Đừng để 'thờ ơ, vô cảm' trở thành căn bệnh 'ung thư tâm hồn' ở thế hệ trẻ

Tác hại của căn bệnh 'thờ ơ, vô cảm' tàn phá lương tâm, phẩm chất đạo đức tốt đẹp của con người và xã hội, tạo ra những tiền lệ xấu và dư luận không tốt.

Kỳ 2: Những giải pháp chế ngự bệnh “thờ ơ, vô cảm” trong thanh niên Quân đội

Trong bối cảnh chung đó, soi chiếu vào thực tiễn, căn bệnh “thờ ơ, vô cảm” không chỉ có ở người dân, ngoài xã hội, mà nó tồn tại ngay trong cả đội ngũ thanh niên Quân đội. Thực tiễn đã khẳng định, thanh niên Quân đội là lực lượng có vai trò quan trọng trong sức mạnh chiến đấu của QĐND Việt Nam. Là một bộ phận của thế hệ trẻ cả nước, thanh niên Quân đội luôn xung kích, đi đầu trong mọi nhiệm vụ, là nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của các địa phương, đơn vị. Mặc dù được rèn luyện trong môi trường quân ngũ - môi trường tốt đẹp, lành mạnh, phong phú, nhưng nếu không thường xuyên tự tu dưỡng, bồi đắp phẩm chất đạo đức cách mạng, thì một bộ phận thanh niên Quân đội cũng sẽ mắc phải “căn bệnh” này.

Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Quảng Ninh tổ chức cho cán bộ, chiến sĩ mới tham quan Nhà Truyền thống BĐBP tỉnh, một trong những hoạt động giáo dục truyền thống cho cán bộ, chiến sĩ; đặc biệt là chiến sĩ mới nhập ngũ năm 2024. Ảnh: Xuân Hùng

Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Quảng Ninh tổ chức cho cán bộ, chiến sĩ mới tham quan Nhà Truyền thống BĐBP tỉnh, một trong những hoạt động giáo dục truyền thống cho cán bộ, chiến sĩ; đặc biệt là chiến sĩ mới nhập ngũ năm 2024. Ảnh: Xuân Hùng

Một trong những biểu hiện căn bệnh “vô cảm” là sự thờ ơ với những hiện tượng đời sống xung quanh, chỉ quan tâm đến bản thân; gặp cái đẹp không mảy may rung động; gặp cái tốt không ủng hộ; thấy cái sai, cái xấu, khuyết điểm không dám lên án, không dám đấu tranh chống lại; bản thân an phận thủ thường, bạc nhược. Biểu hiện này thể hiện rất rõ trong đời sống quân ngũ thường ngày, có thể kể tới sự vô tâm khi chỉ quan tâm tới bản thân, không quan tâm tới đồng chí, đồng đội, mặc dù qua tiếp xúc, hoạt động hằng ngày biết đồng chí, đồng đội gặp khó khăn trong học tập, công tác, sinh hoạt, hoàn cảnh gia đình, tình yêu... nhưng không mảy may gợn lên suy nghĩ sẽ giúp đỡ đồng đội vượt qua những giai đoạn khó khăn; từ đó, cấp ủy, chỉ huy các cấp không có sự gặp gỡ, nắm bắt tâm lý, kịp thời tư vấn, động viên để giải tỏa ức chế, tháo gỡ vướng mắc, nên đã xảy ra nhiều vụ việc mà hậu quả hết sức đáng tiếc.

Ở một góc nhìn khác, chính bản thân những đồng chí thiếu bản lĩnh, không vượt qua được khó khăn và đi “chệch đường ray” đó cũng là biểu hiện của sự “thờ ơ, vô cảm”. Bởi chính những suy nghĩ không thấu đáo, hành động một chiều của bản thân sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới tập thể đơn vị, gia đình, người thân; thiếu niềm tin vào cuộc sống, vào sự giúp đỡ, quan tâm của đồng chí, đồng đội xung quanh; hoặc hậu quả đáng tiếc do mình gây ra đó sẽ làm thay đổi, phá vỡ hạnh phúc gia đình, lớn hơn đó là phá vỡ sự ổn định của xã hội. Tác hại của căn bệnh “thờ ơ, vô cảm” tàn phá lương tâm, phẩm chất đạo đức tốt đẹp của con người và xã hội, tạo ra những tiền lệ xấu và dư luận không tốt. Vì vậy, nhận biết biểu hiện của căn bệnh “thờ ơ, vô cảm” trong thanh niên Quân đội có vị trí hết sức quan trọng trong công tác quản lý tư tưởng quân nhân, góp phần giữ vững trận địa tư tưởng của Đảng trong Quân đội.

