Đừng để 'thần dược' trà hoa vàng Ba Vì tuyệt chủng
Cây trà hoa vàng (Golden Camellia) được biết đến với nhiều công dụng chữa bệnh, tuy nhiên hiện nay 'thần dược'này tại Ba Vì (Hà Nội) đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng. Để bảo tồn một loại dược liệu quý, hiếm, các cơ quan chức năng hãy ra tay trước khi quá muộn.
Trà hoa vàng thuộc chi Trà (Camellia), họ Chè (Theaceae), có nguồn gốc ở khu vực miền Đông và miền Nam châu Á, từ dãy Himalaya về phía Đông tới Nhật Bản và Indonexia với khoảng 100-250 loài. Tại Trung Quốc, trà hoa vàng được nhiều nhà nghiên cứu phát hiện có hơn 400 loại nguyên tố hóa học khác nhau như saponin, protein, các loại vitamin như vitamin E, vitamin C, vitamin E,…, nhiều cái axit amin như theanine, flavonoid, Ge, Se, Mo, Zn, V, Mg,…, rất có lợi cho sức khỏe con người.
“Thần dược” được thế giới công nhận
Y học cổ truyền Trung Quốc và các nghiên cứu gần đây của Y học phương Tây đã tổng kết được các tác dụng của trà hoa vàng như: Ức chế các khối u ung thư, chống và chữa tiểu đường, diệt vi khuẩn, kháng viêm, trị mỡ máu, mỡ gan, hạ huyết áp, điều hòa tốt đường huyết, kháng dị ứng, chống ô xy hóa, chống lão hóa, lợi tiểu, giải độc, chống trầm cảm…,dùng làm mỹ phẩm cao cấp, chất tạo màu thực phẩm, thực phẩm chức năng…
Theo "Camellia International Journal" – tạp chí chuyên nghiên cứu về trà hoa vàng các hợp chất của trà hoa vàng có khả năng kiềm chế sự sinh trưởng của các khối u đến 33,8% trong khi chỉ cần đạt đến ngưỡng 30% đã có thể xem là thành công trong điều trị ung thư; giúp giảm đến 35% hàm lượng cholesterol trong máu, trong khi dùng các loại thuốc khác thì mức độ giảm chỉ là 33,2%... Một số công trình nghiên cứu mới đây cho thấy trà hoa vàng giảm triệu chứng xơ vữa động mạch do máu nhiễm mỡ, điều hòa huyết áp, hạ đường huyết; chữa kiết lỵ, đại tiện ra máu.
Theo GS.TS Trần Ninh (Đại học Khoa học tự nhiên – Đại học Quốc Gia Hà Nội), người đã có 17 năm chuyên nghiên cứu về trà hoa vàng, ở Việt Nam đã phát hiện hơn 20 loài Camellia tại các khu vực Vườn Quốc gia Tam Đảo, Cúc Phương, Ba Vì và một số rừng ở Tuyên Quang, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Lâm Đồng.
Tuy nhiên đáng tiếc cho đến nay, chưa có một công trình nghiên cứu nào đi sâu nào về việc xác định chính xác hàm lượng giá trị của loài trà hoa vàng Ba Vì (Camellia tonkinensis). Trong khi đó tại địa bàn, số lượng cây trà hoa vàng mọc tự nhiên ngày càng cạn kiệt do bị người dân thu gom khai thác bán cho các thương lái Trung Quốc.
Thu nhập 170 triệu đồng/ha/năm
Do có nhiều công dụng, hiện nay “thần dược” này đang được thương lái Trung Quốc đang thu mua toàn bộ các cây, hoa và lá. Giá trà hoa vàng thương phẩm trên thị trường hiện khoảng 8-10 triệu đồng/kg, loại đặc biệt có giá 12-18 triệu đồng/kg, giá lá khô cũng bán được khoảng 300.000-500.000 đồng/kg.
Hoa khô này sau khi chế biến, đóng gói ở Trung Quốc có thể được bán với giá trung bình khoảng 150-170 triệu đồng/kg, gấp 10 lần giá thu mua tại Việt Nam nên trà hoa vàng Ba Vì nói riêng và trà hoa vàng Việt Nam nói chung đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng nếu như chính quyền không nhanh chóng tuyên truyền, vận động người dân giữ gìn dược liệu quý của quê hương.
Một người dân Ba Vì cho biết: “Cứ đến mùa hoa thì người Trung Quốc xuất hiện để mua hoa, đến mùa lá thì họ mua lá. Còn cây trà hoa vàng thì họ lùng mua quanh năm, to, nhỏ mua tất, kể cả cây chết, kể cả cây bị đào gốc, chặt rễ, bó lại như bó củi để bán họ cũng mua, cây gốc càng to thì giá càng đắt, lạ thế”.
