Dùng dằng với Trường Giang

Bởi cái 'dùng dằng' không muốn chảy nên con nước Trường Giang chẳng có mỡ màu phù sa, chỉ cô đọng lại những tầng vỉa văn hóa - lịch sử rất chi là… Quảng Nam.

Báo VietNamNet tổ chức cuộc thi "Chuyện của những dòng sông” để quý độc giả có thể chia sẻ những câu chuyện đẹp, những ký ức về sông, phản ánh những vấn đề về phát triển kinh tế, văn hóa bên những dòng sông và thể hiện những mong muốn, dự định, ý tưởng thúc đẩy sự phát triển bền vững trên các dòng sông và cho cộng đồng.

Cuộc thi diễn ra từ ngày 5/3 đến 30/6/2024 trên mục Du lịch.

Xin trân trọng giới thiệu bài viết Dùng dằng với Trường Giang của tác giả Ngô Phú Thiện.

Sông ngang ngạnh chảy nghịch chiều địa lý

Cứ dùng dằng như thể… Quảng Nam…”

Câu thơ ai đó đã cố tình nhân hóa dòng sông “nghịch chiều địa lý” của Trường Giang để ám chỉ tính người xứ Quảng. Nhìn lại vẫn thấy trúng. Xin đừng hiểu nhầm cách phát âm chữ “v” thành “d” của người Quảng!

Tình thái từ “dùng dằng” ở đây không đồng nghĩa với động từ “vùng vằng”, giận dỗi mà là một trạng thái phân thân. Nói như người Quảng, rứa là ‘đi không nỡ, ở không đành’…

Người ta thường bảo: đời sông như đời người, khi ngọt mặn lúc lại đục trong. Dòng sông Trường Giang quê tôi cũng vậy, nên tự thuở nào đã thấm vào máu thịt, chất giọng “đặc sệt” Quảng Nam. Nếu không vào mùa mưa lũ, con sông rất đỗi hiền hòa, tĩnh lặng lại náu mình dọc theo bờ biển nên chẳng có mấy tiếng tăm, ngoài cái sự “nghịch”. Thế sông nghịch chiều và nước sông chảy ngược. Hầu hết các sông ở dải đất miền Trung này đều có “nguồn” từ Tây xuống Đông, nên rạch ròi “tả - hữu” đôi bờ. Sông Trường Giang không thuận theo chiều địa lý ấy mà “ngang ngạnh” nằm dọc theo chiều Bắc - Nam, để hai đầu sông đều giáp biển. Bởi thế từ xưa tới giờ, chẳng ai phân định đâu là tả ngạn, hay hữu ngạn của dòng sông. Còn “dị thường” hơn nữa, lúc nhìn mặt nước trong veo đố ai biết được chỗ nào nước ngọt, đoạn sông nào nước mặn?... Thôi thì, cứ chung thủy gọi Trường Giang là “sông nước lợ”.

Cầu Tam Tiến bắc qua sông Trường Giang, xã Tam Tiến, huyện Núi Thành. Ảnh: Ngân Thành/Báo Quảng Nam

Cầu Tam Tiến bắc qua sông Trường Giang, xã Tam Tiến, huyện Núi Thành. Ảnh: Ngân Thành/Báo Quảng Nam

Cũng danh phận là Trường Giang nhưng dòng sông quê tôi không dài lắm, chỉ hơn 70km đủ để cắm hai cột mốc chiều dài của địa giới Quảng Nam. Đầu sông phía Bắc đổ ra cửa Đại - Hội An, còn phía Nam đổ ra cửa biển An Hòa - ngày xưa gọi là cửa Đại Áp. Nghe qua hai tên cửa sông này, chắc mọi người ít nhiều nhận ra đã gặp đâu đó trong các thư tịch cổ. Dòng sông có vẻ “nghịch” với địa lý, địa mạo nhưng lại rất “thuận” về nhiều mặt, nhất là về quân sự, văn hóa và cả giao thương kinh tế. Theo cổ sử, cửa Đại Áp là nơi lưu dấu đoàn chiến thuyền của Lê Thánh Tông dừng nghỉ, khi nhà vua thân chinh đi mở cõi về phương Nam; cũng là nơi tụ quân, lập đội Tiền Cơ Trung Nghĩa của vua Quang Trung trước khi thẳng tiến ra giải phóng Bắc Hà, vào mùa xuân năm Kỷ Dậu. Còn cửa Đại - hay Đại Chiêm ở đầu phía Bắc, không chỉ có tiếng vang xa về lịch sử mà còn là điểm hẹn kết nối giao thương đầu tiên với nhiều nước Đông - Tây, từ buổi đầu của Chúa Nguyễn lập dinh trấn ở Đàng Trong…