Nhà văn Nga Maxim Gorky từng nói: “Nơi lạnh nhất không phải là Bắc cực mà là nơi không có tình thương”. Quả thật, với truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta: “Thương người như thể thương thân”, “Một con ngựa đau, cả tàu bỏ cỏ”, “Lá lành đùm lá rách” và đặc biệt là hình ảnh đẹp “Bộ đội Cụ Hồ”’; chúng ta không thể dung thứ với căn bệnh “thờ ơ, vô cảm” lây lan trong xã hội, nhất là ở giới trẻ - chủ nhân tương lai của đất nước. Thiết nghĩ, phương thuốc chữa trị căn bệnh “thờ ơ, vô cảm” để không thể “di căn” phát triển lên thành “ung thư tâm hồn” trong giới trẻ nói chung và trong thanh niên Quân đội hiện nay cần phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp.

Trước hết, xác định mỗi người, mỗi gia đình, mỗi đơn vị là “tế bào” xây dựng xã hội, vì vậy, để chữa trị căn bệnh “thờ ơ, vô cảm” cho một bộ phận giới trẻ hiện nay, chúng ta bắt đầu từ gốc, đó là giáo dục gia đình. Gia đình là môi trường giáo dục lý tưởng, mà từ khi con người mới sinh ra cho đến khi trưởng thành, luôn đóng vai trò quan trọng. Gia đình là nơi hình thành nhân cách và giáo dục đạo đức, nơi con người học cách yêu thương, chia sẻ và đồng cảm. Để chữa trị căn bệnh "thờ ơ, vô cảm," liều thuốc đầu tiên phải tìm đến chính là phương pháp, cách thức giáo dục gia đình. Sống trong một gia đình nơi luôn tồn tại, nuôi dưỡng tình yêu thương, nhưng cũng có kỷ luật và nguyên tắc, sẽ hình thành con người có khả năng yêu thương, chia sẻ và có đạo đức. Không chỉ vậy, con người sống trong môi trường gia đình tốt sẽ nhận được giáo dục đạo đức tốt và được dạy cách thể hiện một cuộc sống đạo đức, tốt đẹp.

Tuổi trẻ BĐBP Sóc Trăng phối hợp cùng Đoàn Thanh niên tại địa phương tặng quà các em học sinh trên địa bàn trong Chiến dịch Thanh niên tình nguyện Hè 2024. Ảnh: Văn Long

Tuổi trẻ BĐBP Sóc Trăng phối hợp cùng Đoàn Thanh niên tại địa phương tặng quà các em học sinh trên địa bàn trong Chiến dịch Thanh niên tình nguyện Hè 2024. Ảnh: Văn Long

Thứ hai, xây dựng xã hội tiến bộ, công bằng và văn minh. Con người vừa là chủ thể, vừa là sản phẩm của xã hội. Giới trẻ được học tập, rèn luyện ở một môi trường xã hội tốt, lành mạnh sẽ tạo được sức “đề kháng”, “miễn dịch” cao với căn bệnh “thờ ơ, vô cảm”. Ngược lại, giới trẻ ở một môi trường xã hội có nhiều tiêu cực lấn át tích cực thì căn bệnh “thờ ơ, vô cảm” sẽ lây lan. Theo đó, cần phải xây dựng và không ngừng nhân lên những yếu tố tích cực trong xã hội. Phải bền bỉ xây dựng văn hóa ứng xử ngay ở nhà trường, gia đình, tạo đời sống tinh thần phong phú, mà ở đó các giá trị tinh thần, đạo đức của xã hội được xác lập rõ ràng, thể hiện mạnh mẽ, để ai làm những điều xấu cũng phải sợ, cũng phải ngại. Nếu cái tốt, cái thiện ở thế thượng phong, nếu ở đâu người tốt cũng biết đoàn kết, hợp lực tạo nên sức mạnh thì ở đó chắc chắn cái xấu, cái ác sẽ từng bước bị đẩy lùi, sự “thờ ơ, vô cảm” sẽ mất dần đi.