Trước đây tại Ba Vì, đi rừng người dân bắt gặp cây trà hoa vàng rất nhiều. Cây thường mọc ở ven các bờ suối, mùa Đông hoa nở vàng rất đẹp. Đến nay đi rừng thì không gặp cây trà hoa vàng nữa bởi đã bị người dân đi rừng chặt đem bán. Trong các giống trà hoa vàng của Việt Nam thì trà hoa vàng Ba vì được xem là giống quý vì có sức đề kháng tốt với khí hậu.
TS Vũ Văn Tâm, Giám đốc Công ty TNHH Dược liệu Vũ gia cho biết: “Sau nhiều năm nghiên cứu, tôi có thể khẳng định trà hoa vàng Cúc Phương, Ba Vì là những loài chịu nắng, chịu hạn, có sức sinh trưởng tốt hơn so với đa số các loài trà hoa vàng khác của Việt Nam. Cây được đánh giá có khả năng sinh trưởng phát triển tốt trong điều kiện trồng thưa, có bóng tán nắng nhẹ”.
Theo các chuyên gia Nhật Bản, nếu nhân giống và trồng trà hoa vàng mỗi cây sẽ thu hoạch 2,5-3kg hoa tươi/cây, tỷ lệ hoa khô thu hồi khi sấy trung bình là 5,5-5,7kg hoa tươi thu được 01kg hoa khô. Với giá bán như hiện nay, trung bình mỗi ha trồng trà hoa vàng sẽ thu được khoảng 170 triệu đồng/năm, trong khi nông dân trồng lúa chỉ được 10 triệu đồng/năm.
Nan giải vấn đề cây giống
Lợi ích của việc trồng trà hoa vàng là điều ai cũng thấy, người nông dân nào cũng muốn được sở hữu một vườn cây như thế. Vấn đề lớn nhất là người dân Ba Vì sẽ tìm đâu ra giống để trồng loại thảo dược quý, hiếm này?
Điều khá ngạc nhiên là ngoài việc chưa có các biện pháp để giống trà quý của vùng núi Ba Vì thì cho cho đến nay, trà hoa vàng Bà Vì cũng chưa có một đề tài nghiên cứu chính thức nào về kỹ thuật nhân giống nói chung và giâm hom nói riêng. Ngoại trừ đề tài “Nghiên cứu khả năng bảo tồn ngoại vi và nhân giống một số loài trà hoa vàng nhằm bảo vệ và phát triển” của GS.TS Ngô Quang Đê, tiến hành nghiên cứu giâm hom trà hoa vàng Ba Vì (Camellia tonkinensis). Kết quả rất khả quan: với trà hoa vàng Ba Vì, công thức IBA 200ppm và ABT1 50ppm đạt tỉ lệ ra rễ 77,8%.
Thạc sĩ Phạm Tiến Duật (Công ty TNHH Dược liệu Vũ gia) chủ nhiệm đề tài ”Xây dựng mô hình bảo tồn và nhân giống trà hoa vàng Cúc Phương (Camellia Cucphuongensis Ninh & Rosmann) bằng phương pháp giâm hom tại Ninh Bình” cho biết: “Sau 3,5 năm nghiên cứu chúng tôi đã Sở Khoa học và Công nghệ Ninh Bình đánh giá hoàn thành xuất sắc đề tài. Nhóm nghiên cứu đã xây dựng được 01 mô hình vườn cây giống gốc trà hoa vàng Cúc Phương quy mô 03ha với số lượng 6.050 cây sinh trưởng tốt, đường kính gốc cây ≥ 02cm và chiều cao thân chính ≥ 1,0m”.
Sản phẩm trà hoa vàng Cúc Phương đã được cấp chứng nhận OCOP 4 sao tỉnh Ninh Bình; Sản phẩm Công nghiệp nông thôn tiêu biểu xuất sắc tỉnh Ninh Bình; Vùng trồng trà hoa vàng Cúc phương đã được Cục Y dược cổ truyền – Bộ Y tế cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn Thực hành tốt theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thé giới GACP-WHO.
TS Vũ Văn Tâm, Giám đốc Công ty TNHH Dược liệu Vũ gia khẳng định: “Từ thành công của phương pháp giâm hom trà hoa vàng Cúc Phương chúng tôi đang tiến hành nghiên cứu công tác bảo tồn, nhân giống trà hoa vàng Ba Vì theo phương pháp cấy mô. Phương pháp nuôi cây cấy mô tế bào thực vật có thể nhân giống số lượng lớn trong thời gian ngắn. Cây con mang đặc tính tốt giống hệt cây mẹ”.
Điều khá khó khăn hiện nay là hiện tại Ba Vì rất khó kiếm được cây mẹ trà hoa vàng Ba Vì để tiến hành thí nghiệm, nhân giống. Để có thể có thể bảo tồn, nhân giống loại dược liệu quý, hiếm này các nhà khoa học Việt Nam đang rất cần sự hỗ trợ tích cực từ phía UBND TP Hà Nội, Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội, Sở Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cũng như UBND huyện Ba Vì.
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/dung-de-than-duoc-tra-hoa-vang-ba-vi-tuyet-chung.html