Dung dăng dung dẻ đón Tết
“Phúc như Đông Hải, Thọ tỷ Nam Sơn” - các diễn viên Đoàn Hát bội Ngọc Khanh khép lại màn trình diễn giáp Tết Tân Sửu 2021 của họ tại chương trình Dung dăng dung dẻ bằng những tấm vải ghi lời chúc sức khỏe, trường thọ truyền thống quen thuộc với mọi nhà mỗi dịp xuân về.
Những ngày phố phường chộn rộn đón Tết đến, những diễn viên Đoàn Hát bội Ngọc Khanh (của NSƯT Nguyễn Thị Ngọc Khanh), nghệ sĩ Khánh Minh, nghệ sĩ Phượng Loan… có dịp giao lưu và “chiêu đãi” miễn phí các màn trình diễn hát bội truyền thống dân gian tại Tuần lễ Văn hóa và sáng tạo Dung dăng dung dẻ (Play with Culture) do NXB Văn hóa - Văn nghệ, Công ty TNHH Vang Vọng Trống Chầu, Vườn Nhà Gốm phối hợp tổ chức tại TP.HCM (kết thúc ngày 30-1).
* Hát bội ngày giáp Tết
Thật là thú vị khi công chúng được tận mắt thưởng thức cùng dịp những màn hát như: Tứ Thiên Vương, Ca Xướng Nhứt Diên (hát bội Nam bộ), nghi lễ đánh trống xây chầu, hồi chầu… đến tiết mục có cái tên ngộ nghĩnh BỘ[I] Remix sử dụng chất liệu âm nhạc và điệu bộ hát bội trong biểu diễn flashmob hiện đại! Đây là một sự kết hợp giao hòa giữa nghệ thuật truyền thống và giai điệu thời thượng lý thú, là một sáng kiến để mang nghệ thuật thời “ông bà ta” gần gũi với giới trẻ hôm nay. Bỗng nhiên, một môn nghệ thuật biểu diễn truyền thống lâu đời tại Nam bộ (ra đời từ cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX) như hát bội lại trở nên “chưa bao giờ dễ tiếp cận hơn thế” đối với các bạn trẻ.
“Chúng tôi mong muốn mang đến những trải nghiệm độc đáo giúp khơi dậy từ các bậc phụ huynh, trẻ em và các bạn trẻ hứng thú tìm hiểu về lịch sử, văn hóa, nghệ thuật truyền thống Việt Nam, đặc biệt là vùng đất Nam bộ” - chị Quỳnh My, đại diện NXB Văn hóa - Văn nghệ chia sẻ. Dung dăng dung dẻ vì thế rất thích hợp để đến với công chúng trong những ngày giáp Tết Tân Sửu 2021.
Thổ lộ với bạn trẻ vì sao theo đuổi nghệ thuật hát bội qua nhiều thập niên, NSƯT Nguyễn Thị Ngọc Khanh (Đoàn Hát bội Ngọc Khanh) chia sẻ rằng hát bội góp phần truyền tải những giá trị nghệ thuật và đạo đức nền tảng của vùng đất Nam bộ xưa nay qua các vở diễn. Đây không chỉ là niềm tự hào của văn hóa truyền thống, niềm tự hào của người dân Nam bộ (nhất là ở các vùng thôn quê) mà còn là “nghiệp” đam mê, cống hiến của các nghệ sĩ hát bội.
Anh Phan Khắc Huy (sinh năm 1987, nhà sáng lập Vang vọng trống chầu - Echoing Drum) bày tỏ lòng tâm huyết khi chia sẻ những chất liệu và cách thức kết nối - giao lưu văn hóa truyền thống với người trẻ thông qua những chương trình đã thực nghiệm mà anh khởi xướng cùng các nghệ sĩ, nghệ nhân trong thời gian qua. Theo anh Khắc Huy, “để văn hóa dân gian đến được với người trẻ hôm nay thì cần có những người xây dựng được các chất liệu văn hóa hấp dẫn, sinh động giúp cho thanh thiếu niên có thể “chơi và học” dễ dàng, vui vẻ”.
Chính vì thế, Dung dăng dung dẻ bên cạnh hoạt động biểu diễn hát bội, trống chầu miễn phí cho công chúng để giúp mọi người hiểu và trân trọng tài năng, tâm huyết với nghề của các nghệ sĩ, thì còn có những workshop nghệ thuật và thủ công, trò chơi dân gian Việt Nam, quy tụ các nhà thiết kế và nghệ nhân trẻ hướng dẫn, “chung vui” với mọi bạn trẻ tham dự.
“Những ngày giáp Tết được tham gia các hoạt động giải trí ý nghĩa như thế này rất đáng nhớ. Các trò chơi vừa vui nhộn, vừa mang yếu tố văn hóa như: kinh lược, hội phố, bói Tarot Kiều, học cách in tranh Đông Hồ, xem sách vải… như thế này không dễ có dịp được tổ chức cho giới trẻ” - bạn Nguyễn Thu Vân, sinh viên Trường đại học Văn hóa bày tỏ.
