Đừng để doanh nghiệp phá sản trước khi tiếp cận được vốn
Các đại biểu cho rằng cần có những giải pháp cụ thể, tránh để doanh nghiệp phá sản trước khi tiếp cận được gói hỗ trợ, vốn.
Hỗ trợ phải đúng địa chỉ, đúng đối tượng
Sáng nay (13/6), Quốc hội thảo luận ở hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2019, tình hình thực hiện những tháng đầu năm 2020 và thảo luận về việc phê chuẩn quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2018.
Các đại biểu đều đồng tình và ủng hộ các đánh giá, các giải pháp mà Chính phủ đưa ra nhằm tháo gỡ khó khăn do dịch Covid-19, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội năm 2020. Tuy nhiên, nhiều đại biểu băn khoăn về chỉ tiêu tăng trưởng, xem xét điều chỉnh giảm để khả thi; kiến nghị có giải pháp mạnh mẽ hơn để thúc đẩy giải ngân đầu tư công; tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ cho doanh nghiệp để duy trì sản xuất…
Trong đó, nhiều đại biểu đặc biệt quan tâm giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ cho doanh nghiệp vì doanh nghiệp có việc làm, thì mới duy trì lao động, người lao động mới có thu nhập. Tuy nhiên, các giải pháp, các gói hỗ trợ cần được triển khai sớm, đúng địa chỉ, đúng đối tượng.
Đại biểu Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) cho rằng, các chính sách miễn giảm giãn thuế thu ngân sách chỉ phù hợp cho các doanh nghiệp còn hoạt động, có doanh thu, có lãi, không bao quát hết các doanh nghiệp khó khăn, do đó cần có thêm chính sách đối với các doanh nghiệp ngừng hoạt động do thiếu vốn, do đứt đoạn nguồn cung đầu vào và thị trường đầu ra.
Theo đại biểu, để đảm bảo dòng tiền cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn dự báo còn kéo dài, ngoài chính sách tiền tệ, cần tiếp tục giãn thời gian nộp thuế, kể cả năm 2021. Giãn thuế thường có hiệu quả tức thời và để khắc phục khó khăn tạm thời thường hiệu quả hơn miễn thuế mà không làm giảm thu ngân sách. Cũng cần lưu ý nới lỏng chính sách tiền tệ, phải kiểm soát được các chỉ số an toàn nợ của ngân hàng, không để phát sinh nợ xấu quá mức và phải kiểm soát được lạm phát.
Đừng để doanh nghiệp phá sản trước khi tiếp cận được vốn
Nhấn mạnh con số kỷ lục từ trước đến nay là 36.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường do Covid-19, đại biểu Nguyễn Như So (đoàn Bắc Ninh) đặt vấn đề: “Câu hỏi đặt ra là liệu các đơn thuốc hỗ trợ đã đủ liều, đúng và trúng, giải pháp nào để doanh nghiệp có thể thay đổi tư duy, dám chấp nhận từ bỏ thói quen và cách vận hành cũ để thích nghi với phát triển trong tình hình mới?”.
Đại biểu So kiến nghị, Chính phủ cần đẩy mạnh chính sách tài khóa về tiền tệ, trong đó chú trọng hai vấn đề. Thứ nhất, cần quan tâm đến chính sách dòng tiền, vì chỉ có tiếp cận từ dòng tiền thật thì doanh nghiệp mới kích hoạt cỗ máy kinh doanh tái khởi động.
Trên thực tế, lãi suất điều hành đã giảm nhưng lãi suất cho vay thực tế tới các doanh nghiệp và các tổ chức là do các tổ chức tín dụng ngân hàng thương mại quyết định. “Do vậy cần phải có thêm gói cho vay với lãi suất thấp hơn, tăng cơ hội tiếp cận vốn tới doanh nghiệp, tránh tình trạng doanh nghiệp ngưng hoạt động, phá sản trước khi tiếp cận được vốn để cải thiện dòng tiền”, đại biểu So nói.