Đó là vài điểm nhấn lịch sử ở đầu sông, còn suốt dặm dài văn hóa của dòng sông này thì… nhiều vô kể. Xưa nay, với cả người Quảng ly hương, vẫn cho rằng: cư dân ven sông Trường Giang hầu hết là những người thuần phác, chỉ biết “chặt to, kho mặn”… Nhưng nếu ai đã ngâm cả đời mình với dòng sông quê nhà thì chắc hẳn sẽ cười giòn và phân bua: “nói rứa mà không phải rứa”! Vì tính cách “ưa nghịch” của con sông, từ lâu đã lặm vào căn cốt con người, tạo ra chất tình mặn - ngọt riêng tư, rất Quảng.

Điều “khác thường” nữa của Trường Giang mà ít người để ý là tính phân thân “nửa ở, nửa về” của con nước. Nếu ai có dịp ghé đến đoạn sông chính giữa, thuộc huyện Thăng Bình - từ Bình Hải đến Bình Minh - có thể “sở thị” hữu hình về “cái đức” dùng dằng của mặt sông nơi đây. Nếu nửa dòng phía Đông muốn chảy ra hướng Bắc, thì nửa phía Tây lại chảy về hướng Nam, và ngược lại… Thực ra, con nước ở đoạn sông này không chảy đi đâu cả, mà cứ “dùng dằng tâm trạng” với lòng sông, bởi tác động thủy triều lên xuống bất thường ở phía hai đầu cửa sông.

Từ hình sông lòng nước, có thể nhận thấy chiều sâu của vốn văn nghệ dân gian chốn này. Những lúc “trời yên biển lặng”, dòng Trường Giang có vẻ ‘quê mùa’, say ngủ nhưng ai biết đâu, lòng sông vẫn đang dùng dằng với những câu ca, điệu hò sống động và cả những giai thoại, truyện cười độc đáo.

Trên mọi miền đất nước, dòng sông lớn nào cũng ắp đầy câu ca, hò, vè sông nước. Sông Trường Giang không lớn nhưng cũng đủ đắp bồi phần hồn cho kho tàng văn hóa dân gian xứ Quảng. Mọi “nguồn cơn” văn nghệ vùng sông nước này đều gắn liền với “văn hóa chợ”. Người ta thường bảo: “lời lẽ qua đường như ghét thương chợ búa”, nhưng hình như nó không ứng nghiệm với cảnh chợ bến sông nơi này.

Sông Trường Giang. Ảnh: Báo Xây Dựng

Sông Trường Giang. Ảnh: Báo Xây Dựng

Dọc đôi bờ Trường Giang, nơi nào có bến sông thì nơi ấy có chợ. Và chợ không chỉ là đầu mối giao thương mà chính là tụ điểm giao lưu với mọi tầng lớp người, từ miền xuôi đến miền ngược. Không khó tưởng tượng, bởi ngày xưa phương tiện giao thông tiên tiến nhất là thuyền bè. Tất tật hàng hóa, từ “thượng vàng đến hạ cám” về chợ phải chuyển bằng thuyền. Các loại lâm - thổ sản vùng thượng nguồn xuôi theo các dòng sông lớn nhỏ xuống chợ; hàng thủy - hải sản ngược con nước Trường Giang nhập vào các chợ bến sông, như An Tân, Cây Trâm, chợ Vạn, chợ Được, Bàn Thạch… Để từ những “thương vụ” đổi trao hàng hóa, đột nhiên họ chuyển sang “trao gửi” nghĩa tình nhờ câu ca, điệu hò sông nước. Ví như, người quê Tam Kỳ dù ở đâu vẫn nhớ, vẫn thuộc câu ca này:

