Đừng để cảm xúc lấn át mà 'sai một ly, đi một dặm'
'Giận quá mất khôn' là cụm từ gần đúng nhất để nói về Amygdala Hijack. Những hành động vô lý xuất phát từ cơn giận, sự hoang mang đôi khi có thể khiến ta phải hối tiếc về sau.
"Giận quá mất khôn" là cụm từ gần đúng nhất để nói về Amygdala Hijack. Những hành động vô lý xuất phát từ cơn giận, sự hoang mang đôi khi có thể khiến ta phải hối tiếc về sau.
Điểm chính:
Amygdala Hijack mô tả tình huống một người bị cảm xúc lấn át, vì vậy hành động thiếu suy tính, gây tổn thương cho chính mình hoặc người khác.
Tim đập nhanh, đổ mồ hôi tay, bắt đầu phản ứng thái quá là dấu hiệu của Amygdala Hijack.
Amygdala Hijack có thể kiểm soát bằng cách lập cam kết với bản thân.
Khi sự kiện cậu con trai 13 tuổi của nghệ sĩ Xuân Bắc bị mẹ phát hiện tham gia hội nhóm chia sẻ ảnh nhạy cảm vỡ lở, nhiều người trẻ đã bày tỏ trải nghiệm tương tự của mình trong quá khứ.
Bằng cách này hay cách khác, không ít người cũng từng rơi vào cảnh bị bố mẹ phản ứng gay gắt trước một vấn đề cụ thể. Chính sự mất bình tĩnh đó từ người cha, người mẹ khiến họ sang chấn, sợ hãi và thậm chí ám ảnh mãi đến lúc trưởng thành.
Khoan bàn về ranh giới giữa nuôi dạy và tôn trọng quyền riêng tư của con cái, có thể hình dung chị Hồng Nhung - người mẹ kể trên - đã công khai chuyện cá nhân của con mình với thái độ đầy lo lắng. Chị đập vỡ điện thoại, kêu gọi bạn bè kiểm tra tài khoản mạng xã hội của con để đề phòng kẻ xấu lôi kéo. Chị phản ứng bình thường như bao vị phụ huynh, nhưng chị có thể, dù chỉ là vô tình, đã để lại tổn thương cho Bi Béo.
Amygdala Hijack (cảm xúc chiếm đoạt) là cách các nhà tâm lý học giải thích hiện tượng này. Nếu bạn đã rơi vào trường hợp bản thân nổi đóa với người xung quanh đến nỗi gây hậu quả đáng tiếc, có lẽ bạn đã để cảm xúc làm chủ mà không hay biết.
Amygdala Hijack là gì?
Cụm từ "Amygdala Hijacking" lần đầu được sử dụng bởi nhà tâm lý Daniel Goleman. Năm 1995, ông ra mắt cuốn sách "Vì sao EQ lại quan trọng hơn cả IQ", đề cập một kiểu phản ứng tức thì và mạnh mẽ không phù hợp với hoàn cảnh thực tế.
Theo ông mô tả, Amygdala Hijack chỉ việc một người trở nên mất kiểm soát, phản ứng thái quá với một đối tượng, sự kiện nào đó.
Hạch hạnh nhân (Amygdala) là phần đóng vai trò xử lý xúc cảm trong não bộ của con người. Khi Amygdala Hijack xảy ra, nó lấn át lý trí, từ đó tạo một loạt phản ứng nhắc cơ thể "chiến đấu" hoặc "lẩn tránh" điều đang đối diện.
Trước một vài tình huống mang tính đe dọa như bị đồng nghiệp công kích, hạch hạnh nhân có thể giúp bạn dũng cảm đứng lên bảo vệ mình, nhưng cũng có thể kích động bạn chọn nước đi thiếu suy nghĩ, như công kích ngược lại đối phương, bạo lực, bỏ việc đột ngột,...
Thay vì thảo luận thẳng thắn với con về tình dục trước tuổi dậy thì, một số phụ huynh chọn cách cấm đoán khắc nghiệt; thay vì hướng dẫn con sử dụng công nghệ một cách khôn ngoan, họ xem trộm thiết bị của chúng.
Bản năng của bậc làm cha, làm mẹ là che chở con, nhưng nếu để cảm xúc quyết định tất cả, một người có thể "giận quá mất khôn" mà quên đặt mình vào vị trí của đứa trẻ.
Dấu hiệu của Amygdala Hijack
Vì trong quá trình "chiến đấu - lẩn tránh" các cơ được cung cấp nhiều oxy hơn mức trung bình, hormone căng thẳng cortisol, adrenaline đồng thời được giải phóng nên bạn thường thấy rõ 3 triệu chứng sau:
Tim đập nhanh
Nổi da gà
Đổ mồ hôi tay
Ngoài ra, người trải nghiệm Amygdala Hijack cũng dễ cảm thấy năng lượng tăng nhanh và thị lực được cải thiện. Họ có thể sẵn sàng bộc lộ ý kiến đến độ tạo tranh cãi hay hành động hung hăng khác với bản chất.
Làm thế nào để chiến thắng cảm xúc?
Tỉnh táo giải quyết vấn đề ngay cả lúc nóng giận là một quá trình dài, bắt đầu từ thực hành chánh niệm và học đối phó với stress.
