Dừng đầu tư vào Nhà máy Ống thép, Thép Nam Kim (NKG) muốn dồn lực cho mảng thép mạ cao cấp?
Thép Nam Kim (mã cổ phiếu NKG) vừa thông báo chấm dứt việc đầu tư vào dự án Nhà máy Ống thép Nam Kim Chu Lai. Trong khi đó, doanh nghiệp này đang có kế hoạch triển khai dự án nhà máy thép mạ cao cấp mới với công suất 1,2 triệu tấn.
Thép Nam Kim muốn dồn lực cho mảng thép mạ cao cấp?
Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Thép Nam Kim (mã cổ phiếu NKG - sàn HoSE) vừa thông qua việc chấm dứt hoạt động đầu tư vào dự án Nhà máy Ống thép Nam Kim Chu Lai.
Tính đến cuối tháng 9/2023, Thép Nam Kim đang sở hữu 100% vốn tại Công ty TNHH MTV Ống Thép Nam Kim Chu Lai. Công ty con này có trụ sở tại Khu công nghiệp Hậu cần Cảng Tam Hiệp, xã Tam Hiệp, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam. Giá trị đầu tư của Thép Nam Kim vào công ty con này là 37,55 tỷ đồng.
Trong khi đó, Thép Nam Kim đang lên kế hoạch mở rộng sang phân khúc thép mạ cao cấp hơn thông qua dự án mới nhà máy Tôn Nam Kim Phú Mỹ tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu với quy mô 1,2 triệu tấn/năm, tổng vốn đầu tư 4.500 tỷ đồng.
Dự kiến nhà máy này sẽ bắt đầu được triển khai trong năm 2024, kéo dài qua 3 giai đoạn (công suất 400.000 tấn/giai đoạn), và sẽ hoàn thành toàn bộ vào cuối năm 2026. Sản phẩm mới sẽ là thép mạ sử dụng trong các thiết bị điện gia dụng, đòi hỏi kỹ thuật sản xuất cao hơn so với sản phẩm tôn mạ hiện nay của Nam Kim (chủ yếu dùng trong xây dựng).
Dự án này được kỳ vọng sẽ giúp Thép Nam Kim nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy doanh thu và ổn định biên lợi nhuận nhờ tận dụng lợi thế chi phí sản xuất thép thấp tại Việt Nam.
Thép Nam Kim hiện có 3 nhà máy với tổng công suất thiết kế 1 triệu tấn/năm, chuyên sản xuất tôn lạnh, tôn lạnh màu, tôn kẽm, ống thép; trong đó tôn mạ các loại chiếm hơn 80% cơ cấu sản phẩm. Khi nhà máy mới đi vào hoạt động, công suất toàn hệ thống sẽ gấp hơn 2 lần lên 2,2 triệu tấn/năm.
Thép Nam Kim hiện thuộc top 3 doanh nghiệp đứng đầu lĩnh vực tôn mạ tại Việt Nam và đang xuất khẩu sản phẩm đến hơn 50 quốc gia.
Kỳ vọng kênh xuất khẩu tăng tốc trở lại
Xét về hoạt động kinh doanh, lũy kế 9 tháng đầu năm nay, Thép Nam Kim ghi nhận doanh thu đạt hơn 14.136 tỷ đồng và lãi ròng gần 110 tỷ đồng, lần lượt giảm 24,7% và giảm 62% so với cùng kỳ năm 2022. Qua đó, hoàn thành gần 37% mục tiêu lợi nhuận cả năm nay.
Hiện một số tổ chức tài chính đánh giá hoạt động kinh doanh của Thép Nam Kim sẽ ở mức tích cực hơn trong những quý tới khi hoạt động xuất khẩu tăng tốc trở lại.
Giá thép cuộn cán nóng (HRC) tại Mỹ và châu Âu hiện đã tăng lần lượt trên 50% và 10% so với mức đáy hồi tháng 9 - tháng 10/2023. Kéo theo đó là chênh lệch giá so với giá thép tại Việt Nam, giúp thúc đẩy hoạt động xuất khẩu của toàn ngành thép Việt Nam nói chung, Thép Nam Kim nói riêng.
Hoạt động kinh doanh của Thép Nam Kim có mức độ phụ thuộc vào kênh xuất khẩu lớn hơn so với các doanh nghiệp cùng ngành. Trong 9 tháng đầu năm 2023, sản lượng tiêu thụ qua kênh xuất khẩu chiếm khoảng 60% tổng sản lượng tiêu thụ của Thép Nam Kim, so với mức 45% của Tập đoàn Hoa Sen và so với mức 40% của trung bình toàn ngành thép Việt Nam.
Đáng chú ý, theo đánh giá mới nhất của Hiệp hội Thép Thế giới (Worldsteel), nhu cầu thép toàn cầu năm 2024 dự báo tăng 1,9% so với năm 2023, đạt mức 1,84 tỷ tấn với động lực tăng trưởng chính đến từ khu vực Liên minh châu Âu (EU) (tăng 5,8% so với năm 2023), Ấn Độ (tăng 7,7%), và khu vực ASEAN (tăng 5,2%).
EU, ASEAN, và Australia hiện là các thị trường trọng điểm của Thép Nam Kim, chiếm hơn 60% sản lượng xuất khẩu của doanh nghiệp này. Do đó, sự gia tăng nhu cầu tại các thị trường trên sẽ tạo động lực cho sự phục hồi kết quả kinh doanh của Thép Nam Kim trong năm 2024.
Bên cạnh đó, Thép Nam Kim đang được hưởng mức thuế chống bán phá giá thấp nhất ở nhiều thị trường tiềm năng với ngành thép Việt Nam như Canada, Mexico, Australia và Malaysia.
Trên thị trường chứng khoán, kết thúc ngày 27/12, thị giá cổ phiếu NKG đạt 24.100 đồng/cổ phiếu, tăng hơn 94% so với hồi đầu năm nay.