Dùng đơn thuốc của đồng nghiệp chữa đau lưng, người đàn ông xuất huyết tiêu hóa nằm viện cả tháng
Tâm lý ngại tới bệnh viện, tự chẩn đoán và mua thuốc sử dụng khiến nhiều bệnh nhân 'dở khóc, dở cười' khi mắc thêm nhiều bệnh nguy hiểm sau khi dùng thuốc.
Dù Bộ Y tế đã có quy định về mua, bán thuốc kê đơn nhưng hiện nay người dân vẫn có thói quen tự chẩn đoán bệnh và tự ý mua thuốc điều trị bệnh.
Đáng chú ý, rất nhiều người dân tự ý mua và sử dụng các loại thuốc kháng sinh, thuốc kê đơn, thuốc giảm đau… khi mắc bệnh.
Các bác sĩ nhận định, việc tự ý sử dụng thuốc đặc biệt là thuốc kê đơn rất nguy hiểm và có thể để lại nhiều hệ lụy tới sức khỏe.
Tự làm bác sĩ, nhiều bệnh nhân nhận cái kết 'đắng'
Anh Nguyễn Trọng Đại (33 tuổi, ở Quận 3, TPHCM) chia sẻ, anh thường xuyên bị đau lưng, tuy nhiên do tâm lý ngại tới bệnh viện nên anh thường tự mua thuốc giảm đau về uống.
"Chỗ làm của tôi có anh đồng nghiệp cũng bị đau lưng giống như tôi. Do tính chất công việc khá bận rộn cộng thêm việc tới bệnh viện thăm khám rất mất thời gian nên tôi đã lấy đơn thuốc của đồng nghiệp tới nhà thuốc gần nhà mua và sử dụng luôn", anh Đại cho hay.
Anh Đại nói, thời gian đầu, "thuốc rất được bệnh", uống 1 - 2 liều là đỡ hẳn, khoảng 2 ngày sau là hết đau hẳn. Nhưng không hiểu sao càng sử dụng thuốc càng không có tác dụng.
"Dù uống thuốc đều đặn nhưng cơn đau của tôi không dứt, thậm chí cơn đau còn dữ dội hơn. Nghĩ bụng do thuốc sử dụng quá lâu nên cơ thể bị lờn thuốc nên tôi quyết định qua nhà thuốc khác để mua thuốc về điều trị", anh Đại chia sẻ.
Gần đây bệnh của anh Đại lại tái phát, như một thói quen, để cắt cơn đau anh Đại đã mua thuốc giảm đau uống. Cơn đau lập tức biến mất, tuy nhiên, 2 ngày sau anh Đại bắt đầu xuất hiện tình trạng chóng mặt, hoa mắt, đại tiện phân màu đen.
Lại tiếp tục ra nhà thuốc mua thuốc, anh Đại được nhân viên nhà thuốc kê lại đơn cũ kèm theo một số thuốc mới, yêu cầu uống trong 5 ngày. Sau uống thuốc tình trạng bệnh của anh không những không thuyên giảm mà còn nặng hơn.
Cuối cùng anh Đại quyết định tới bệnh viện khám. "Các bác sĩ chẩn đoán tôi bị xuất huyết tiêu hóa do loét hành tá tràng. Tôi đã được các bác sĩ tiến hành can thiệp cầm máu cấp cứu, nằm điều trị tại bệnh viện hơn 2 tuần mới hồi phục", anh Đại kể.
Cũng như anh Đại, hiện nhiều bệnh nhân bị đau nhức xương khớp có thói quen tự ý mua thuốc điều trị không theo toa bác sĩ mà không biết rằng việc sử dụng các loại thuốc này tuy hiệu quả nhanh nhưng về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến nhiều bộ phận khác trong cơ thể.
Điển hình là chị Hoàng Kim Ngân (28 tuổi, ở Quận 12, TPHCM). Chị Ngân thường xuyên tự mua thuốc giảm đau để cắt cơn đau khớp gối. Sau 3 năm, cơn đau khớp gối của chị Ngân tăng dần, không tự đứng lên, ngồi xuống. Gia đình đưa chị Ngân đến bệnh viện thăm khám, phát hiện chị Ngân bị tràn dịch khớp gối.
"Do thời gian tự ý sử dụng thuốc giảm đau lâu, dạ dày tôi bị viêm loét nặng phải nhập viện theo dõi, điều trị kết hợp 2 bệnh", chị Ngân tâm sự.
Bệnh nhân tự dùng thuốc gây khó khăn cho điều trị, kéo dài thời gian nằm viện
BSCK II Kiều Mạnh Hà - Chủ nhiệm khoa Thần kinh, Bệnh viện Quân y 7A, (TPHCM) cho biết, hiện nay nhiều người dân khi xuất hiện các triệu chứng như sốt, đau đầu, mệt mỏi, phù nề, dị ứng... sẽ tự chẩn đoán bệnh và tự ra nhà thuốc mua thuốc điều trị. Người bệnh thường có tâm lý ngại đi khám ở các cơ sở y tế nên tự ý đi mua thuốc uống không theo đơn của bác sĩ.
"Đáng nói, đa phần các nhân viên nhà thuốc đều tự chẩn bệnh, kê đơn cho bệnh nhân. Việc sử dụng thuốc kháng sinh không qua thăm khám, kê đơn của bác sĩ chuyên khoa, không uống đúng chỉ định, liều lượng và tự ý chuyển loại thuốc… là những nguyên nhân làm cho vi khuẩn không bị tiêu diệt hoặc ngăn chặn dẫn đến điều trị thuốc kháng sinh không còn tác dụng", Chủ nhiệm khoa Thần kinh, Bệnh viện Quân y 7A cho hay.
Bác sĩ Hà chia sẻ, thực tế, bệnh nhân tự dùng thuốc kháng sinh tại nhà không thuyên giảm mới vào viện gây khó khăn cho các bác sĩ trong lựa chọn kháng sinh điều trị và kéo dài thời gian nằm viện.
Đối với các trường hợp có bệnh lý xương khớp, việc sử dụng thuốc giảm đau phải có chỉ định của bác sĩ. Điều này nhằm đảm bảo an toàn, phù hợp và hiệu quả cho người bệnh. Đối với các bệnh nhân cao tuổi, nhiều bệnh kèm, nếu lạm dụng thuốc giảm đau, nguy cơ gặp tương tác thuốc và các phản ứng có hại của thuốc cao.
Bác sĩ Hà khuyến cáo, để phòng ngừa kháng thuốc kháng sinh, người dân khi có biểu hiện sốt không nên tự ý mua thuốc sử dụng mà cần đến cơ sở y tế để thăm khám, xác định tình trạng bệnh do virus, vi khuẩn, rối loạn chuyển hóa,… để có chỉ định dùng thuốc thích hợp.
"Khi được kê đơn thuốc, người bệnh cần tuân thủ uống đúng liều lượng, thời gian, không tự ý bỏ thuốc sớm hay kéo dài. Lưu ý, trong quá trình dùng thuốc kháng sinh nếu có bất thường, người bệnh phải đến bệnh viện tái khám để bác sĩ thăm khám, điều chỉnh liều lượng kháng sinh. Tuyệt đối không tự ý thay đổi, mua thuốc ngoài hiệu thuốc nhằm tránh các biến chứng liên quan đến lạm dụng thuốc giảm đau như biến chứng tim mạch, gan - thận, nội tiết, xương khớp và biến chứng thần kinh...", bác sĩ Hà nhấn mạnh.