Cùng đó, ưu tiên cấu trúc và gia hạn nợ mạnh hơn, giảm lãi cho các khoản vay, không tính lãi phạt chậm trả, tái cơ cấu lại thời hạn trả nợ, thời hạn hỗ trợ hợp lý, xác định lại ưu tiên hỗ trợ dựa trên tốc độ phục hồi và sự ổn định và đầu ra để góp phần nâng đỡ nền kinh tế kéo theo sự phát triển của doanh nghiệp khác.
Ngân hàng Nhà nước cần thống nhất quy trình áp dụng Thông tư 01/2020 về cơ cấu thời hạn trả nợ, miễn giảm phí để tránh các tổ chức tín dụng tự quyết định dẫn đến nhiều doanh nghiệp khó khăn khi tiếp cận nguồn hỗ trợ.
Thứ hai là tích cực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tiếp tục tháo gỡ rào cản về thể chế, chính sách, tạo môi trường thông thoáng, thân thiện cho doanh nghiệp. Cần đột phá về cải cách điều kiện kinh doanh, chuyển mạnh sang hậu kiểm, cắt giảm điều kiện kinh doanh thực chất hơn, thúc đẩy mạnh mẽ và giải quyết thủ tục hành chính trên nền tảng số, nhằm tiết kiệm thời gian chi phí cho doanh nghiệp. Từ đó, khơi thông nội lực kinh tế thông qua hỗ trợ chiều sâu cho các doanh nghiệp trong nước hoạt động theo trục liên kết cung cầu, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, doanh nghiệp có tỷ lệ nội địa hóa cao.
“Bắt đúng bệnh thì mới hỗ trợ trúng và đúng các doanh nghiệp yếu và thiếu và cần. Khơi thông thị trường thông qua hoạt động thương mại điện tử, kích cầu thị trường nội địa 100 triệu dân để tận dụng tối đa dư địa phát triển, hình thành phát triển mạnh mẽ chuỗi liên kết thuần Việt, chủ động nguồn cung cầu mặt hàng thiết yếu, giảm phụ thuộc vào thị trường bên ngoài”, đại biểu So nhấn mạnh.
Đại biểu So cũng cho rằng, cần có cơ chế hỗ trợ đặc thù phù hợp với những doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ đang chiếm 97% tổng số doanh nghiệp, đóng góp 45% GDP, 31% thu ngân sách, tạo việc làm cho hơn 5 triệu lao động nhưng lại là đối tượng sẽ bị tổn thương do vốn, năng lực hạn chế.
Cho rằng việc triển khai hỗ trợ cho doanh nghiệp sẽ gây khó khăn cho ngân sách Nhà nước, tuy nhiên cứu sống doanh nghiệp là nuôi dưỡng nguồn thu cho ngân sách, đại biểu So hiến kế: Thành lập quỹ bảo đảm bảo tín dụng, lấy từ nguồn ngân sách Nhà nước bảo lãnh cho các khoản vay của các doanh nghiệp nhằm chia sẻ trách nhiệm của Chính phủ, thậm chí xóa nợ nếu doanh nghiệp buộc phải tạm dừng hoạt động giữa do tác động của Covid- 19; Miễn hoàn toàn thuế đất mặt bằng kinh doanh, các khoản thuế quý 4/2020, hoàn trả lại thế VAT đã nộp kể từ thời điểm phát sinh dịch.
Bên cạnh đó hỗ trợ tiền lương cho người lao động để giúp các doanh nghiệp chịu thiệt hại lớn về Covid-19 nhưng đảm bảo việc làm cho 80-90% lao động. “Kiên quyết không để các doanh nghiệp phá sản bởi doanh nghiệp là nơi tạo ra công ăn việc làm, đảm bảo kế sinh kế cho người dân, góp phần ổn định tình hình chính trị do thất nghiệp gây ra”, đại biểu So nhấn mạnh.