Bác sĩ nói về tình hình nhiễm cúm mùa và một số biện pháp phòng tránh

Trước tình trạng cúm mùa ngày càng lan rộng trên thế giới và Việt Nam, Chuyên trang Sinh Viên Việt Nam, Báo Tiền Phong xin giới thiệu bài viết của Tiến sĩ, Bác sĩ Nguyễn Tuấn Sơn - Giảng viên bộ môn Tai mũi họng, Trường Đại học Y Dược - ĐHQG Hà Nội.

Tại Nhật Bản, theo phân tích mới nhất của Bộ Y tế về dữ liệu thu thập được từ 5.000 phòng khám cho thấy từ ngày 23 đến 29/12, đã có 317.812 người được chẩn đoán mắc bệnh cúm, cao nhất trong lịch sử theo dõi từ năm 1999. Từ ngày 2/9/2024 – 26/1/2025, Nhật Bản báo cáo khoảng 9,5 triệu ca cúm mùa, chủ yếu do cúm A gây ra, nhưng nguy cơ cúm B bùng phát vẫn tồn tại. Các thành phố Tokyo, Hokkaido, Osaka và Fukuoka là các khu vực bị ảnh hưởng nhất của đợt bùng phát dịch cúm mùa hiện tại.

Ngày 7/1/2025, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng thông báo rằng tỷ lệ mắc bệnh viêm hô hấp cấp đang tăng cao, tuy nhiên chưa phát hiện tác nhân gây bệnh mới và chưa ban hành cảnh báo quốc tế. Theo đó, các tác nhân gây bệnh hô hấp được đề cập gồm vi rút cúm mùa, RSV và các vi rút phổ biến khác như hMPV, mycoplasma pneumoniae.

Theo Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ (CDC Hoa Kỳ) cho biết hoạt động của bệnh cúm theo mùa vẫn ở mức cao và tiếp tục gia tăng trên khắp cả nước. Phần lớn các trường hợp ở Hoa Kỳ là do cúm A, chủ yếu là các chủng H3N2 và H1N1. Cúm A có xu hướng nghiêm trọng hơn ở người lớn và tấn công sớm hơn cúm B, nhưng cúm B có thể bùng phát vào cuối mùa. Cúm theo mùa là một bệnh đường hô hấp phổ biến và dễ lây lan. Tại Hoa Kỳ, hoạt động của cúm có xu hướng đạt đỉnh vào khoảng tháng 12 đến tháng 2. Tuy nhiên, các chuyên gia cho biết mùa cúm 2024-2025 bắt đầu muộn và vẫn chưa đạt đỉnh.

Tại Trung Quốc, theo dữ liệu giám sát của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Trung Quốc, các nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính có xu hướng gia tăng. Các tác nhân phổ biến như virus cúm theo mùa, RSV, hMPV....

Nhìn chung, bệnh viêm hô hấp cấp trên thế giới tăng theo mùa, chưa phát hiện tác nhân gây bệnh mới và WHO chưa có cảnh báo gì về tình hình này.

Năm 2024, theo thống kê của Bộ Y tế, Việt Nam ghi nhận 289.876 ca cúm mùa, 8 ca tử vong. Số ca nhiễm giảm 17,9% so với năm 2023 (353.108 ca), nhưng số tử vong tăng 5 trường hợp. Chuyên gia khuyến cáo, những người có bệnh nền, cao tuổi, người có hệ miễn dịch suy giảm cần đặc biệt cẩn trọng khi nhiễm cúm.

Tại Thành phố Hồ Chí Minh, số ca viêm hô hấp ghi nhận quanh năm, có xu hướng tăng vào các tháng cuối năm, nhưng đã giảm trong 5 tuần đầu năm (Nguồn: Trung tâm kiểm soát bệnh tật TPHCM).

Tại Hà Nội trong năm 2024 đã ghi nhận 7133 ca mắc, tháng 1/2025 cũng đã có hơn 800 trường hợp mắc cúm được ghi nhận, không có ca bệnh tử vong (Nguồn: https://soyte.hanoi.gov.vn//tin-tuc-su-kien/).

Tiến sĩ, Bác sĩ Nguyễn Tuấn Sơn - Giảng viên bộ môn Tai mũi họng, Trường Đại học Y Dược - ĐHQG Hà Nội.

Tiến sĩ, Bác sĩ Nguyễn Tuấn Sơn - Giảng viên bộ môn Tai mũi họng, Trường Đại học Y Dược - ĐHQG Hà Nội.

Một số biện pháp phòng tránh nhiễm cúm mùa

Dự phòng nhiễm cúm mùa rất quan trọng để bảo vệ sức khỏe cá nhân và cộng đồng, đặc biệt trong giai đoạn chuyển mùa, thời tiết thay đổi. Dưới đây là các phòng giải pháp:

+ Giữ vệ sinh cá nhân

Rửa tay thường xuyên với xà phòng. Khi nghi ngờ tiếp xúc với dịch tiết của người bị cúm, nên sử dụng xà phòng diệt khuẩn hoặc dung dịch sát khuẩn như dung dịch cồn rửa tay nhanh…

Tránh đưa tay lên mắt, mũi, miệng. Rửa mũi xúc họng hàng ngày bằng nước muối sinh lý. Nếu nghi ngờ tiếp xúc với người mắc cúm, nên xịt mũi và xúc họng bằng các dung dịch có tính chất diệt khuẩn được Bộ Y tế khuyến cáo.

Đeo khẩu trang khi đến nơi đông người, nhất là khu vực bệnh viện, phòng khám. Che mũi miệng khi ho hoặc hắt hơi.

+ Giữ khoảng cách và hạn chế tiếp xúc

Tránh tiếp xúc gần với người có triệu chứng cúm (ho, sốt, thở hơi, sổ mũi). Nếu bị bệnh nên nghỉ ngơi tại nhà để tránh lây lan cho cộng đồng.

Tiến sĩ, