Đừng để túi sưởi nổ như bom

Thói quen ôm túi sưởi khi đang cắm điện sạc, cắm điện liên tục, tự vá túi sưởi để sử dụng… có thể khiến người dùng gặp rủi ro cháy nổ, đe dọa tính mạng.

Không ôm túi sưởi trong lúc cắm điện

Túi sưởi là sản phẩm phổ biến khi thời tiết chuyển lạnh do có giá thành phải chăng, dễ sử dụng, tiện lợi. Tuy vậy, túi sưởi là một thiết bị điện, nếu không sử dụng đúng cách có thể gây ra hậu quả đáng tiếc cho người sử dụng. Nhiều vụ nổ túi sưởi đã từng xảy ra gây bỏng rất thương tâm.

TS Trần Văn Thịnh, nguyên trưởng bộ môn Điện, ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết, túi sưởi dù là một thiết bị nhỏ nhưng nó cũng phải tuân thủ nguyên lý an toàn của thiết bị điện. Bất cẩn trong quá trình sử dụng có thể dẫn đến cháy, nổ. Thực tế đã xảy ra những trường hợp túi sưởi bị nổ tung, gây bỏng, chập cháy điện do sử dụng không đúng khuyến cáo của nhà sản xuất.

Túi sưởi phải cắm điện để làm nóng dung dịch bên trong trước khi sử dụng. Khi sạc điện, để túi vào nơi bằng phẳng, chỗ cắm điện trên mặt túi hướng lên trên, cắm dây vào chỗ cắm điện trên túi trước rồi mới cắm vào ổ điện sau.

Cần chú ý đến thời gian và nhiệt độ khi sạc điện, không nên sạc quá lâu. Khi đang cắm điện không được lau, rửa hoặc ngâm túi trong nước. Nếu túi bị ướt nhất định phải lau khô mới được cắm điện sử dụng. Không được cắm túi sưởi quá lâu mà không rút sạc vì nếu nhiệt độ quá cao, rất dễ làm cho rơ le tự ngắt không hoạt động, làm cho túi sưởi nổ tung.

Cần tuân thủ các nguyên tắc an toàn khi sử dụng túi sưởi.

Cần tuân thủ các nguyên tắc an toàn khi sử dụng túi sưởi.

Theo TS Trần Văn Thịnh, trong quá trình sạc túi sưởi thì không nên sử dụng, vì thời gian sạc túi sưởi cũng khá nhanh. Đã có trường hợp nổ rách túi bên ngoài do cắm lâu quá, nước giãn nở, đầy bọt khí trong khi túi không thể giãn nở to hơn dẫn tới bục...

"Nhiều người vô tư vừa cắm sạc vừa ôm túi sưởi lên người. Nếu chẳng may túi sưởi bị hở, bục, rách, nguy cơ bị điện giật, bỏng nặng là rất cao. Do đó, cách sử dụng an toàn nhất là tuân theo khuyến cáo của nhà sản xuất. Tránh xa túi sưởi khi đang sạc, đặc biệt là trẻ em", TS Trần Văn Thịnh cho biết.

Lưu ý túi sưởi ấm dây dẫn được đánh giá an toàn hơn túi sưởi ấm điện cực. Cách để kiểm tra hai dòng túi sưởi này là dùng tay bóp nhẹ vào thân túi, nếu có xilanh cứng bên trong là túi sưởi điện cực, còn nếu là cuộn dây nhựa thì là túi sưởi dây dẫn.

Túi sưởi là một thiết bị tiềm ẩn nguy cơ bỏng đối với em, nên tuyệt đối không để trẻ em chơi với loại túi này khi nó nóng. Trẻ có thể nhảy, ngồi, ném túi vào nhau... có thể khiến túi sưởi bị bục ra gây bỏng da bé.

Nếu muốn cho trẻ dùng túi sưởi bạn phải kiểm soát được nhiệt độ thích hợp và giám sát trong lúc trẻ sử dụng để tránh mọi nguy cơ không mong muốn. Hoặc có thể sử dụng các sản phẩm túi sưởi dành riêng cho trẻ em, song cũng phải được kiểm soát kỹ.

