Đừng để mê tín, dị đoan lên ngôi!
Vào dịp đầu Xuân năm mới, không ít người đi xem bói, rút thẻ, bốc bài Tây… nhằm dự đoán vận mệnh của gia đình trong một năm. Có cung ắt có cầu, 'thầy bói' mọc lên nhan nhản, người đi xem bói vì thiếu niềm tin trong cuộc sống, không ít người đã bị tiền mất, tật mang…
Hiện nay, bói toán online đang bùng nổ trên mạng xã hội với các hình thức xem bói đa dạng, phong phú như xem bói chỉ tay, bói bài, bói nốt ruồi, bổ cau, bói ngày sinh… với hàng trăm hội nhóm. Ví như một hội nhóm xem bói trên mạng xã hội với hơn 171 nghìn người tham gia, trung bình mỗi ngày có hơn 100 bài viết mới. Chỉ một group về bói toán thôi mà đã có hơn 171 nghìn người tham gia, cho thấy một con số đáng sợ.
Dưới mỗi bài viết, thường những người xem bói, nếu là phụ nữ, họ sẽ không hỏi gì khác ngoài chuyện chồng, người yêu có chung thủy không và vận hạn gia đình, còn đàn ông thì chẳng có gì ngoài kiếm được tiền không, công danh sự nghiệp ra sao? Ngoài ra, các bài giới thiệu địa chỉ xem bói hoặc hỏi chỗ xem uy tín liên tục được chia sẻ vào dịp đầu năm.
Xung quanh đến vấn đề này, trao đổi với phóng viên, Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ cho biết, mạng xã hội là một công cụ truyền thông vô cùng thuận lợi hiện nay. Tất cả những gì về mặt tri thức, kiến thức chuyển lên đó và người ta học được rất nhiều. Bên cạnh những mặt tích cực của mạng xã hội thì cũng có mặt tiêu cực của nó, trong đó người ta lợi dụng mạng xã hội để tuyên truyền mê tín dị đoan, bói toán. Nhiều người xem bói xong đau khổ nảy sinh tâm lý tiêu cực, vì một điều mà một người khác nói ra, trong khi bản thân mới là người làm chủ vận mệnh và tương lai của chính mình.
Mới đây, trên mạng xã hội xôn xao việc tài khoản Facebook “Trương Hương” đăng nhiều video có nội dung cổ xúy các hủ tục, mê tín, dị đoan lên mạng xã hội. Đặc biệt sau mỗi lần “phán”, “cô đồng” Trương Hương lại “chốt” một câu “đúng nhận sai cãi”, đã trở thành một trào lưu mới trong giới trẻ.
Trao đổi thêm với phóng viên về vấn đề này, Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ cho biết: “Mọi người phải biết lựa chọn, không được để lôi kéo vào bói toán, mê tín dị đoan. Đặc biệt, đã có Nghị định quy định xử phạt hành chính đối với hoạt động mê tín dị đoan, thậm chí đã có hình phạt với tội hành nghề mê tín, dị đoan theo Bộ luật Hình sự. Vì vậy, chúng ta phải là người am hiểu luật pháp để mình không sa vào những hành vi mê tín dị đoan. Việc bổ cau, bói toán như đã nêu ở trên là hoạt động mê tín, dị đoan. Mọi người hoàn toàn không nên theo và không nên tin. Vừa qua, bà Trương Hương cũng đã bị xử phạt hành chính về hành vi “Cung cấp, chia sẻ thông tin cổ súy các hủ tục, mê tín, dị đoan, dâm ô, đồi trụy, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc”. Theo kinh nghiệm quan sát văn hóa lâu dài của tôi, những hành vi gây sóng mạng xã hội đó sẽ không tồn tại lâu dài mà chỉ trong một thời gian ngắn rồi chìm đi”.
Không thể phủ nhận, đầu năm đi du Xuân tại lễ hội, thăm viếng chùa chiền, đình, đền, miếu… là nét đẹp văn hóa ngàn đời của dân tộc. Tuy nhiên, những nơi tâm linh vốn lưu giữ giá trị nhân văn tốt đẹp của tiên tổ “bỗng” thành nơi để không ít người dân cầu khấn theo hình thức mê tín, dị đoan với mục đích danh, lợi, tiền tài. Bởi nhiều người hiểu sai giữa tín ngưỡng với mê tín dị đoan dẫn đến ứng xử không phù hợp, gây bất hòa trong đời sống.
Theo khoản 1, khoản 2, khoản 3 và khoản 4 Điều 2 Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016, tín ngưỡng là niềm tin của con người được thể hiện thông qua những lễ nghi gắn liền với phong tục, tập quán truyền thống để mang lại sự bình an về tinh thần cho cá nhân và cộng đồng. Hoạt động tín ngưỡng là hoạt động thờ cúng tổ tiên, các biểu tượng linh thiêng; tưởng niệm và tôn vinh người có công với đất nước, với cộng đồng; các lễ nghi dân gian tiêu biểu cho những giá trị lịch sử, văn hóa, đạo đức xã hội.
Trong khi đó, mê tín được hiểu là có niềm tin mãnh liệt vào những điều phù phiếm, mơ hồ, không căn cứ nào để chứng minh. Mê tín dị đoan là tin vào những điều mơ hồ, nhảm nhí, không phù hợp với lẽ tự nhiên. Việc đi xem bói chính là hành vi mê tín dị đoan dẫn tới hậu quả xấu cho cá nhân, gia đình, cộng đồng, hao tốn thời gian, ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng, thiệt hại về tài sản. Nhiều người vì quá tin lời thầy bói đã bỏ ra hàng chục triệu đồng để làm lễ giải hạn. Người không có điều kiện làm lễ giải hạn thì sống trong nơm nớp lo âu.
Mới đây, Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã có văn bản số 46/VHCS-NSVH gửi các địa phương đề nghị tăng cường các biện pháp quản lý Nhà nước về lễ hội năm 2023, trong đó yêu cầu chấp hành nghiêm các quy định về thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội; ngăn chặn kịp thời các biểu hiện tiêu cực, lợi dụng lễ hội thu lợi bất chính, hoạt động mê tín dị đoan.
Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở Ninh Thị Thu Hương nhấn mạnh, cần tăng cường thanh tra, giám sát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, ngăn chặn kịp thời các biểu hiện tiêu cực, lợi dụng lễ hội thu lợi bất chính; kiên quyết không để xảy ra các hành vi chen lấn, tranh cướp; hoạt động cờ bạc, bói toán, xóc thẻ, xin quẻ, đổi tiền lẻ hưởng chênh lệch, biến tướng trong dâng sao giải hạn, phát ấn không đúng với nguồn gốc lịch sử di tích, lễ hội…
Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/dung-de-me-tin-di-doan-len-ngoi-152331.html