Đừng để nạn 'chặt chém' làm xấu hình ảnh du lịch Thủ đô
Một túi táo nhỏ được 'hét' với giá 200.000 đồng; 4 chiếc bánh rán khách phải trả 50.000 đồng; 500.000 đồng phải trả cho lái xe taxi chỉ để đi quãng đường chưa đến 100m... là những vụ việc 'chặt chém' khách du lịch gần đây trên địa bàn Hà Nội, gây bức xúc dư luận.
Điều này cũng đặt ra vấn đề, cần có biện pháp nghiêm đối với những hành vi vi phạm để không làm ảnh hưởng đến du lịch Thủ đô nói riêng và hình ảnh Việt Nam nói chung.
“Con sâu làm rầu nồi canh”
Thời gian gần đây trên mạng xã hội xuất hiện nhiều thông tin, clip lái xe taxi, người bán hàng rong ở Hà Nội “chặt chém” du khách nước ngoài.
Mới đây nhất, câu chuyện tài xế taxi bị du khách Pháp tố "chặt chém" 500.000 đồng cho quãng đường chưa đến 100m và thêm 500.000 đồng để trả lại tài sản bỏ quên trên xe..., một lần nữa khiến dư luận dậy sóng.
Mặc dù vụ việc đã được Công an quận Hoàn Kiếm xác minh làm rõ, lái xe taxi này hoạt động không đúng quy định nhưng ít nhiều đã làm tổn hại đến hình ảnh của Thủ đô Hà Nội.
Trước đó, trên địa Hà nội cũng liên tiếp xảy ra các vụ việc người bán hàng rong có hành vi “chặt chém” du khách, trở thành vấn đề đáng lo ngại.
Tháng 3-2024, UBND phường Bưởi (quận Tây Hồ) đã làm việc và xử phạt hành chính về lỗi bán hàng rong không niêm yết giá đối với người có ý định bán túi táo nhỏ cho khách du lịch nước ngoài với giá 200.000 đồng. UBND phường Lý Thái Tổ (quận Hoàn Kiếm) xử phạt một người bán hàng rong bán 4 bánh rán giá 50.000 đồng cho khách Tây...
Mặc dù những vụ việc này sau khi được phát hiện các cơ quan chức năng đã vào cuộc làm rõ, nghiêm khắc xử lý và tuyên truyền, nhắc nhở nhưng vẫn trở thành vấn nạn, nhất là khi xảy ra với tần suất liên tục.
Rất nhiều ý kiến phản ứng trên mạng xã hội bày tỏ sự phẫn nộ, bức xúc. Chị Nguyễn Thu Minh (quận Tây Hồ), chia sẻ: “Những hiện tượng này chỉ là “con sâu làm rầu nồi canh” nhưng đã làm xấu hình ảnh Thủ đô, ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng du lịch Hà Nội”.
“Thật đáng buồn vì đến giờ vẫn còn nhiều người buôn bán, làm dịch vụ chỉ vì cái lợi cá nhân mà làm hỏng đi hình ảnh Thủ đô thân thiện, văn minh. Cần phải có biện pháp xử lý kiên quyết với những hành vi “chặt chém” du khách”, anh Trần Mạnh Tâm (quận Hoàn Kiếm) nói.
Cần có biện pháp kiểm soát chặt chẽ
Thành phố Hà Nội luôn chủ trương xây dựng, phát triển văn hóa, người Hà Nội thanh lịch, văn minh, khẳng định hình ảnh, vị thế của một thành phố du lịch uy tín trên thế giới; điểm đến an toàn, thân thiện, hấp dẫn. Vì thế, những hiện tượng “con sâu làm rầu nồi canh” xảy ra thời gian gần đây cũng đặt ra cho công tác quản lý của Hà Nội phải chặt chẽ hơn, thường xuyên kiểm tra hơn.
Để giảm thiểu và ngăn chặn tình trạng “chặt chém” du khách, Viện trưởng Viện Phát triển du lịch châu Á, Chủ tịch Hội Du lịch cộng đồng Việt Nam Phạm Hải Quỳnh cho rằng, chính quyền địa phương cần có biện pháp kiểm soát chặt chẽ hơn đối với hoạt động của người bán hàng rong, đồng thời tăng cường giám sát và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật. Ngoài ra, cần tăng cường hệ thống camera giám sát và nâng cao an ninh tại các khu vực du lịch để bảo đảm an toàn cho du khách.
Còn theo Phó Chủ tịch Hội lữ hành Việt Nam Phùng Quang Thắng, những hiện tượng “chặt chém” du khách thời gian qua đều là do ý thức của những người kinh doanh buôn bán, trong đó phần lớn là những người lao động ngoại tỉnh. Vì thế, chính quyền địa phương bên cạnh việc quản lý, cần tuyên truyền, nhắc nhở những người bán hàng; đào tạo hướng dẫn viên du lịch quy trình và cách xử lý tình huống khi có vấn đề với du khách. Đồng thời, cần khuyến khích du khách thông báo kịp thời với chính quyền khi gặp vấn đề.
Là địa bàn tập trung nhiều điểm du lịch và khách quốc tế, Bí thư Quận ủy, Chủ tịch HĐND quận Hoàn Kiếm Vũ Đăng Định cho biết, trong thời gian tới, các đơn vị trên địa bàn quận sẽ tiếp tục xây dựng dịch vụ bổ trợ cho khách du lịch, đáp ứng được tốc độ tăng trưởng về du lịch và nhu cầu đa dạng của du khách. Đồng thời, Hoàn Kiếm sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm về bán hàng, chèo kéo khách.
Ở góc độ quản lý nhà nước, Sở Du lịch Hà Nội cho biết, đơn vị thường xuyên duy trì bộ phận trực tổng đài và “đường dây nóng” để hỗ trợ, hướng dẫn thông tin cho du khách.
Theo Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang, Sở yêu cầu các đơn vị điểm đến, lữ hành thực hiện hoạt động du lịch văn minh, niêm yết giá công khai. Thanh tra Sở Du lịch cũng phối hợp với các đơn vị, địa phương tiến hành xác minh, xử lý những vụ việc vi phạm trong hoạt động du lịch.
Hiện nay, Cục Du lịch quốc gia đã ban hành văn bản gửi sở du lịch và sở văn hóa, thể thao và du lịch các tỉnh, thành phố, trong đó yêu cầu các đơn vị kinh doanh thực hiện quy tắc ứng xử văn minh trong du lịch, tuân thủ nghiêm quy định về đăng ký, niêm yết công khai giá bán hàng hóa, dịch vụ và bán đúng giá niêm yết đối với sản phẩm, dịch vụ phục vụ nhu cầu vui chơi giải trí, mua sắm, tham quan, trải nghiệm và ẩm thực của du khách. Các cơ sở không tùy tiện tăng giá, ép khách, gây ảnh hưởng xấu đến ngành Du lịch.