* Giá trị văn hóa dân gian Nam bộ
Nếu như bữa tiệc chiêu đãi “Bánh Trái Trà Hoa” mang đến nhiều trải nghiệm đa giác quan thì “Tour văn hóa” với các trạm triển lãm giới thiệu sinh động các loại hình văn hóa dân gian cũng mang đến nhiều kiến thức bổ ích. Đặc biệt, người tham dự còn được trực tiếp “xoay hình nắn dạng”, vẽ gốm thủ công để có trải nghiệm thực tế về cách làm gốm Nam bộ, tranh kiếng Nam bộ…
Anh Phan Khắc Huy cho rằng đây chính là cách giáo dục văn hóa qua trải nghiệm dành cho người trẻ và các gia đình ở thành thị. Các hoạt động “như những tiếng trống chầu rộn rã gióng lên những âm thanh đầy cảm hứng, thúc giục những người trẻ hòa mình vào hành trình tìm hiểu về lịch sử, văn hóa của dân tộc Việt, để từ đó có sự thấu hiểu và trân quý những giá trị thiêng liêng và quý báu của dân tộc, ứng dụng vào đời sống, vào công việc hôm nay”.
“Hơn mọi thời điểm khác, Tết chính là thời gian lý tưởng nhất để mọi người cùng gìn giữ những giá trị văn hóa dân gian trong cộng đồng” - chị Quỳnh My (NXB Văn hóa - Văn nghệ, thành viên Ban tổ chức chương trình Dung dăng dung dẻ) nói.
“Đích đến của hành trình là chúng ta sẽ thưởng thức văn hóa theo cách của mỗi người, rồi từ đó trở thành những đại sứ truyền bá cái hồn của lịch sử, văn hóa và lan truyền tinh thần hào hùng của lịch sử, cả tính đặc sắc của văn hóa Việt Nam mỗi khi có thể” - anh Phan Khắc Huy bày tỏ.
Có mặt tại Tuần lễ Văn hóa và sáng tạo Dung dăng dung dẻ, nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng nở nụ cười rất sảng khoái. Trong ánh mắt ông sáng lên niềm vui khi nhìn thấy các loại hình văn hóa dân gian được công chúng trẻ đón nhận trong thời khắc mùa xuân về. Nhà nghiên cứu cho rằng “các điểm chạm văn hóa” bằng nhiều hình thức đa dạng sẽ mang đến những trải nghiệm độc đáo và vui vẻ cho bạn trẻ trong những ngày giáp Tết. Vì bởi “ngày Tết thường là dịp để ta hướng tới những giá trị văn hóa truyền thống dân gian. Theo chiều dài lịch sử, Tết gom góp hầu như toàn bộ các loại hình văn hóa truyền thống để trở thành lễ hội truyền thống” - nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng dẫn giải.
Chị Quỳnh My thì đúc kết: “Những hoạt động hướng tới Tết là chờ mong khoảnh khắc “Tống cựu nghinh tân” - tổng kết một năm đã qua và chào đón năm mới với nhiều cầu mong, ước nguyện trở thành sự thật. Năm 2020 vừa qua là một năm “quá đặc biệt” với nhiều biến động làm xáo trộn cuộc sống của nhiều người trong chúng ta. Hơn hết, ai ai cũng chờ khoảnh khắc đoàn tụ gia đình được quây quần bên nhau, hay cùng người thân, bạn bè du xuân, đón Tết, tham gia lễ hội, tiếp cận và thưởng thức các hoạt động nghệ thuật truyền thống cũng là một điều rất thú vị”.
“Tết là lễ hội tổng hợp chứ không phải lễ hội chuyên biệt. Thứ nhất, Tết bao gồm Tiết nhật (lễ nghi) nông nghiệp báo hiệu kết thúc mùa màng. Thứ hai là lễ Tiết cúng tế các thần linh (gồm Thiên Thần, Địa Kỳ và vong hồn các người chết). Thứ ba là tích hợp các hoạt động giao tiếp xã hội, chúc tụng. Thứ tư, Tiết Nhật vui chơi, giải trí.
Trải qua lịch sử, lễ Tết từ lễ nghi nông nghiệp chuyển biến thành lễ nghi tổng hợp. Một số phong tục cổ truyền thường được diễn ra trong những ngày Tết như: đưa ông Táo về trời, tất niên rước ông bà tổ tiên, tảo mộ giẫy mả, dựng cây nêu, dọn dẹp trang hoàng nhà cửa, câu đối và tranh tết, nấu bánh chưng bánh tét, chưng trái cây, mâm ngũ quả, cúng giao thừa, xông đất đầu năm, đi lễ chùa - đi hái lộc, bao lì xì và chúc tết, các trò chơi ngày Tết...” - nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng nhắc nhớ.