Trong đời, có lẽ ai cũng phải vài lần đối diện, vấp ngã và rút kinh nghiệm quản lý cảm xúc để trưởng thành, Thạc sĩ Tâm lý học Lâm sàng Phan Trịnh Hoàng Dạ Thy - Giám đốc khu vực Bắc ASEAN của Human Dynamic Group - cho biết.
Theo bà, nếu con người không tập kiểm soát cảm xúc tiêu cực của bản thân, những hành động “giận quá mất khôn” có khả năng để lại rất nhiều hậu quả, gây tổn thương cho chính họ và người xung quanh.
Tùy vào hoàn cảnh mà mỗi cá nhân sẽ có hướng xử trí khác nhau khi trải qua Amygdala Hijack, dưới đây là một số lời khuyên từ Thạc sĩ Phan Trịnh Hoàng Dạ Thy:
Lập cam kết với chính bản thân: Khi nóng giận, "đứa trẻ" bên trong chúng ta lớn dần lên dẫn đến hành vi đập phá, khóc lóc,… Hình thành một cam kết chặt chẽ với bản thân về cách hành xử trưởng thành, văn minh trong cuộc sống hàng ngày sẽ hỗ trợ bạn ngăn chặn việc bị cảm xúc chi phối.
Nhận diện những dấu hiệu đầu tiên: Để nhận diện các tín hiệu "cảm xúc lên ngôi", bạn cần hiểu và lắng nghe cơ thể nhiều hơn. Ưu tiên giữ sự bình tĩnh và tạm rời bối cảnh câu chuyện ngay khi thấy bất thường là một giải pháp tương đối hiệu quả.
Thay đổi cách nhìn nhận vấn đề: Cùng một vấn đề nhưng nếu bạn có góc nhìn tích cực hơn cũng sẽ tránh được tình trạng phản ứng quá đáng. Bạn không cần vội giải quyết vấn đề ngay tức khắc bởi khi mâu thuẫn khởi phát, cả bạn và đối phương đều đang gặp rắc rối với cảm xúc của mình.
Trong gia đình, mối quan hệ giữa các bậc phụ huynh và con cái đôi khi cũng bị ảnh hưởng bởi Amygdala Hijack. Hành vi la mắng, tệ hơn là sử dụng bạo lực với trẻ nhỏ lúc cha mẹ tức giận, là một minh chứng khá rõ ràng.
Thạc sĩ Phan Trịnh Hoàng Dạ Thy cho rằng, nguyên nhân của sự nóng giận có thể đến từ 3 yếu tố: Sự chủ quan từ phía phụ huynh, ảnh hưởng của sức khỏe thể chất và cách nhìn nhận vấn đề của mỗi cá nhân.
Để phụ huynh có phương pháp ứng xử khéo léo hơn và không làm tổn thương con trẻ khi bối rối, bà đưa ra 4 gợi ý sau:
Hãy cam kết tôn trọng con trẻ
Sự tôn trọng này bao gồm cả về mặt thể chất lẫn đời sống tinh thần của con cái. Không sử dụng bạo lực trong quá trình giáo dục là sự tôn trọng về mặt thể chất.
Dù nóng giận, phụ huynh cũng cần kiểm soát ngôn từ để không tác động xấu đến tâm lý của con.
Nếu đã cho phép con sử dụng các trang mạng xã hội hay có những sở thích riêng như viết nhật ký thì tuyệt đối không tìm cách xâm phạm chúng. Cam kết này phải thực sự chắc chắn vì là nền tảng hạn chế Amygdala Hijack trong gia đình.
Đánh lạc hướng bản thân
Khi phải tiếp nhận các thông tin không mấy tích cực từ con trẻ, thay vì lập tức tìm đến con để “xả cơn giận”, tìm cho ra nguyên nhân thì phụ huynh nên tạm dừng mọi thứ lại, không cố gắng tiếp thu thêm những điều tương tự.
Ở thời điểm hoang mang, bạn nên làm gì đó để bản thân bị phân tâm và từ từ lấy lại bình tĩnh - hít thở sâu, dành thời gian suy ngẫm riêng tư chẳng hạn.
Một cuộc chia sẻ chất lượng
Khi cảm xúc đã ổn định hơn, cha mẹ nên có một cuộc trò chuyện hoặc trao đổi với con về vấn đề đôi bên đang gặp phải.
Vì đó không phải là một buổi chất vấn, bạn cần lắng nghe con nhiều hơn là răn đe. Đồng thời, hãy chia sẻ mong muốn của bản thân để cùng con tìm tiếng nói chung.
Nhận thức
Đây là vấn đề sâu xa và cần thay đổi rất nhiều. Mỗi thế hệ sẽ ảnh hưởng văn hóa bởi những hệ giá trị khác nhau. Do đó, thay vì so sánh, áp đặt lên con những điều từ thời của mình thì bạn nên nhìn nhận câu chuyện một cách tổng quan.
Quản lý cảm xúc vốn không dễ dàng. Tuy nhiên, chúng ta có thể nghĩ về điều mình phải đánh đổi nếu đi quá giới hạn để kiềm chế Amygdala Hijack.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/dung-de-cam-xuc-lan-at-ma-sai-mot-ly-di-mot-dam-post1302614.html