Đừng để lễ hội méo mó vì tiền
Không chỉ bói toán, tình trạng 'hét giá' để sở hữu ấn trạch, bùa hộ mệnh… đã khiến cho lễ hội truyền thống bị lệch lạc, nét đẹp tâm linh bị méo mó.
Có tiền mới có ấn
Bên cạnh những nét đẹp văn hóa của lễ hội truyền thống trong mỗi dịp Tết đến Xuân về, tại một số địa phương lại xuất hiện những hình ảnh phản cảm. Trong đó, đáng ngại nhất là hoạt động mê tín dị đoan như bói toán và trục lợi tâm linh, ra giá cho tờ ấn trạch.
Di tích lịch sử - văn hóa đền Bảo Lộc thuộc xã Mỹ Phúc (Mỹ Lộc, Nam Định) được biết đến là nơi sinh ra, nơi có lăng mộ của Đức Thánh Trần. Trong khuôn viên đền Bảo Lộc, ở chính giữa là đền thờ Trần Hưng Đạo, phía bên trái là chùa thờ Phật, bên phải là phủ thờ Mẫu.
Phía sau là đền Khải Thánh thờ Vương phụ, Vương mẫu và hai người con gái của Hưng Đạo đại vương. Trong đền có pho tượng Đức Thánh Trần bằng đồng nặng 4,8 tấn trong tư thế ngồi đặt tại trung đường và pho tượng bằng gỗ trầm hương đặt chính giữa hậu cung.
Mặc dù không phải là chính hội “tháng tám giỗ cha”, nhưng vẻ đẹp lịch sử cũng như vẻ đẹp kiến trúc và tâm linh của đền Bảo Lộc đã thu hút đông đảo du khách mỗi dịp Tết đến Xuân về. Tuy nhiên mới đây, tại di tích này lại diễn ra tình trạng ngay từ cổng vào đền, dọc hai bên đường la liệt các bàn viết sớ, bán ấn trạch, bùa hộ mệnh, hàng mã, dịch vụ đổi tiền lẻ.
Đặc biệt, trong nhiều năm qua, báo chí ghi nhận tại di tích này “ăn theo” nghi lễ khai ấn ở Đền Trần (thờ 14 vị vua nhà Trần, ở phường Lộc Vượng, TP Nam Định) nhà đền duy trì hoạt động tổ chức cho khách vào khu vực được gắn biển “cung cấm”, qua một khung cửa hẹp để đóng ấn, thu tiền trong khi nghi lễ khai ấn, đóng ấn không liên quan gì tới di tích.
Để sở hữu lá ấn, du khách phải chấp nhận đề nghị của thủ nhang với mức giá 50.000 - 250.000 đồng. Việc rao bán ấn được công khai từ cửa đền đến cung cấm. Hàng trăm người xếp hàng trước cung cấm để được tự tay đóng ấn. Họ phải xếp hàng chờ tự đóng ấn theo mức giá được công khai để sở hữu một bộ ấn và bùa hộ mệnh.
Bên cạnh đó, hoạt động đổi tiền lẻ cũng diễn ra công khai trước cửa đền. Khách vào đền nếu cần đổi tiền sẽ phải chịu mức chênh lệch “cắt cổ” khi đổi 100 nghìn đồng tiền lẻ sẽ phải đưa 125 nghìn đồng.
Còn tại đền Sái, xã Thụy Lâm (Đông Anh, Hà Nội) – nơi gắn với huyền tích Huyền Thiên Trấn Vũ chém Bạch Kê Tinh, lại phổ biến tệ nạn mê tín dị đoan. Hàng chục người trải chiếu để hành nghề bói toán với nhiều dạng thức bói khác như xem bài, xem tướng, xem chỉ tay, bốc quẻ, giải quẻ. Đáng chú ý, một số thầy bói còn ngang nhiên đeo thẻ nhân viên, ban tổ chức, ban phục vụ… hòng lòe bịp để lấy niềm tin của du khách.
