Dừng dịch vụ hãng hàng không thu phí check in ưu tiên: Sòng phẳng và công bằng
Cục Hàng không đã yêu cầu Bamboo Airway và Vietjet dừng ngay dịch vụ ưu tiên check-in có thu phí sau thời gian ngắn hai hãng này triển khai.
“Quyết định” được đưa ra nhanh chóng sau những phản ứng dữ dội của hành khách và bức xúc của dư luận được xem là cần thiết bởi điều đó đem lại sòng phẳng cùng công bằng cho hành khách.
Trước tình trạng rồng rắn xếp hàng chờ đợi quá lâu để làm thủ tục, Vietjet, Bamboo Airways đã mở dịch vụ thu thêm 100.000-140.000 đồng tùy chuyến đối với hành khách muốn làm thủ tục nhanh ở sân bay Tân Sơn Nhất. Tuy nhiên, dịch vụ này chỉ áp dụng tại khu vực làm thủ tục của hãng, chưa triển khai ở cửa an ninh, khởi hành và khiến rất nhiều hành khách phản đối.
Thật ra luật pháp và quy định hiện hành không cấm các hãng mở dịch vụ trên nhưng họ không thể tự ý làm khi chưa đăng ký với cơ quan chức năng. Hơn nữa họ mở ra ngay trong thời điểm mà sân bay Tân Sơn Nhất tắc nghẽn, đông nghẹt từ quầy làm thủ tục cho tới đường băng, xếp hàng chờ hạ cánh và cả trong ống lồng thì lại gây không ít phản cảm.
Khi mà ngày nào khách cũng vạ vật bởi hoãn, hủy chuyến thì lẽ ra các hãng phải làm sao để bớt phiền lòng hành khách chứ không phải nghĩ cách thu thêm như thế.
Người ta đang tự hỏi công bằng ở đâu khi hành khách mua vé hạng sang, thương gia hay giá cao lại phải chịu “đồng hạng” với khách khác chỉ để hãng kiếm thêm tiền? Sòng phẳng chỗ nào nếu như mua cùng hạng vé chỉ bỏ ít tiền lại đối xử ngược nhau? Nếu như hàng chục hay cả trăm khách chọn dịch vụ ưu tiên thì còn gì là ưu tiên và thu tiền thêm hay không có như nhau? Đấy là chưa kể chỉ ưu tiên ở quầy của hãng còn ra cửa an ninh và soi chiếu rồi cũng ùn ứ như cũ!
Hơn tháng nay, vé đã cao, dịch vụ đã quá tải và hành khách đã quá vất vả vì không ít chuyến thực sự là hành…khách. Cứ cho là một mình hãng không thể giải quyết tất cả hay xử lý trong thời gian ngắn vì còn phụ thuộc vào sân bay và điều hành chung khi mà hạ tầng hàng không đang quá tải.
Tuy nhiên, điều mà khách hàng cần có là làm thế nào để họ được phục vụ tốt hơn, bớt những giờ dài khổ sở chen chúc (trong phạm vi các hãng có thể làm được) chứ không phải chỉ chăm chăm thu thêm tiền, bổ vào giá vé đã cao ngất ngưởng. Đó cũng chính là nguyên nhân hành khách bức xúc với dịch vụ này và Cục Hàng không phải “tuýt còi” sớm.
Hành khách cũng có quyền đòi hỏi các hãng nâng chất lượng phục vụ khách đồng đều, ở các loại vé ngang nhau chứ không phải đẻ ra những dịch vụ mang tính 'thu thêm' như vậy.
Khi chưa thể làm được điều đó, chưa thể đem đến cho khách hàng những dịch vụ tốt hơn vì cả lý do chủ quan lẫn khách quan thì đừng tạo ra những bất công khác. Hãng hàng không làm như vậy, dù có biện hộ là đem đến nhiều dịch vu cho khách lựa chọn nhưng thật ra chỉ làm giảm đi giá trị dịch vụ họ đang có và ảnh hưởng đến hình ảnh hãng gây dựng lâu nay.
Muốn tồn tại lâu dài, kinh doanh phát triển và tạo dựng thương hiệu tốt đẹp hãng nào cũng nên sòng phẳng và công bằng với khách. Còn ngược lại, chính họ chứ không ai tự làm tổn hại chính mình, điều tối kị với bất kì dịch vụ nào.