Dùng hành tây 'xua đuổi' cúm: Bác sĩ nói gì?

Hành tây không chỉ là thực phẩm được nhiều người ưa chuộng mà thời gian này còn được mạng xã hội lan truyền với công dụng có thể xua đuổi virus cúm.

Thực hư dùng hành tây xua đuổi cúm

Mới đây, một bài viết chia sẻ về cách "xua đuổi" virus cúm bằng củ hành tây đang thu hút nhiều sự quan tâm của mọi người với hàng nghìn lượt bình luận và chia sẻ.

Theo đó, tài khoản N.X.D cho hay, có thể đuổi virus cúm bằng việc trồng củ hành tây trong nước, đặt rải rác khắp nhà.

Người trên trích dẫn câu chuyện: “Năm 1919, thời điểm diễn ra đại dịch cúm nghiêm trọng nhất trong lịch sử nhân loại, theo ước tính, khoảng 50-100 triệu người đã tử vong. Đại dịch cúm được giới y học xếp ngang hàng với trận dịch hạch làm chết gần 2/3 số dân châu Âu vào thế kỷ 14. Đối với giới y học lúc này, dịch cúm là cơn ác mộng không gì có thể khống chế được.

Tuy nhiên, khi đến thăm và khảo sát tại một làng quê, vị bác sĩ thấy một gia đình nông dân vẫn sống khỏe mạnh trong khi nhiều người xung quanh đã nhiễm bệnh và chết do cúm.

Khi được hỏi về bí quyết phòng chống cúm, người nông dân đã chỉ vào củ hành tây để trên bàn. Mỗi phòng đều có một củ như vậy. Không thể tin vào điều đó, người bác sĩ đã xin củ hành tây về soi dưới kính hiển vi. Thật ngạc nhiên, bên trong củ hành bám đầy siêu vi trùng.

Điều đó lý giải vì sao gia đình bác nông dân đều sống khỏe mạnh. Đơn giản vì củ hành tây đã hút hết siêu vi trùng vào trong nó nên những người trong gia đình không còn bị nhiễm bệnh".

Bài chia sẻ trên mạng xã hội về tác dụng của củ hành tây (Ảnh chụp màn hình)

Bài chia sẻ trên mạng xã hội về tác dụng của củ hành tây (Ảnh chụp màn hình)

Trước chủ đề đang được mọi người bàn tán xôn xao và chia sẻ rầm rộ, chia sẻ trên VietNamNet, Phó giáo sư Đỗ Văn Dũng - Trưởng khoa Y tế công cộng, Trường Đại học Y Dược TPHCM khẳng định, phương pháp trên không chính xác, không có chứng cứ khoa học.

Bác sĩ Dũng cho biết, trước đó, đã có nhiều người chia sẻ về cách làm này nhưng tài liệu y khoa đều không ghi nhận. Vì vậy, việc trồng củ hành tây trong nhà để hút cúm hoàn toàn không có tác dụng đối với con người.

“Ngay cả việc xông bồ kết, xông tinh dầu trong nhà để xua đuổi virus cúm cũng không có tác dụng”, vị chuyên gia này nói.

Theo Phó giáo sư Đỗ Văn Dũng, dịch cúm về cơ bản không đáng lo sợ. Hiện nay, số ca mắc cúm của Mỹ hay Anh tăng là ngẫu nhiên vì đang mùa đông. Các quốc gia ở Đông Nam Á đều không tăng nhiều. Đến thời điểm này, Nhật Bản có tỷ lệ mắc cao nhất, riêng tuần cuối năm 2024 đã ghi nhận hơn 300.000 ca mắc cúm nhưng bối cảnh dịch tễ cũng khác các quốc gia Đông Nam Á.

Khi dịch cúm xảy ra, điều đáng lo ngại nhất đó là xuất hiện biến chủng mới nhưng qua theo dõi, các nhà khoa học chưa thấy dấu hiệu bất thường.

Tỷ lệ biến chứng nặng, tử vong do cúm rất thấp ở người khỏe, trẻ nên nhóm này bị cúm chỉ cần nghỉ ngơi, uống nhiều nước, đủ dinh dưỡng sẽ khỏi, không cần uống thuốc kháng virus vì có thể gây đề kháng thuốc, tác dụng phụ và tạo khan hiếm thuốc trên thị trường. Thực tế, thuốc kháng virus chỉ có lợi những người có nguy cơ và biểu hiện nhiễm cúm nặng.

Người có bệnh nền, người cao tuổi khi mắc cúm dễ gặp nguy hiểm hơn. Nhóm đối tượng này được khuyến cáo có triệu chứng hô hấp cần đi viện ngay. Nếu sử dụng thuốc kháng virus, bệnh nhân giảm 80% nguy cơ tử vong.

Người bệnh cúm không tự dùng kháng sinh, đặc biệt là Corticoid vì có nhiều bằng chứng cho thấy tác hại khó lường.

Số người mắc cúm đang có xu hướng gia tăng (Ảnh minh họa)

Số người mắc cúm đang có xu hướng gia tăng (Ảnh minh họa)

Phòng chống cúm thế nào?

Để chủ động phòng chống cúm mùa, bảo vệ sức khỏe của bản thân, gia đình và cộng đồng, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện tốt các nội dung sau:

- Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất che bằng khăn vải hoặc khăn tay hoặc khăn giấy dùng một lần hoặc ống tay áo, để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp.

- Đeo khẩu trang tại nơi tập trung đông người, trên các phương tiện giao thông công cộng; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay (nhất là sau khi ho, hắt hơi). Không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng.

- Hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh khi không cần thiết.

- Tiêm vắc xin phòng bệnh, phòng cúm mùa.

- Thực hiện lối sống lành mạnh; ăn đủ chất dinh dưỡng để ngăn ngừa nhiễm vi rút cúm; tăng cường vận động thể lực, nâng cao sức khỏe.

- Khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi, không tự ý làm xét nghiệm và mua thuốc điều trị tại nhà, mà cần liên hệ với cơ sở y tế để được tư vấn, khám và xử trí kịp thời.

Thúy Ngà

Nguồn Gia Đình VN: https://giadinhonline.vn/dung-hanh-tay-xua-duoi-cum-bac-si-noi-gi-d204470.html