Đừng để chuyện đã rồi!

Khi nói đến bắt nạt học đường, chúng ta thường chỉ nghĩ đến việc xâm hại thân thể mà ít để tâm tới các hình thức bắt nạt tinh thần như tạo tin đồn, nói xấu, cô lập, tẩy chay hay miệt thị…

Các hình thức bắt nạt học đường đang ngày càng phức tạp và khó kiểm soát. (Ảnh minh họa)

Các hình thức bắt nạt học đường đang ngày càng phức tạp và khó kiểm soát. (Ảnh minh họa)

Nhưng thực tế, bắt nạt tinh thần đang ngày càng đáng sợ, có thể để lại hậu quả nghiêm trọng và gây ra những tổn thương tâm lý sâu sắc cho nạn nhân. Không ít đứa trẻ vì bị cô lập, tẩy chay ở trường, lớp và trên không gian mạng mà trở nên chán nản, bí bách đến mức tìm đến cái chết.

Thống kê của Tổ chức Y tế thế giới – WHO đã chỉ ra, 14% trẻ em trên toàn cầu đang bị rối loạn tâm thần, trầm cảm lo âu, tự tử - đứng hàng thứ 4 trong các nguyên nhân tử vong của trẻ em. Ở Việt Nam, cùng với sự phát triển của công nghệ và mạng xã hội, các hình thức bắt nạt học đường cũng ngày càng phức tạp và khó kiểm soát.

Nhiều phụ huynh và thầy cô không khỏi ngỡ ngàng khi biết sự thật con em mình bị các bạn cùng lớp bắt nạt suốt nhiều năm trời vì “bình thường em không có biểu hiện gì, vẫn ngoan ngoãn, học tập tốt”. Họ thường chỉ hốt hoảng lo lắng khi thấy đứa trẻ bị điểm kém, có biểu hiện "hư hỏng", mà bỏ qua dấu hiệu buồn bã, chán nản, mất ngủ, lo âu hằng ngày của các em.

Đây chính là sai lầm nghiêm trọng! Vì những cảm xúc tiêu cực nếu âm ỉ kéo dài, không được phụ huynh và giáo viên quan tâm, chia sẻ giúp các em giải tỏa, vượt qua khủng hoảng thì về lâu dài sẽ trở thành trầm cảm, rối loạn cảm xúc, đáng sợ hơn nữa là tự tử. PGS Chu Cẩm Thơ - Viện Khoa học giáo dục Việt Nam từng chia sẻ: không phải các em đánh nhau mới là bắt nạt. Xã hội hiện nay có những kiểu bắt nạt đáng sợ mà chúng tôi tạm gọi là "bạo lực trắng", "bạo hành lạnh", để ám chỉ sự bạo hành ép nạn nhân vào trạng thái bị cô lập, cảm thấy bị bỏ rơi.

Thực tế cho thấy áp lực thi cử, chuyển khối, chuyển cấp đã khiến nhiều thầy cô, nhà trường và cả phụ huynh chỉ chăm chú chạy theo cái gọi là “thành tích học tập”, vấn đề tâm lý học đường, kỹ năng sống vốn là những kiến thức vô cùng cần thiết cần trang bị cho các em thì lại chưa được quan tâm thỏa đáng.

Ở nhiều nơi, những tiết dạy kỹ năng sống trên lớp bị biến tấu thành giờ tự học hoặc buổi kiểm điểm học sinh để các em thỏa sức “đấu tố” lẫn nhau. Điều này vô hình chung đã khích lệ các em được công khai nói xấu bạn, những em bị “đấu tố” thì mang tâm lý nặng nề, lo lắng vì đến lớp bị các bạn soi mói, mách cô.

Làm gì ngăn chặn “bạo lực trắng” trong học đường? Làm gì khi con em mình bị bắt nạt, đe dọa về tinh thần, khủng hoảng tâm lý? Câu trả lời là cần có sự vào cuộc mạnh mẽ của cả gia đình, nhà trường và cộng đồng. Phụ huynh và giáo viên cần sớm nhận biết bất cứ thay đổi hoặc gián đoạn đột ngột nào trong hành vi của trẻ bao gồm việc xa lánh, rút lui khỏi gia đình và bạn bè, không còn hứng thú với các hoạt động yêu thích trước đây, khó ngủ, buồn bã, chán ăn…

Mỗi cơ sở giáo dục cần nghiêm túc xây dựng một đội ngũ chuyên gia tư vấn tâm lý học đường cho các em học sinh, để khi gặp khúc mắc các em sẽ được tư vấn và trao lời khuyên phù hợp. Giữa nhà trường và các phụ huynh cũng nên thường xuyên có những buổi gặp gỡ, trao đổi với các chuyên gia tâm lý nhà trường để hiểu rõ và nắm bắt tình trạng của con em mình, tránh để xảy ra những câu chuyện đau lòng rồi mới bàng hoàng, đi tìm hiểu nguyên nhân vì sao, lỗi tại ai… thì đã muộn!

Trang Anh

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/dung-de-chuyen-da-roi.html