Đừng để kéo dài giấc mơ khoác áo cử nhân
Gần thời hạn tốt nghiệp, nhiều sinh viên chạy đua hoàn tất những điều kiện bắt buộc như chứng chỉ ngoại ngữ, tin học hay các môn học còn nợ.

Sinh viên tại Ngày hội việc làm ở TPHCM, tháng 12/2024. Ảnh: Lê Nam
Thiếu chuẩn bị từ đầu, chủ quan trong việc lập kế hoạch học tập khiến không ít sinh viên rơi vào tình thế bị động, kéo dài thời gian ra trường và đối mặt với áp lực tâm lý.
Học 5 - 6 năm chưa ra trường
Ở tuổi 24, trong khi nhiều bạn bè đồng khóa đã khoác lên mình tấm áo cử nhân, thậm chí không ít người ổn định công việc hoặc tiếp tục học lên cao học thì C.N.A. - sinh viên ngành Thiết kế nội thất, Trường Đại học Văn Lang đang miệt mài với bài tập đồ án và gấp rút ôn luyện để thi chứng chỉ ngoại ngữ. Đây đã là năm thứ sáu trong hành trình đại học của cô, nhưng giấc mơ cầm trên tay tấm bằng cử nhân vẫn ở phía trước.
Nhìn lại những năm đầu, A. thừa nhận không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng. “Em nghĩ chỉ cần học chuyên môn thật tốt là đủ. Em dành phần lớn thời gian cho thiết kế, thực hành, mà quên các yêu cầu như chứng chỉ tiếng Anh, Tin học - những điều bắt buộc để tốt nghiệp”, A. chia sẻ. Một vài môn học chuyên ngành bị nợ do lịch học chồng chéo, cộng với tâm lý chủ quan “thi lại là xong”, đã khiến hành trình học tập của cô kéo dài hơn dự kiến.
Không ít lần, cô gái trẻ nghĩ đến bỏ cuộc khi chứng kiến bạn bè ra trường, đi làm, còn mình vẫn quay cuồng giữa bài vở, hạn nộp đồ án và các kỳ thi chứng chỉ. “Có thời điểm em cảm thấy lạc lõng, như bị bỏ lại phía sau. Nhưng rồi em nghĩ, nếu bây giờ dừng lại, tất cả nỗ lực trước đây trở thành vô nghĩa”, A. nói với giọng tiếc nuối.
Sáu năm đại học không chỉ là quãng thời gian học tập chuyên môn, mà còn là hành trình để A. trưởng thành. Cô học được cách sắp xếp thời gian, biết đối mặt với hậu quả từ sự chủ quan của bản thân và trên hết, học được tinh thần không bỏ cuộc.
Thực tế, có nhiều nguyên nhân khiến sinh viên “chậm chân” trong việc xét tốt nghiệp, như nợ môn, thiếu chứng chỉ ngoại ngữ chuẩn đầu ra, chưa hoàn thành khóa luận tốt nghiệp... Trong khi đó, việc chứng kiến bạn bè cùng lớp tốt nghiệp khiến nhiều sinh viên cảm thấy buồn bã, áp lực. Thậm chí, sau thời gian cố gắng không đạt được tiêu chuẩn ngoại ngữ để ra trường, một số sinh viên còn rơi vào tâm lý “buông bỏ”.
Hoàng Sang (23 tuổi, trú tại quận Bình Thạnh, TPHCM) vẫn “nợ” chứng chỉ tiếng Anh B2 để được cấp bằng tốt nghiệp đại học. Hiện, bạn bè cầm bằng tốt nghiệp và đi làm gần một năm, Sang còn vật lộn với chuyện tìm việc vì chưa có tấm bằng trong tay.
“Công ty đầu tiên em ứng tuyển về công nghệ. Em được hẹn phỏng vấn và nhận vào làm suôn sẻ, họ không hỏi đến bằng đại học. Nhưng sau ngày nhận việc đầu tiên, công ty yêu cầu nộp bằng cấp để hoàn thiện hồ sơ nhân viên. Vì chưa có bằng, em đành nghỉ việc”, Sang kể.
Hiện, Sang làm ở một công ty cũng liên quan đến công nghệ thông tin, nơi không yêu cầu bằng cấp. Tuy nhiên, do không có bằng đại học, mức lương thực nhận chỉ bằng khoảng 65% - 70% so với đồng nghiệp cùng vị trí.
Chính điều đó khiến Sang trăn trở và quyết định sẽ học thêm tiếng Anh vào buổi tối để nhanh chóng đạt chuẩn tốt nghiệp, rồi tìm công việc tốt hơn. “Em từng nghĩ không cần lấy bằng, chỉ cần làm tốt thì lương sẽ cao. Nhưng giờ em nghĩ khác. Nếu không có chứng chỉ tiếng Anh đầu ra, em sẽ không thể lấy bằng tốt nghiệp và nếu để quá hạn, kết quả học tập sẽ bị hủy. Bốn năm đại học của em sẽ coi như đổ sông đổ biển. Điều em lo nhất là trong bối cảnh khắp nơi tinh giản nhân sự, không có bằng đại học dễ bị loại khỏi cuộc chơi”, Sang chia sẻ.