Khi túi sưởi bị hỏng thì phải có thợ sửa chữa. Khi túi sưởi bị thủng, có người vì tiết kiệm đã cố vá víu túi sưởi đã bị thủng để dùng lại. Việc làm này tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ đối với sức khỏe do túi sưởi có thể bị rò rỉ dung dịch bên trong, hoặc gây bục túi và phát nổ khi sạc điện.

Kiểm tra kỹ trước khi vào mùa rét đậm

Thời điểm chuẩn bị xuất hiện các đợt không khí lạnh, rét đậm, rét hại, các thiết bị, đồ dùng để sưởi ấm được nhiều gia đình lấy ra dùng. Theo các chuyên gia, trước khi vào mùa, các thiết bị này cần được kiểm tra an toàn điện rồi mới nên sử dụng.

GS.TS Nguyễn Đức Lợi, Hội KH&CN Nhiệt lạnh cho biết, không chỉ các thiết bị sưởi ấm mới có thể dễ gây chập cháy mà chập cháy có thể xẩy ra với bất kỳ thiết bị điện nào. Trước hết là ở ổ cắm điện do tiếp xúc không tốt sinh nhiệt và phát cháy. Tiếp xúc không tốt có nhiều nguyên nhân như ổ bé không đủ công suất truyền tải, do han rỉ, do bẩn bám lâu ngày ở vị trí tiếp xúc, do dây nối không chặt, lỏng lẻo vào giắc cắm điện....

Thứ hai là do dây điện truyền tải không đủ công suất, bị hư hỏng cục bộ do vận chuyển, do va đập, do lâu ngày và do vật liệu cách điện dây bị hỏng. Thứ ba là do dây điện trở sinh nhiệt bị hư hỏng.

Đặc biệt đệm điện, gối điện, chăn điện, túi sưởi sau thời gian dài sử dụng cần được kiểm tra độ cách điện của dây điện trở. Lớp cách điện của dây điện trở ở các thiết bị này có đăc tính là chịu được nhiệt và có tính dẫn nhiệt tốt, nhưng do sử dụng lâu ngày và sử dụng, bảo dưỡng không đúng kỹ thuật làm cho một số vị trí đã bị hỏng gây ra chập cháy.

Để đề phòng rủi ro, phải sử dụng, bảo hành, bảo dưỡng và kiểm tra định kỳ đúng theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Ví dụ đối với chăn, đệm điện không được để trẻ con dùng các vật sắc, nhon xuyên vào chăn, đệm. Khi giặt không được gấp nếp, phải phơi bằng sào, không phơi bằng dây thép. Khi bảo quàn cần tránh gấp nếp chăn. Đối với túi sưởi, nếu có các dấu hiệu như thủng, điện chập chờn, thời gian nóng quá lâu… thì nên thay túi mới.

Nếu đã dùng lâu nên đưa đi kiểm tra độ cách điện. Cần kiểm tra ổ cắm, dây điện và thử nghiệm trước khi dùng... Trường hợp phát hiện rò rỉ điện, có chập, cháy thì phải nhanh chóng ngắt cầu dao hoặc áp tô mat. Kiểm tra thay mới các chi tiết bị hỏng đó. Trường hợp chăn điện, đệm sưởi đã bị chập thì tốt nhất là nên bỏ đi.

Để tiết kiệm điện khi dùng các thiết bị sưởi, thời gian bật quạt sưởi hợp lý là dưới 4 tiếng/ngày. Đối với đèn sưởi trong nhà tắm, nên bật đèn sưởi 10 phút trước khi vào nhà tắm và chỉ nên bật 20-30 phút rồi tắt.

Trên thị trường có nhiều loại túi sưởi không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo chất lượng, nguy cơ rò rỉ, chập cháy dây điện rất lớn. Do đó, bạn nên chọn các sản phẩm túi sưởi chính hãng để đảm bảo an toàn khi sử dụng. Dây dẫn điện nên có đường kính lớn từ 7-8cm, điện cực nhỏ. Kiểm tra cẩn thận sản phẩm trước khi mua xem có bị lỗi gì không.

Tô Hội

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/dung-de-tui-suoi-no-nhu-bom-169221115162721663.htm