Thứ ba, xây dựng trường học có môi trường văn hóa tốt đẹp, lành mạnh. Nhà trường không chỉ dạy chữ mà từ dạy chữ để dạy cách làm người có nhân cách, có đạo đức, có xúc cảm và sự sẻ chia bằng nhiều hình thức dạy lồng ghép qua bộ môn như giáo dục công dân, ngữ văn và hoạt động sinh hoạt tập thể. Mỗi thầy cô giáo luôn quan tâm đến đồng nghiệp, chia sẻ với đồng nghiệp những vui buồn và quan tâm chăm sóc thương yêu học sinh bằng tình cảm chân thành nhất. Nhà trường cần giáo dục học sinh lòng tin vào cái tốt, cái thiện, biết tránh xa và phát hiện cái xấu để cảnh giác và đấu tranh với nó. Có kế hoạch và tích cực giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng ứng xử, kỹ năng sinh hoạt tập thể bằng mọi hình thức có sức hấp dẫn nhằm đáp ứng nhu cầu tâm lý, tình cảm, tư tưởng chính đáng của học sinh; từ đó sẽ lôi cuốn và tạo ra mối liên hệ mật thiết để học sinh có điều kiện tiếp xúc cảm thông với nhau. Đồng thời, tổ chức tốt các phong trào đền ơn đáp nghĩa, làm việc từ thiện..., học tập noi theo các gương sống tốt, xây dựng môi trường giáo dục thân thiện, lành mạnh để học sinh học tập tu dưỡng và rèn luyện.

Thứ tư, mỗi cá nhân giới trẻ xây dựng cho mình nhu cầu tự học tập suốt đời. Giới trẻ cần nhận thức đúng đắn, có niềm tin vào con người tốt, hành động đẹp. Hãy sống đúng với chuẩn mực đạo đức của con người trong xã hội, biết yêu thương đùm bọc và chia sẻ với xã hội, nhà trường, gia đình, bạn bè và chính bản thân mình. Biết học tập noi gương những tấm gương giàu lòng nhân ái, biết sống vì mọi người. Đồng thời, phải dũng cảm tự mình nhận lỗi khi có khuyết điểm; cần tránh xa những tệ nạn xã hội, những thói hư, tật xấu len lỏi trong học đường.

Thứ năm, đối với mỗi quân nhân khi bước chân vào môi trường quân đội - là trường học lớn để lớp lớp thế hệ thanh niên phấn đấu, trưởng thành; và tình đồng chí, đồng đội là điều kiện tốt để mỗi thanh niên phấn đấu rèn luyện không ngừng hoàn thiện nhân cách phát triển toàn diện. Để ngăn ngừa căn bệnh “thờ ơ, vô cảm”, đòi hỏi cán bộ, chỉ huy các cấp phải làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, giáo dục kỹ năng sống, đổi mới công tác quản lý tư tưởng quân nhân để có biện pháp nắm chắc tâm tư, nguyện vọng, hoàn cảnh gia đình của từng quân nhân trong đơn vị, nhất là các đồng chí có hoàn cảnh khó khăn, có mối quan hệ xã hội phức tạp, hoặc gặp vấn đề phát sinh trong cuộc sống, tình yêu... Từ đó, kịp thời gặp gỡ, động viên, giải tỏa tâm lý để quân nhân không rơi vào bế tắc; đồng thời, cấp ủy, chỉ huy duy trì tổ chức các hoạt động phong trào, văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao trong giờ nghỉ, ngày nghỉ để thu hút đông đảo cán bộ, chiến sĩ đơn vị tham gia, tạo không khí vui tươi, lành mạnh, tăng cường sự gắn bó, đoàn kết, thống nhất giữa các quân nhân trong đơn vị.

Thực hiện đồng bộ, hiệu quả những giải pháp trên thì căn bệnh “thờ ơ, vô cảm” sẽ không có chỗ để lây lan trong tâm hồn giới trẻ hiện nay. Điều đó sẽ góp phần thực hiện đúng di nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cụ thể hóa quan điểm của Đảng về thế hệ trẻ và chăm lo thế hệ trẻ trong đời sống xã hội.

Mai Xuân Đạt

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/dung-de-tho-o-vo-cam-tro-thanh-can-benh-ung-thu-tam-hon-o-the-he-tre-post477149.html