Học sinh tìm hiểu ngành học tại Ngày hội tư vấn tuyển sinh Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, tháng 1/2025. Ảnh: HCMUTE
Kế hoạch rõ ràng
ThS Phạm Thái Sơn - Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông, Trường Đại học Công Thương TPHCM (HUIT) thẳng thắn nhận định: Chủ quan trong học tập là nguyên nhân chính gây ra áp lực không đáng có cho sinh viên khi thời hạn tốt nghiệp đến gần.
“Để học tập và làm việc hiệu quả, sinh viên cần lập kế hoạch cụ thể cho từng công việc: Việc gì làm trước, việc gì làm sau. Cần tận dụng công nghệ để hỗ trợ việc học, như sử dụng Trello, MS Project… để quản lý công việc cá nhân. Khi công việc trễ tiến độ, phải nhanh chóng hoàn tất chứ không để nó tiếp tục ‘đè’ lên mình”, ông Sơn lưu ý.
Để hạn chế tình trạng sinh viên “lỗi hẹn” với việc xét tốt nghiệp, Trường Đại học Công nghệ TPHCM (HUTECH) triển khai bộ phận học vụ thường xuyên nhắc nhở, tư vấn cho sinh viên về các môn còn thiếu, chứng chỉ cần bổ sung để đủ điều kiện tốt nghiệp.
“Từ đầu năm học, trong các buổi sinh hoạt ngoại khóa, sinh viên được tư vấn rõ ràng về các điều kiện xét tốt nghiệp. Sau đó, thầy cô tiếp tục nhắc nhở các khóa học tin học, ngoại ngữ… để sinh viên chủ động chuẩn bị. Nhờ đó, số sinh viên chậm hẹn với các đợt xét tốt nghiệp tại HUTECH không nhiều”, ThS Nguyễn Thị Xuân Dung - Giám đốc Trung tâm Truyền thông, Trường Đại học Công nghệ TPHCM (HUTECH) chia sẻ.
Cũng theo bà Dung, khi thời hạn tốt nghiệp đến gần, nếu sinh viên gặp áp lực, cần đào tạo kỹ năng quản lý thời gian, quản lý căng thẳng, định hướng bản thân và cách đối mặt với những điều dang dở. Tất nhiên, sự phối hợp và nỗ lực từ chính sinh viên cũng là yếu tố quyết định.
ThS Nguyễn Thị Bích Ngọc - Trưởng ban Truyền thông Trường Đại học Quốc tế (Đại học Quốc gia TPHCM) nhấn mạnh, để tránh tình trạng tốt nghiệp muộn, sinh viên cần quản trị bản thân ngay từ năm nhất. Việc đầu tiên là quản trị thời gian - xây dựng thời gian biểu, thời khóa biểu rõ ràng và hình thành tính kỷ luật để hoàn thành các đầu việc trong ngày. Quản lý thời gian mỗi ngày, mỗi tuần, mỗi tháng sẽ giúp sinh viên kiểm soát tốt tiến trình mỗi năm. Làm tốt từ năm thứ nhất đến năm thứ ba thì đến năm cuối, chắc chắn sẽ không còn cảm giác dang dở.
Ở bậc đại học, sự tương tác với giảng viên ít hơn so với thời phổ thông. Vì thế, sinh viên cần chủ động xây dựng mối quan hệ với bạn bè, anh chị khóa trên, thậm chí nếu có thể, hãy tìm cho mình một người “mentor”, người dẫn dắt, định hướng con đường tương lai.
Theo nhiều chuyên gia tuyển sinh đại học, một trong những nguyên nhân khiến sinh viên tốt nghiệp muộn là thiếu định hướng nghề nghiệp rõ ràng. Không ít sinh viên bước vào giảng đường đại học mà chưa xác định được mục tiêu nghề nghiệp cụ thể hoặc lựa chọn ngành học không phù hợp với năng lực, sở thích của bản thân. Điều này dễ dẫn đến tình trạng chán nản, mất động lực học tập.
Thực tế, nhiều sinh viên sau một thời gian theo học mới nhận ra ngành mình chọn không phù hợp, từ đó quyết định chuyển ngành hoặc đăng ký học thêm để bổ sung kiến thức. Những lựa chọn này dù cần thiết nhưng cũng kéo dài thời gian học tập và khiến họ lỡ hẹn với kế hoạch tốt nghiệp ban đầu.
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/dung-de-keo-dai-giac-mo-khoac-ao-cu-nhan-post731036.html