầm thắc mắc. Như vậy, bằng một cách nào đó và lý do nào đó, điều hòa đã được tháo đi và khóa sau muốn mát mẻ thì phụ huynh phải bỏ tiền ra mua và lắp.
Câu chuyện về chiếc điều hòa mới đây lại xảy ra tại Trường Tiểu học Hữu Hòa, huyện Thanh Trì. Theo thông tin phản ánh trên mạng xã hội (Facebook) của một phụ huynh lớp 1A5 của trường thì trường quy định, phụ huynh muốn lắp điều hòa cho con phải cam kết tặng lại nhà trường sau khi con học xong tiểu học, nếu không tặng thì không được lắp.
Vụ việc này chưa lắng thì dư luận lại xôn xao về sự việc xảy ra tại Trường THPT Bình Phú, quận 6, TP Hồ Chí Minh bởi đoạn clip tư vấn của nhân viên nhà trường về vấn đề đồng phục được đăng tải trên mạng xã hội. Cụ thể, tại buổi làm thủ tục nhập học cho học sinh lớp 10, nhân viên tư vấn của nhà trường cho biết: balo đi học phải là balo đồng phục, balo không có logo trường thì bảo vệ không cho vào; đồng phục phải mua theo đơn vị bộ, không được mua lẻ áo, quần, váy; trong khi 1 combo quần/váy, áo của trường có giá khá cao (1,8 - 2,15 triệu đồng).
Chưa dừng lại, vẫn đâu đó có phụ huynh phản ánh việc trường bắt buộc học sinh phải sử dụng vở ghi, giấy kiểm tra… do nhà trường phát hành hoặc đồng phục của trường thay đổi mẫu liên tục khiến phụ huynh tốn kém không ít nhưng vẫn ngậm ngùi theo vì lo con mình bị "trù".
Phải nhấn mạnh, lạm thu không phải chỉ đến từ nhà trường mà nhiều khi đến từ chính cha mẹ học sinh hoặc Ban đại diện cha mẹ học sinh. Từ việc hô hào, chia bình quân tiền ủng hộ trang bị cơ sở vật chất, đóng quỹ lớp với số tiền lớn đến việc vung tay sử dụng tiền quỹ lãng phí, mua sắm đồ dùng tràn lan, không cần thiết… với câu cửa miệng “không đáng là bao” cũng vô hình chung góp phần đẩy lạm thu lên cao hơn.
Quy rõ trách nhiệm, xử lý nghiêm để làm gương
Về thông tin tại Trường Tiểu học Hữu Hòa, sau khi vào cuộc xác minh, UBND huyện Thanh Trì khẳng định “không có sự việc trên”. Theo đó, việc lắp điều hòa là do các phụ huynh mong muốn trang bị để tạo điều kiện cho các con được học tập tốt hơn, hoàn toàn không có chuyện nhà trường hay giáo viên chủ nhiệm gợi ý lắp đặt và tặng lại sau khi các con học xong tiểu học. "Hơn nữa, việc lắp đặt mới đang ở giai đoạn các phụ huynh bàn bạc trong nhóm zalo riêng, không có giáo viên chủ nhiệm. Tuy nhiên, có thể có phụ huynh nào đó chưa nắm rõ quy trình nên đã có sự hiểu lầm".
Trao đổi về sự việc tại Trường THPT Bình Tân, Hiệu trưởng nhà trường Trần Nghĩa Nhân cho biết, trường không có chủ trương bắt buộc học sinh mua balo như đoạn clip nói. Nhà trường đã chấn chỉnh nhân viên, yêu cầu có cách hiểu đúng để tư vấn đúng; đồng thời khẳng định, phụ huynh, học sinh mua balo, đồng phục trên tinh thần tự nguyện.
