Đừng để điện thoại thông minh làm con người trở nên xa cách

Trong chương trình Quán Thanh xuân tháng 9 'Alo, Quán Thanh xuân xin nghe!', các vị khách mời đã cùng nhau ôn lại ký ức từ thời còn xếp hàng nghe điện thoại và bày tỏ nỗi trăn trở khi ngày nay, những chiếc điện thoại thông minh đang dần khiến con người trở nên xa cách nhau hơn.

Những năm qua ngành viễn thông ở nước ta đã có sự phát triển nhanh chóng. Ngày nay dù ở bất cứ nơi đâu con người đều có thể dễ dàng kết nối với nhau. Nhờ vậy, dù gặp cách trở về khoảng cách địa lý nhưng tình cảm luôn được trao gửi ấm áp, gần gũi.

Tuy nhiên, bên cạnh lợi ích mang lại, điện thoại thông minh cũng đang bộc lộ những mặt hạn chế của nó. Dễ dàng nhận thấy, trong cuộc sống hằng ngày hiện nay, dường như chúng ta đang quá lệ thuộc vào điện thoại và để nó chi phối phần lớn thời gian.

Làm thế nào để có thể sử dụng hài hòa chiếc điện thoại thông minh trong cuộc sống, để nó chỉ là phương tiện kết nối tình cảm? Đây chính là điều mà những người làm chương trình Quán Thanh xuân số tháng 9 này mong mỏi, hy vọng.

Nghệ sĩ nhân dân Minh Hòa trong vai một người có nhu cầu lắp điện thoại bàn. (Ảnh: L.D)

Nghệ sĩ nhân dân Minh Hòa trong vai một người có nhu cầu lắp điện thoại bàn. (Ảnh: L.D)

Là người đã xuất hiện trong nhiều chương trình Quán Thanh xuân, nhà báo Ngô Bá Lục chia sẻ, anh đã từng chứng kiến cuộc gặp gỡ cà phê với bạn bè mà mỗi người cầm một chiếc điện thoại, không ai nói với nhau câu nào. Lúc ấy anh cảm thấy mình lạc lõng giữa thế giới công nghệ.

Anh lo rồi đây con người sẽ như một cái máy và sẽ không phải đi đâu nữa vì có thể kết nối trực nối trực tiếp với nhau ngay tại phòng làm việc hay phòng ngủ của mình. Khi đã trở thành cái máy thì cuộc sống chúng ta sẽ rất khô khan, vô vị, không cảm xúc. Rõ ràng đó là điều chúng ta không hề mong muốn.

Còn theo Nghệ sĩ ưu tú Minh Vượng, một người “quen mặt” trong các số Quán Thanh xuân gần đây thì thời đại càng hiện đại thì càng hại điện. Ông bà, bố mẹ và con cái cả ngày chỉ gặp nhau ở bữa cơm tối, đó là khoảng thời gian để các thành viên trong gia đình được chia sẻ những niềm vui, tâm tư trong ngày.

Tuy nhiên, chính công nghệ và đặc biệt là chiếc điện thoại thông minh khiến mỗi người không ai nói với nhau câu nào. Tình cảm ông bà dào dạt đến thế nhưng thấy con cháu luôn cắm mặt điện thoại nên ông bà chỉ có thể … ngồi ngắm nhau.

Các khách mời chia sẻ những câu chuyện của riêng mình. (Ảnh: L.D)

Các khách mời chia sẻ những câu chuyện của riêng mình. (Ảnh: L.D)

Cũng là một “người quen” khác, nhà báo Phạm Thục, cây bút đến từ thành phố Hồ Chí Minh lại kể câu chuyện ngay từ chính gia đình mình. Chị chia sẻ, có những hôm biết con trong phòng mà gọi cửa không được nhưng gọi điện thoại thì con lại bắt máy ngay. Thế mới thấy, dù cách nhau có một vách tường mà thành ra xa xôi, cách trở biết mấy. Điều này cho thấy dù điện thoại có tốt bao nhiêu, tiện lợi bao nhiêu thì cũng không bằng bàn những hành động yêu thương của những người thân dành cho nhau.

Chúng ta nên nhớ rằng, điện thoại kết nối với điện thoại thông qua đường nối dây điện và con người thì kết nối với nhau bằng tình thương. Dù điện thoại có thông minh đến đâu thì chỉ nối với nhau qua điện còn người với người là nối với nhau qua trái tim.

Chương trình khép lại nhưng lại mở ra một điều đáng suy nghĩ, trăn trở về cách sử dụng điện thoại để tránh phụ thuộc vào nó. Và lời khuyên của những người thực hiện chương trình là hãy để điện thoại hỗ trợ niềm hạnh phúc của con người trong cuộc sống mỗi ngày, chứ không để nó “phá vỡ” hạnh phúc của chúng ta. Đồng thời thông qua chương trình, ekip cũng vô cùng biết ơn những người đang ngày đêm cố gắng, nỗ lực để mạng viễn thông nước ta phát triển, để mỗi con người chúng ta đều được kết nối với nhau.

Rõ ràng kết nối con người, kết nối tình người là quan trọng nhất, là điểm bắt đầu và kết thúc của mọi hành trình viễn thông./.

Lê Dương

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/dung-de-dien-thoai-thong-minh-lam-con-nguoi-tro-nen-xa-cach-113039.html