Đừng đốn cây xanh khi cải tạo công viên bến Bạch Đằng
Để chỉnh trang, cải tạo công viên bến Bạch Đằng (quận 1), UBND TPHCM đã đồng ý cho Sở Xây dựng TPHCM được đốn bỏ, di dời nhiều cây xanh. Sự việc này khiến nhiều người dân trong khu vực quan tâm, lo rằng sẽ mất đi khoảng không gian xanh vốn đã ít ỏi.
Cụ thể, Sở Xây dựng TPHCM sẽ tiến hành đốn bỏ, di dời 178 xây xanh, trong đó có 140 cây bóng mát, 38 cây kiểng. Theo phương án thiết kế kỹ thuật của Sở Xây dựng TPHCM, diện tích được cải tạo của công viên bến Bạch Đằng là hơn 8.000m2 gồm hệ thống lối đi, đường dạo, sân bãi, cây xanh, hệ thống chiếu sáng, hệ thống tưới nước di động... Hiện tại, Sở Xây dựng đã hoàn thành việc khảo sát, đo vẽ hiện trạng để chuẩn bị thiết kế thi công.
Công viên bến Bạch Đằng nằm trên trục đường Tôn Đức Thắng (quận 1, TPHCM), có chiều dài 1,3km và rộng 23.400m2, có hàng trăm cây cổ thụ lâu năm, với đường kính lớn, tỏa bóng râm. Đây là khu vực nhiều người dân sống xung quanh, khách du lịch thường xuyên đến dạo mát, vui chơi và tập thể dục. Do đó, khi được biết hàng cây xanh sẽ bị chặt bỏ để cải tạo công viên, nhiều người dân tỏ ra tiếc nuối và mong muốn cơ quan chức năng có phương án phù hợp hơn và vẫn giữ lại mảng xanh. Bởi để cây phát triển, có thể tỏa bóng mát phải mất rất nhiều năm, công sức để nuôi dưỡng, chăm sóc, trong khi TPHCM đang thiếu hệ thống mảng xanh trầm trọng.
Chị Trần Thị Phương (ngụ đường Ngô Đức Kế, quận 1) cho biết: “Tôi thường đi dạo và tập thể dục mỗi sáng quanh công viên Bạch Đằng. Nếu đốn hạ các cây cổ thụ, tôi nghĩ không hợp lý, không gian sẽ trơ trụi, nên các cơ quan chức năng cần tính toán lại”.
Anh Hoàng Văn Bạch (một cư dân sống gần bến Bạch Đằng, quận 1) cũng băn khoăn: “Tôi sống ở đây từ nhỏ, thường xuyên tập thể dục, dạo mát tại đây. Nay thành phố có phương án chuẩn bị di dời các cây cổ thụ, tôi thấy tiếc lắm. Tôi nghĩ, nên thiết kế công viên dựa trên vị trí cây xanh sẵn có, không nên đốn hạ hoặc di dời”.
Cải tạo, chỉnh trang công viên bến Bạch Đằng để sạch đẹp, khang trang hơn là cần thiết. Nhưng chỉ nên cải tạo ở những phần xuống cấp, hư hỏng và xây dựng không gian công viên dựa trên mảng xanh sẵn có. Công viên bến Bạch Đằng mang tính lịch sử rất lớn nên cần hài hòa giữa không gian văn hóa lịch sử với không gian xanh.
Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/dung-don-cay-xanh-khi-cai-tao-cong-vien-ben-bach-dang-735489.html