Sau khi nhận được tin báo, UBND xã Thụy Lâm đã kiểm tra xử lý, đồng thời phổ biến hoạt động bói toán trong đền Sái là không được phép và kiên quyết ngăn chặn các biến tướng. UBND xã Thụy Lâm cũng khẳng định, các loại thẻ mà những người hành nghề bói toán tại cổng đền Sái là giả mạo, ban tổ chức không phát các loại thẻ này.
Ngăn chặn trục lợi tâm linh
Hoạt động trục lợi tâm linh “hét giá” thu tiền không phải là hiếm tại các khu di tích, đình đền mỗi dịp Tết đến Xuân về. Theo PGS.TS Nguyễn Văn Huy - nguyên Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia, cần kiên quyết đấu tranh và ngăn chặn biến tướng lễ hội và niềm tin mù quáng.
Lợi dụng lễ hội, lợi dụng niềm tin để thương mại hóa… tất cả cũng chỉ vì tiền. Vì tiền mà làm cho lễ hội méo mó, khiến cho nét văn hóa truyền thống bị lệch lạc là việc đáng lên án.
Cũng theo PGS.TS Nguyễn Văn Huy, các lễ hội đặc biệt là hội làng có vị trí quan trọng trong đời sống văn hóa của người dân. Với khoảng 8.000 lễ hội mỗi năm, có những lễ hội tổ chức rất đẹp, rất thanh bình, rất ý nghĩa. Tuy nhiên việc tồn tại những “hạt sạn” như buôn thần bán thánh cũng là bài học để các cấp ngành ở mọi địa phương không chỉ phải rút kinh nghiệm mà còn phải kiên quyết đấu tranh.
Trở lại câu chuyện tại di tích đền Bảo Lộc, ngày 21/2 trao đổi với Báo GD&TĐ, ông Vũ Hồng Phong, Chánh văn phòng Sở VH,TT&DL Nam Định cho biết, sở đã cử người xuống địa phương lập biên bản và yêu cầu nhà đền phải thực hiện nghiêm quy định của pháp luật. Ông Phong cũng cho biết, đền Bảo Lộc không có nghi thức khai ấn mà chỉ có lễ Thánh đầu năm. Lá ấn ở đền Bảo Lộc là ấn Thánh chứ không phải ấn Đền Trần.
Theo ông Phong, UBND tỉnh Nam Định cũng đã có ý kiến chỉ đạo truyền đạt tới UBND huyện Mỹ Lộc khẩn trương kiểm tra, kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm tại di tích đền Bảo Lộc.
Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát trước, trong và sau khi tổ chức lễ hội; kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm các vi phạm trong hoạt động lễ hội, đặc biệt là các hành vi lợi dụng di tích, lễ hội, tín ngưỡng để trục lợi, hoạt động mê tín dị đoan.
Trao đổi với ông Đặng Huy Hiệp, Chủ tịch UBND xã Mỹ Phúc cho biết, sự việc đã được địa phương xác minh và xử lý. Hiện di tích chưa thành lập được ban quản lý nên UBND xã có trách nhiệm quản lý trực tiếp. Tuy nhiên, việc chấn chỉnh phải từ từ chứ không một phát là được ngay.
Ông Phạm Văn Long, Chủ tịch UBND huyện Mỹ Lộc cũng cho biết, lãnh đạo huyện đã trực tiếp xuống di tích kiểm tra và sẽ xử lý theo quy định. Hiện vụ việc đã được lập biên bản và yêu cầu nhà đền ký cam kết không vi phạm.
Trước Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, Thủ tướng đã có công điện chỉ đạo, trong đó yêu cầu các địa phương khi tổ chức các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo, lễ hội không để xảy ra các hoạt động mê tín dị đoan, biến tướng, lệch chuẩn, lợi dụng hoạt động tâm linh để trục lợi. Tổ chức các lễ hội sau Tết an toàn, lành mạnh, phát huy bản sắc dân tộc; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, lấy cái đẹp dẹp cái xấu, lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực.
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/dung-de-le-hoi-meo-mo-vi-tien-post672777.html