Đừng chủ quan khi chơi bóng bay trong phòng kín
Trong lúc thổi nến bánh kem mừng sinh nhật, người phụ nữ bị ngọn lửa bùng lên từ chùm bóng bay trên trần nhà 'nuốt trọn'.

Bóng bay phát nổ khiến chị Phạm Thị Giang bị bỏng nặng ở mặt.
Trên trang cá nhân, chị Phạm Thị Giang (33 tuổi, Hà Nội) chia sẻ về khoảnh khắc kinh hoàng trong chính bữa tiệc sinh nhật của mình. Không ai ngờ rằng, giây phút vui vẻ, rực rỡ ánh đèn và tiếng cười lại biến thành một tai nạn đáng sợ.
Trao đổi với Tri Thức - Znews, chị Giang cho biết đã đặt tiệc tại nhà hàng, trang trí thêm một chùm bóng bay in tên mình để chụp ảnh check-in. Khi bữa tiệc gần kết thúc, chị cầm chùm bóng, thổi nến và nhún nhảy theo nhạc. Bất ngờ, một quả bóng chạm vào ngọn nến trên bánh kem và phát nổ. Lửa bùng lên, bén vào tay và mặt chị, thiêu rụi cả một số bóng bay trang trí trên trần nhà.
"Tôi chỉ kịp cảm nhận cơn đau rát khủng khiếp, hoảng loạn chạy vào nhà vệ sinh dội nước lạnh", chị nhớ lại.
Tai họa từ quả bóng bay
Chị Giang được đưa vào Bệnh viện Xanh Pôn (quận Ba Đình) trong tình trạng bỏng rát, đau đớn sau vụ nổ bóng bay. Các bác sĩ chẩn đoán chị bị bỏng độ 2 ở mặt, bỏng độ 1 ở tay, may mắn không ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị lực. Tuy nhiên, để làn da phục hồi hoàn toàn, chị sẽ cần ít nhất 4-6 tháng.
Loại bóng bay phát nổ trong vụ việc được bơm bằng khí hydro, một chất dễ cháy nổ. Nếu phát nổ ở khoảng cách gần, nó có thể gây bỏng nặng, thậm chí để lại di chứng lâu dài. Với chị Giang, vụ tai nạn chỉ diễn ra trong tích tắc, nhưng đủ để biến khoảnh khắc vui vẻ thành ký ức ám ảnh.
Những tai nạn như vậy không phải là hiếm. Trước đó, một người đàn ông 63 tuổi ở Hà Nội đã phải cắt cụt chi sau khi bình khí hydro phát nổ trong lúc bơm bóng bay.


Chị Giang với nhiều vết bỏng trên mặt. Ảnh: NVCC.
Tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, ông nhập viện trong tình trạng hôn mê, cơ thể dập nát nhiều vị trí, máu loang lổ trên quần áo. Các bác sĩ xác định ông bị đa chấn thương nghiêm trọng, bao gồm chấn thương sọ não, chấn thương chi thể mức độ nặng.
Nhưng ngay cả khi đã được can thiệp, bệnh nhân vẫn rơi vào trạng thái nguy kịch. Tiên lượng sống rất mong manh, ông phải tiếp tục điều trị dài ngày, trải qua nhiều cuộc phẫu thuật nữa để duy trì sự sống.
Những vụ tai nạn như vậy là lời nhắc nhở rõ ràng về sự nguy hiểm của bóng bay bơm khí hydro - thứ tưởng chừng vô hại nhưng có thể gây ra hậu quả khôn lường chỉ trong tích tắc.
Nguy hiểm từ bóng bay bơm bằng hydro
Theo bác sĩ Nguyễn Thái Ngọc Minh, khoa Hồi sức Cấp cứu, Bệnh viện Bỏng Quốc gia Lê Hữu Trác (Hà Nội), khí hydro là chất dễ cháy, có cấu trúc phân tử rất nhỏ, dễ dàng thẩm thấu qua màng bóng bay. Chỉ cần tiếp xúc với bóng đèn, không khí nóng hoặc ánh nắng mặt trời, bóng bay chứa hydro có thể phát nổ.
Việc nén khí hydro trong bóng bay làm tăng nguy cơ cháy nổ, có thể gây bỏng mặt, mù mắt, tổn thương da, bỏng hô hấp nếu nạn nhân hít phải khí nóng. Trong những trường hợp nặng, vụ nổ có thể đe dọa đến tính mạng.

Bóng bay bơm bằng khí hydro tiềm ẩn hiểm họa sức khỏe. Ảnh: Oneaid.
Bác sĩ Trần Văn Phúc, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn (Hà Nội), cho biết cả khí heli và hydro đều được dùng để bơm bóng bay. Tuy nhiên, điểm khác biệt quan trọng là:
Khí heli: Không màu, không mùi, không cháy, an toàn khi sử dụng.
Khí hydro: Không màu, không mùi nhưng dễ cháy, dễ nổ ngay cả ở điều kiện bình thường, vốn được sử dụng để chế tạo bom.
Khi bóng bay chứa hydro phát nổ, nó có thể tạo thành quả cầu lửa, gây bỏng nặng. Ngoài ra, áp lực từ vụ nổ có thể gây tổn thương mô mềm, mảnh bóng bay vỡ có thể bay vào mắt, cổ họng, gây nguy hiểm nghiêm trọng.
Bác sĩ Lê Nam Khánh, khoa Hồi sức Ngoại khoa và Ghép tạng, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (Hà Nội), cũng cảnh báo rằng bật lửa, tàn thuốc, tia lửa điện đều có thể kích nổ bóng bay chứa hydro ngay lập tức. Dù tiềm ẩn nguy cơ cao, loại khí này vẫn được nhiều người sử dụng vì giá thành rẻ hơn so với khí heli.
Để đảm bảo an toàn, bác sĩ khuyến cáo:
Hỏi rõ loại khí bơm trong bóng bay trước khi mua. Nên chọn bóng bay bơm khí heli, vì đây là khí trơ, không gây cháy nổ.
Tránh đưa bóng bay lại gần nguồn nhiệt, như nến, bật lửa, bếp gas, tia lửa điện.
Không thả bóng bay gần đường dây điện, tránh nguy cơ chập cháy.
Bảo quản bình khí nén ở nơi thông thoáng, tránh xa nguồn lửa. Bình phải có van kiểm tra áp suất an toàn.
Người bơm bóng bay cần có kinh nghiệm, tuyệt đối không tự ý bơm bóng khi chưa hiểu rõ các nguy cơ từ khí nén.
Trẻ em thường thích bóng bay nhưng chưa nhận thức được nguy cơ cháy nổ, phụ huynh cần nhắc nhở và giám sát khi trẻ chơi đùa với bóng bay.
Dù bóng bay là món đồ chơi quen thuộc, nếu không cẩn trọng, nó có thể trở thành nguy cơ cháy nổ tiềm ẩn, gây hậu quả nghiêm trọng.