Đừng 'đánh cắp' mùa hè của trẻ

Những năm gần đây, đến hẹn lại lên, khi năm học chính thức kết thúc cũng là bắt đầu của các chương trình ngoại khóa mở ra, trong đó có các khóa tu. Sự việc không đảm bảo an toàn, trở thành trải nghiệm kinh hoàng của một đứa trẻ diễn ra ở chùa Cự Đà ((huyện Thanh Oai, TP Hà Nội) gần đây nhất chính là tiếng chuông báo động về sự quan tâm của phụ huynh cũng như cách thức tổ chức quản lý trong hoạt động này.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Câu chuyện trẻ nhỏ đánh nhau có thể chỉ là giọt nước tràn li. Vấn đề là có quá nhiều ý kiến trái chiều về việc có nên cho trẻ đến chùa “tu” không? Nhiều bố mẹ kỳ vọng rằng, tạo ra môi trường khắc nghiệt con cái sẽ trưởng thành hơn, biết yêu thương, trân trọng mọi người, có cơ hội rèn luyện và trải nghiệm. Họ e sợ con cái mụ mị vì dúi mặt vào chơi games; lo âu khi trẻ ở nhà cả ngày hay đơn giản chỉ vì phụ huynh muốn lấp kín những ngày hè của con trẻ để còn tập trung vào công việc? Song, thẳng thắn mà nói, sau 9 tháng mệt mỏi với bài vở và lịch học dày đặc, chúng ta gửi con đi vài ba ngày, thậm chí nửa tháng, liệu bọn nhỏ sẽ có thể thay đổi được gì?

“Tu đâu cho bằng tu nhà, trọng cha kính mẹ hơn là đi tu”. Mỗi mùa hè đến có biết bao tin nhắn, cuộc gọi mời chào cho các cháu tham gia các chương trình trải nghiệm, nhưng tôi đều từ chối. Một phần vì kinh phí cho 10 ngày khoảng chừng 6 triệu đến trên 10 triệu là khá cao, còn những lớp học 1,5 triệu đồng cho 5 ngày với cái tên mỹ miều “tùy tâm” thì tôi không an tâm. Cái chính vẫn là tôi chẳng muốn một đứa trẻ phải mang vác quá nhiều yêu cầu, đòi hỏi của người lớn. Đó còn chưa kể đến việc, chùa vốn dĩ không phải là môi trường phù hợp với việc ăn ở, sinh hoạt và học tập của trẻ nhỏ. Trong một môi trường tận dụng hạ tầng dành cho việc tu tập của những người tu hành để làm dịch vụ thì rất khó đảm bảo các yêu cầu, từ vệ sinh đến an toàn. Thậm chí tôi cũng không đủ can đảm để cho con tham gia trại hè quân đội, một môi trường rèn luyện với kỷ luật sắt. “Mất tiền, thiếu gì trải nghiệm khác phù hợp hơn”, nhiều người đã nói vậy. Theo tôi, trải nghiệm và niềm vui lớn nhất của một đứa trẻ là được sống với đúng lứa tuổi của mình, được chơi đùa, được ăn uống, được ngủ nghỉ thả sức để nạp năng lượng cho năm học tiếp theo.

Vì nghĩ đơn giản quá nên yêu cầu của tôi là những ngày hè con tập làm quen với công việc nhà, giúp đỡ bố mẹ qua những chia sẻ nhỏ như: quét nhà, lau nhà, dọn giường ngủ, cắm cơm, nhặt rau, bỏ quần áo vào máy giặt, rửa bát... Chỉ thế thôi mà cũng đâu có dễ dàng gì?

Điều thiệt thòi nhất của trẻ hiện nay là chúng quá ít sự lựa chọn để có một mùa hè vui vẻ. Tuổi thơ của chúng tôi bì bõm ở bờ ao, sáng ngồi câu cá, chiều cởi trần tắm, tối lại hù nhau chơi trốn tìm. Hết hè, trở lại lớp học, nhìn nhau đến buồn cười, ai nấy đen nhẻm như hòn than… Bọn trẻ giờ đây đang sống trong môi trường hiện đại nhưng luôn rình rập những nguy cơ mất an toàn cho sự phát triển tự nhiên. Chúng không có những “góc sân và khoảng trời” ở nơi công cộng, thay vào đó là chơi ở nhà trong những chiếc máy điều hòa bật liên tục với chiếc tivi hoặc điện thoại kết nối internet...

Con dù lớn thì bố mẹ cũng không bao giờ hết lo. Có lẽ chính vì muốn con cái được an toàn, muốn con có trải nghiệm đáng nhớ, cũng muốn con mình bằng bạn bè mà không ít phụ huynh lại đưa con vào vòng luẩn quẩn với những lớp học trải nghiệm, những khóa tu mùa hè… để đánh cắp mùa hè của trẻ.

HUYỀN CHI

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/cau-chuyen/dung-danh-cap-mua-he-cua-tre/27847.htm