Ai về nhắn với nậu nguồn

Mít non gởi xuống, cá chuồn gởi lên

“Chắt nuội” (Chắc chắn - BT) rồi, anh (hay chị) này muốn mượn sản vật quê nhà để… tỏ tình! Tín hiệu tình cảm ở đây lại được “nhắn” qua món ăn thổ sản của địa phương mình. Người phía Nam của Quảng Nam, ai chẳng biết vùng Tiên Phước, Trà My có lắm mít non và mùa mít ra quả cũng trùng với mùa cá chuồn ở biển ngang Tam Kỳ. Đến mùa mít non, thương nhân mạn nguồn chuyển theo thuyền buôn, xuôi sông Tam Kỳ xuống chợ Vạn; còn cá chuồn từ biển, ngược Trường Giang lên chợ Vạn - mua bán cạnh bến sông Tam Kỳ…

Nhưng có lẽ tính văn nghệ độc, lạ, hiện vẫn đang lưu dấu trên dòng Trường Giang là những giai thoại về “thầy Lánh” và “truyện cười Thủ Thiệm”. Ai còn bảo người dân vùng sông nước này “ăn cục, nói hòn” hay “chặt to, kho mặn”, thì hãy tìm đọc trên nhiều sách, báo hiện thời hẳn phải suy xét lại! Từ lâu, đã có nhiều công trình nghiên cứu về “thầy Lánh” hay “Đức Thầy” cũng như “truyện cười Thủ Thiệm” đã được in thành sách, khá phổ biến trong kho tàng Văn hóa dân gian Quảng Nam. Ở đây, tôi chỉ xin bật mí đôi điều về hai con người có thật đã được huyền thoại hóa, ở vùng sông nước Trường Giang.

Trước tiên, về thầy Lánh. Đây là nhân vật bằng xương bằng thịt có tên trong gia phả tộc Nguyễn, làng Diêm Điền là Nguyễn Đức Lánh (hay Thêm). Hiện nay, nhà thờ cụ vẫn còn ở thôn Bảo Long, xã Tam Tiến, huyện Núi Thành. Đức Thầy là cách gọi tôn vinh của dân gian về một ngư dân bình thường nhưng có ‘đức’ nhân văn cao cả và có đôi mắt Thiền sư bích nhãn… Giai thoại cuối đời của thầy Lánh là chuyện hô sóng, gọi gió để đánh cắp ngôi đình lớn Trà Luông ở đầu làng Thị Lập - nay thuộc xã Duy Nghĩa, Duy Xuyên. Chỉ trong độ giờ Tý canh ba, thầy Lánh đã dùng phép thuật hô biến cả ngôi đình rộng lớn chình ình như đình Trà Luông về an tọa ở vùng cửa sông, thuộc xã Tam Tiến - Núi Thành bây giờ. Cũng vì nỗi khao khát của dân làng mình mà thầy phải chịu đắc tội với triều đình. Nhưng không ngờ, khi pháp đình ở Huế ban cho thầy một dải lụa để tự thắt cổ, ai dè dải lụa bỗng hóa rồng “cỡi gió đè mây” đưa thầy vào tận huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận để ẩn cư và chuyên tâm làm thuốc, cứu người…

Còn truyện Thủ Thiệm cũng có xuất xứ từ một nhân vật thực ở xã Tam Hòa, gần Cửa Lở của sông Trường Giang. Cụ có tên cúng cơm là Nguyễn Tấn Nhơn (gọi theo tên con đầu là Thiệm), thuộc lớp hàn Nho lỡ vận. Cụ chỉ được quan huyện cho làm chức Thủ sắc chưa quá bảy ngày đã bị… đuổi việc, nhưng cũng đủ chết tên Thủ Thiệm trong đời sống nhân gian. Vì ít nhiều bất đắc chí nên Thủ Thiệm hàng ngày khịa ra những sự việc tày trời, những mẩu chuyện cười móc họng để đả kích giới quan trường hiện thời…