Nhìn nhận khách quan thì đa số nhà trường thực hiện cơ chế thu chi chặt chẽ, đúng quy định. Để giảm gánh nặng kinh phí đầu năm học cho phụ huynh, có trường còn không bắt buộc mua đồng phục mà chỉ yêu cầu học sinh mặc áo trắng, quần/váy tối màu. Phụ huynh có thể chủ động, tự mua trang phục cho con, miễn sao học sinh bảo đảm sạch sẽ, chỉnh tề khi đến lớp. Có trường tự bỏ tiền ra mua sắm, sửa sang điều hòa, rèm cửa, tận dụng và chắt chiu để khóa sau học sinh dùng mà không cần đóng góp. Lại cũng có nhiều thầy cô, nhà trường mở các phiên chợ kêu gọi học sinh mang những bộ đồng phục còn mới mà không dùng đến để tặng cho học sinh khóa sau có hoàn cảnh khó khăn…
Những điều tốt đẹp trên giúp nhân lên tình nhân ái, giảm gánh nặng kinh tế cho rất nhiều gia đình và học sinh khó khăn; giúp học sinh nào cũng được hưởng điều kiện học tập đầy đủ, công bằng.
Ngược lại, đâu đó vẫn thấy niềm tin xã hội đối với vấn đề minh bạch thu chi trong nhà trường ít nhiều bị ảnh hưởng. Vẫn có người quả quyết cho rằng, lạm thu rất khó mất đi hoặc sẽ biến tướng, núp bóng dưới hình thức khác, trong đó có hình thức tự nguyện. Thế nên mới xảy ra việc phụ huynh miệng thì nói tự nguyện nộp tiền mua điều hòa, cây nước, quạt điện, máy chiếu… nhưng trong lòng lại rất bực bội, thậm chí bức xúc với khoản thu trên.
Anh Nguyễn Trọng Anh - phụ huynh có con đang học Tiểu học ở Hà Nội cho rằng, để xảy ra các khoản thu ngoài quy định có trách nhiệm lớn của hiệu trưởng, giáo viên chủ nhiệm và Ban phụ huynh. Hiệu trưởng cần quán triệt rõ với giáo viên chủ nhiệm về quy định và các khoản thu, chi của nhà trường, xây dựng chặt chẽ hệ thống văn bản, cam kết nội bộ. Giáo viên cần nắm bắt nhanh về tâm tư, nguyện vọng của phụ huynh học sinh; thông tin đầy đủ về quy định, quy chế của nhà trường; quán triệt không để phụ huynh tự ý hô hào đóng góp những khoản tiền ngoài quy định hoặc không được đồng thuận của số đông.
Theo Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương, ngành giáo dục rất quan tâm đến công tác thu, chi trong nhà trường. Ngay từ đầu năm học, đơn vị đã phối hợp với Sở Tài chính có các văn bản hướng dẫn thu, chi đối với trường học ở các cấp, bảo đảm công khai, minh bạch, thu đúng, thu đủ và tuyệt đối không được lạm thu. Bất cứ khoản nào ngoài quy định, các cơ sở giáo dục đều không được phép thu.
Bên cạnh đó, các nội dung liên quan đến hoạt động trải nghiệm hay xã hội hóa, Sở GD&ĐT Hà Nội cũng đã yêu cầu các nhà trường có đề án, kế hoạch cụ thể, được thông qua trong tập thể sư phạm nhà trường và cấp có thẩm quyền cho phép mới được triển khai theo đúng quy định.
“Việc thu, chi kinh phí của Ban đại diện cha mẹ học sinh phải bảo đảm nguyên tắc công khai, dân chủ. Sau khi chi tiêu phải báo cáo công khai quyết toán kinh phí tại các cuộc họp toàn thể cha mẹ học sinh lớp và các cuộc họp toàn thể Ban đại diện cha mẹ học sinh trường. Không quy định mức kinh phí ủng hộ bình quân cho các cha mẹ học sinh”- Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội lưu ý.
Điều 10 Thông tư số 55/2011/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT ban hành Điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh, quy định: Ban đại diện cha mẹ học sinh không được thu 7 khoản gồm: bảo vệ cơ sở vật chất của nhà trường, bảo đảm an ninh nhà trường; trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh; vệ sinh lớp học, vệ sinh trường; khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường; mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp học hoặc cho cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên nhà trường; hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục; sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường.
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/dung-chi-cam-tren-giay.html