Đừng để bất công với người lao động!
Trả lời phỏng vấn Báo Người Lao Động, ông Đặng Ngọc Tùng, nguyên Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, đã kiến nghị nhiều nội dung quan trọng đối với bản dự thảo lần cuối - dự thảo Bộ Luật Lao động (sửa đổi)
Phóng viên: Dự kiến tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội (QH) khóa XIV, QH thông qua Bộ Luật Lao động (BLLĐ sửa đổi). Là người gắn bó với công nhân lao động, ông có kiến nghị gì?
- Ông ĐẶNG NGỌC TÙNG: Thời giờ làm việc luôn là vấn đề rất quan trọng trong mối quan hệ lao động giữa người sử dụng lao động và người lao động (NLĐ). Một bên muốn kéo dài thời gian lao động, một bên muốn rút ngắn thời gian lao động. Điều quan trọng là quy định như thế nào cho phù hợp, bảo đảm được sự hài hòa trong quan hệ lao động.
Tôi mong quý vị đại biểu QH trước khi bấm nút thông qua BLLĐ sửa đổi, hãy lắng nghe ý kiến nhiều chiều, của nhiều đối tượng chịu sự điều chỉnh của luật, nhất là đối tượng yếu thế trong xã hội và hãy đặt mình trong đối tượng chịu sự điều chỉnh của luật, để khi luật được thông qua sẽ đi vào cuộc sống, nhận được sự đồng tình cao.
Quy định về thời giờ làm việc trong dự thảo gây nhiều tranh luận trong thời gian qua. Quan điểm của ông như thế nào?
- Quy định về thời giờ làm việc với ngày làm việc 8 giờ và một tuần làm việc 48 giờ là thành quả đấu tranh của NLĐ trên khắp thế giới. Từ ngày 1-5-1886 - ngày Quốc tế Lao động, tất cả công nhân trên thế giới làm việc không quá 8 giờ/ngày.
Đã 133 năm trôi qua, đến nay, nhiều quốc gia tiên tiến đã giảm giờ làm còn 7 giờ/ngày hoặc áp dụng tuần làm việc 36-40-44 giờ/tuần. Các nước gần ta như Trung Quốc, Nhật Bản đang thực hiện làm việc 40 giờ/tuần; Singapore 44 giờ/tuần...
Việt Nam cũng đã áp dụng làm việc 40 giờ/tuần cho cán bộ, công chức từ lâu. Thế nhưng, dự thảo lại quy định công nhân, lao động phải làm 48 giờ/tuần, nhiều hơn cán bộ, công chức 8 giờ/tuần. Tính ra, một năm, công nhân phải làm việc nhiều hơn cán bộ, công chức 416 giờ. Chưa kể, khi nghỉ hưu, NLĐ chỉ được hưởng mức tối đa 75%. Mức này chỉ bằng 2/3 so với cán bộ, công chức, vì phải tính tiền lương bình quân của cả quá trình lao động, trong khi cán bộ, công chức được hưởng bình quân 5 năm cuối.
Đã đến lúc không nên để sự bất công giữa những NLĐ trong đất nước chúng ta nữa, do đó tôi đề nghị giờ làm việc nên thống nhất 40 giờ/tuần hoặc nhiều nhất là 44 giờ/tuần.
Ông có đồng thuận với quan điểm mở rộng khung giờ làm thêm tối đa như đề xuất trong dự thảo?
- Tôi khẳng định không một lao động nào muốn tăng giờ, tăng ca nếu lương đủ sống. Chỉ vì lương quá thấp, không đủ sống nên buộc lòng họ phải chấp nhận làm thêm giờ. NLĐ nào cũng mong muốn có thời gian nghỉ ngơi, học tập, chăm sóc gia đình... Do đó, không lý do gì mà lần sửa luật này lại thụt lùi so với hiện tại. Tôi đề nghị làm thêm giờ không quá 12 giờ/tuần, không quá 200-300 giờ/năm và phải trả tiền công lũy tiến: 2 giờ đầu tính 150%, 2 giờ sau tính 200%; ngày nghỉ tính 300%...
Quan điểm của ông về tăng tuổi nghỉ hưu như thế nào, nhất là với công nhân, lao động trực tiếp sản xuất?
- Tôi đề nghị giữ tuổi nghỉ hưu như hiện tại, vì đa số công nhân là lao động chân tay. Đặc biệt, đối với lao động nữ trong các ngành cạo mủ cao su, dệt may, da giày, thủy sản, hầm lò..., rất nhiều người không thể nào làm đến 60 tuổi để có được sổ hưu. Việc tăng tuổi nghỉ hưu buộc họ chọn cách nhận BHXH một lần, dù vẫn khao khát được hưởng hưu khi hết tuổi lao động.
Do vậy, tôi đề nghị vẫn giữ nguyên quy định về tuổi nghỉ hưu như hiện nay (55 với nữ, 60 với nam) và thực hiện đúng quy định tại khoản 3 điều 187 BLLĐ hiện hành, chỉ tăng tuổi nghỉ hưu cao hơn không quá 5 năm đối với NLĐ có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, làm công tác quản lý và một số trường hợp đặc biệt khác.
Ông HUỲNH KIM KHOA, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Fuji Impluse Việt Nam (KCX Linh Trung 1, TP HCM):
Nên tăng thêm ngày nghỉ cho NLĐ
Với số ngày nghỉ lễ, Tết trong năm chỉ có 10 ngày, Việt Nam là nước có số ngày nghỉ thấp trên thế giới. Trong khi đó, Trung Quốc có 21 ngày nghỉ, Campuchia 28 ngày, Indonesia 16 ngày, Philippines 19 ngày, Malaysia 13 ngày, Nhật Bản và Thái Lan đều nghỉ 16 ngày/năm...
Do vậy, nên tăng ngày nghỉ vào các đợt nghỉ đã có như ngày 2-9 hay Tết dương lịch, Tết âm lịch để giúp NLĐ có thêm thời gian về thăm quê hay du lịch. Đối với công nhân nhập cư, quy định số ngày nghỉ Tết nguyên đán theo luật hiện hành 5 ngày là quá ít. Vì thế, nên tăng thêm ngày nghỉ Tết để tạo thuận lợi cho NLĐ về quê, có thêm thời gian ở bên người thân, gia đình lâu hơn.
Ông PHAN VĂN TRÍ, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Đức Phát:
Tăng tuổi nghỉ hưu phải theo lĩnh vực, ngành nghề
Việc tăng tuổi nghỉ hưu chỉ kéo dài khoảng cách của NLĐ, nhất là công nhân, lao động nữ với lương hưu - chính sách an sinh xã hội.
Theo tôi, với những công việc nặng nhọc, độc hại, nguy cơ mắc bệnh nghề nghiệp cao, khi đến độ tuổi nhất định nên để NLĐ tùy tình hình sức khỏe của mình mà lựa chọn nghỉ ngơi hoặc tiếp tục làm việc. Tôi đồng tình với đề xuất của Tổng LĐLĐ Việt Nam, điều chỉnh tuổi nghỉ hưu linh hoạt với từng ngành nghề và tuổi hưu của lao động nữ nên dừng ở 58 tuổi thay vì 60 như dự luật.
T.Nga - H.Đào ghi
Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/dung-de-bat-cong-voi-nguoi-lao-dong-2019102022531515.htm