Chừng như… tôi đã quá sa đà, nhiễm hội chứng “dùng dằng” của Trường Giang! Thôi, xin được kết lại bằng mẩu chuyện nhỏ “Giam đầu không giam đít” của Thủ Thiệm để minh chứng về cái “nghịch” của dòng sông quê nhà:

“… Một ngày nọ, bỗng dưng Thủ Thiệm giở chứng lếu láo, lên trình báo quan huyện. Thiệm thưa: Bẩm quan, dưới làng con có án mạng lớn: một người chết, một người bị thương!

Quan huyện cùng đội lính lệ cấp tập kéo nhau xuống hiện trường vụ việc. Đến nơi, quan chẳng thấy có vụ việc gì xảy ra, bèn gọi Thiệm đến rồi hỏi:

- Đâu? Án mạng đâu?

- Dạ bẩm…con nghe thấy có hai người đánh nhau. Một người hét to: Mi dám láo với ông, ông phải giết mi! Con nghĩ, thế nào cũng có kẻ chết, người bị thương mà…

- Mày láo thì có! Lệ đâu, lôi cổ thằng này lên giam đầu vào khám cho ta!

Quan huyện bực tức, chỉ mặt Thiệm ra lệnh. Đám lính lệ áp giải Thủ Thiệm lên lao xá. Họ mở cửa buồng giam rồi đẩy Thiệm vào, nhưng đẩy mãi không được. Thủ Thiệm hai tay nắm chặt cửa, đưa đầu vào phía trong buồng, còn mông đít thì trụ vững bên ngoài. Lính lệ giơ tay thước định đánh, Thiệm sửng cồ:

- Quan sai các ông giam đầu tui, chứ có bảo giam đít đâu?!

Cãi không được, bọn lính lệ chạy vào trình quan. Quan huyện nghe qua sự việc, bỗng lắc đầu bảo: Đúng là… tay Thủ Thiệm rồi. Thả quách nó ra !!”

Ngô Phú Thiện

Tổng giá trị giải thưởng lên đến 200 triệu đồng

Cuộc thi "Chuyện của những dòng sông” do Báo VietNamNet tổ chức, bắt đầu từ ngày 5/3 đến 30/6/2024 trên mục Du lịch.

Ban tổ chức khuyến khích các tác giả dự thi thể hiện tác phẩm dưới hình thức đa phương tiện, trong đó, video clip có độ dài từ 1 đến 3 phút, ngôn ngữ lời bình bằng tiếng Việt, ảnh có số lượng dưới 12 bức kèm chú thích; khuyến khích các tác phẩm dự thi có hơi thở báo chí đời sống, có câu chuyện nhân vật, phản ánh những vấn đề của người dân đang sinh sống tại các dòng sông, có tác động và có ảnh hưởng tới sự phát triển của những dòng sông.

Cơ cấu giải thưởng: 01 giải Nhất trị giá 50 triệu đồng; 01 giải Nhì trị giá 30 triệu đồng; 02 giải Ba mỗi giải trị giá 10 triệu đồng. Ngoài ra, còn có các giải thưởng phụ do đơn vị tài trợ trao tặng.

Ban tổ chức sẽ đài thọ chi phí ăn, ở, đi lại cho các tác giả đạt giải Nhất, Nhì đang sinh sống ở Việt Nam đến TP. HCM nhận giải. Trong trường hợp nhóm tác giả đạt giải, Ban tổ chức sẽ đài thọ chi phí cho 01 người đại diện nhóm đến TP.HCM nhận giải.

Để biết thêm thông tin chi tiết về thể lệ cuộc thi, xin vui lòng truy cập địa chỉ sau: https://vietnamnet.vn/bao-vietnamnet-to-chuc-cuoc-thi-chuyen-cua-nhung-dong-song-2255386.html

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/dung-dang-voi-truong-giang-2285131.html