Đừng để Huế mãi nghèo trên di sản!

Thừa Thiên - Huế là mảnh đất giàu tiềm năng du lịch với hơn 1.000 di tích, 5 di sản nhân loại nhưng kinh tế vẫn chưa khai thác hết lợi thế

Tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch - Tổng cục Du lịch, trong một tham luận đã khẳng định hiếm có địa phương nào hội đủ hầu hết các loại hình tài nguyên du lịch đa dạng như Thừa Thiên - Huế, đặc biệt là di sản văn hóa.

GRDP phụ thuộc vốn đầu tư

Theo ông Tuấn, tài nguyên ấy hiện hữu khắp nơi, rất chất lượng, giá trị cao, thậm chí vượt trội so với rất nhiều khu vực khác trong cả nước cũng như quốc tế.

Chùa Thiên Mụ - ngôi chùa cổ của xứ Huế - luôn tấp nập du khách tham quan Ảnh: DUY CƯỜNG

Chùa Thiên Mụ - ngôi chùa cổ của xứ Huế - luôn tấp nập du khách tham quan Ảnh: DUY CƯỜNG

Thế nhưng Thừa Thiên - Huế vẫn nhận được câu nhận xét quen thuộc về những thành tựu đạt được trong lĩnh vực du lịch: hết sức khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh. Lượng khách du lịch đến địa phương này kém rất xa so với Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng hay Khánh Hòa.

Báo cáo tại kỳ họp thứ 9 HĐND tỉnh Thừa Thiên - Huế khóa VII vào giữa tháng 12, ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của địa phương năm 2019 là 7,18%, không đạt chỉ tiêu đề ra. Trong khi đó, thu ngân sách nhà nước đạt 7.787 tỉ đồng.

Ông Thọ thẳng thắn nhìn nhận địa phương còn thiếu các dịch vụ chất lượng cao để thu hút du khách; chưa có đơn vị lữ hành mạnh trên địa bàn do còn phụ thuộc các đơn vị lữ hành lớn ở TP HCM, Hà Nội, Đà Nẵng. Hạ tầng kết nối các điểm tham quan và cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch chưa đồng bộ.

Theo Bộ Tài chính, Thừa Thiên - Huế là địa phương chưa tự cân đối được ngân sách. Thống kê của cơ quan này cho thấy giai đoạn từ 2007-2017, mỗi năm trung ương phải cân đối bổ sung ngân sách thêm 22%-24%. Tổng thu ngân sách năm 2018 đứng thứ 10/14 vùng Bắc Trung Bộ - Duyên hải miền Trung.

Quy mô kinh tế Thừa Thiên - Huế vẫn còn nhỏ. Tốc độ tăng trưởng kinh tế đang có xu hướng chậm dần. Cơ cấu nội bộ ngành kinh tế dịch vụ còn chuyển biến chậm, nguồn thu ngân sách chưa ổn định và chưa đáp ứng nhu cầu đầu tư; mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát triển dẫn đến hạn chế trong thu hút đầu tư.

Còn theo nhóm tác giả Đỗ Văn Lâm, Hoàng Thị Minh Hà (Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia); Phạm Mỹ Hằng Phương (Học viện Chính sách và phát triển, đều thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tăng trưởng kinh tế vẫn chủ yếu theo chiều rộng, phụ thuộc nguồn vốn đầu tư; tỉ trọng vốn đầu tư trên thu nhập bình quân theo đầu người (GDP) đang cao hơn rất nhiều so với mức trung bình của cả nước, trong khi hiệu quả đầu tư có xu hướng giảm, hệ số sử dụng vốn đầu tư giai đoạn 2011-2018 tăng.

Thành phố đặc thù

Tiến sĩ Trần Du Lịch khẳng định tốc độ tăng trưởng kinh tế của Thừa Thiên - Huế chưa cao nhưng đã bảo vệ được di sản cho quốc gia, nhân loại. Một bài toán khó là làm sao giải quyết được bài toán giữa bảo tồn di sản mà không để Huế nghèo? Làm sao để phát huy di sản một cách hài hòa với bảo vệ?

Theo ông Trần Du Lịch, cần xác định rõ trụ cột định hướng phát triển kinh tế của tỉnh Thừa Thiên - Huế, trong đó ngành du lịch phải là trụ cột lớn. Địa phương này cần có một nghị quyết của Bộ Chính trị, trong đó giải quyết được mâu thuẫn trong bảo tồn di sản văn hóa với phát triển kinh tế, có các chính sách đặc thù, phát triển theo hướng nào, trụ cột gì.

Theo Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị ban hành vào ngày 10-12 về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên - Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, mục tiêu đến năm 2025, tỉnh Thừa Thiên - Huế trở thành thành phố trực thuộc trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế.

Hoàn thành việc mở rộng TP Huế theo quy hoạch trước năm 2022. Tăng trưởng GRDP từ 7,5%-8,5%/năm, phấn đấu cân bằng ngân sách vào năm 2025. Đến năm 2025, GRDP/người đạt từ 3.500-4.000 USD. Bộ Chính trị yêu cầu trong năm 2020 phải xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù và hoàn thiện bộ tiêu chí về thành phố trực thuộc trung ương.

Huế luôn luôn mới

Với chủ đề "Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển - Huế luôn luôn mới", Festival Huế lần thứ XI diễn ra từ ngày 1 đến 6-4-2020, đánh dấu chặng đường 20 năm từ khi Festival Huế được tổ chức lần đầu tiên.

Tại cuộc họp báo quốc tế chiều 17-12 tại TP Hà Nội, ông Nguyễn Dung, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho hay chương trình nghệ thuật khai mạc ngày 1-4 sẽ giới thiệu một Thừa Thiên - Huế với vẻ đẹp khám phá bất tận, du lịch xanh, thân thiện môi trường. Bên cạnh đó là các chương trình "Văn hiến Kinh kỳ" kể lại câu chuyện lịch sử hào hùng của nước Việt thế kỷ XIX bằng ngôn ngữ nghệ thuật cung đình và nghệ thuật truyền thống Huế; chương trình Âm nhạc Trịnh Công Sơn giới thiệu di sản âm nhạc vô giá của nhạc sĩ này với chủ đề "Huế là người yêu của tôi, là giấc mộng của tôi"; lễ hội Áo dài nhằm tôn vinh giá trị và dấu ấn tà áo dài Huế, Việt Nam trong đời sống...L.Anh

ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH

QUANG NHẬT

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/mien-trung-tay-nguyen/dung-de-hue-mai-ngheo-tren-di-san-20191217203956739.htm