Dừng đấu giá sắc phong Việt Nam rao bán tại Trung Quốc
Cục Văn hóa và Du lịch Thượng Hải (Trung Quốc) vừa ra thông báo đã yêu cầu tạm dừng việc đấu giá sắc phong Việt Nam và sẵn sàng phối hợp để xác minh thông tin.
Thông tin từ Bộ Ngoại giao, Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Thượng Hải đã làm việc với các cơ quan chức năng liên quan, đề nghị dừng cuộc đấu giá và cung cấp thông tin về các sắc phong. Theo đó, ngày 19/4, đại diện Cục Văn hóa và Du lịch Thượng Hải thông báo yêu cầu dừng đấu giá và sẵn sàng phối hợp để xác minh thông tin.
Đại diện Cục Di sản Văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng cho biết, trước đó, ngày 17/4, đã nhận được văn bản của các tỉnh Phú Thọ, Bắc Ninh, Hà Nội, Hà Nam, Hải Dương xác nhận hiện vật được Hãng đấu giá Dương Minh Thượng Hải rao bán, đấu giá là tài sản bị đánh cắp do địa phương quản lý.
Ngày 18/4, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã có văn bản gửi Bộ Ngoại giao đề nghị phối hợp, hỗ trợ triển khai các bước tiếp theo. Bộ Ngoại giao cho biết, sẽ tiếp tục chỉ đạo các cơ quan đại diện Việt Nam tại Trung Quốc phối hợp chặt chẽ với Bộ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du ịch và các cơ quan, địa phương liên quan để theo sát vụ việc và có các biện pháp hỗ trợ khi cần thiết.
Theo công văn Cục Di sản Văn hóa gửi Bộ ngoại giao, căn cứ thông tin đăng tải trên website của Công ty đấu giá "Thượng Hải Dương Minh phách mại hữu hạn", trong hệ thống hiện vật đấu giá dự kiến sẽ đưa ra đấu giá ngày 22/4/2023 đưa thông tin về 12 đạo sắc phong. Trong đó có 3 đạo sắc có khả năng thuộc nguồn gốc di tích đền Quốc Tế, tại xã Dị Nậu, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ và 9 sắc phong của 4 địa phương: Hà Nội, Bắc Ninh, Hà Nam, Hải Dương.
Đồng thời, vẫn còn nhiều hiện vật, sắc phong trong danh mục các hiện vật được đăng đấu giá có khả năng có nguồn gốc của Việt Nam, có liên quan đến các di tích, địa điểm liên quan tại địa phương khác nhau của Việt Nam.
Trước đó, trang web của hãng đấu giá Dương Minh Thương Hải đã đăng một số sắc phong của Việt Nam với giá khởi điểm từ 2.800 đến 3.500 Nhân dân tệ (9,5 triệu đến khoảng 12 triệu đồng). Những sắc chỉ này in trên giấy vàng, họa tiết rồng, còn nguyên vẹn. Phiên đấu giá dự kiến diễn ra vào ngày 22/4.
Trong số đó có sắc phong được cho là của vua Lê Hiển Tông, ban bố năm Cảnh Hưng thứ nhất (1740). Bức thứ hai được cho là sắc phong thần ban hành năm Thiệu Trị thứ tư (1844), nói về công đức của thiền sư thời Lý Từ Đạo Hạnh. Sắc chỉ khác được rao bán là của vua Thành Thái, ban bố năm 1889, sắc phong vị thần làng ở xã Dị Nậu, huyện Tam Nông, tỉnh Hưng Hóa (cũ).
Ngày 14/11/1970, tổ chức Văn hóa, Khoa học và Giáo dục của Liên hợp quốc (UNESCO) đã thông qua "Công ước UNESCO 1970 về Các biện pháp ngăn cấm xuất, nhập khẩu và chuyển giao trái phép quyền sở hữu tài sản văn hóa". Sự ra đời của công ước này là một công cụ pháp lý quan trọng để cộng đồng quốc tế nói chung và các nước thành viên tham gia công ước nói riêng có thể hạn chế, tiến tới ngăn chặn việc buôn bán trái phép tài sản văn hóa.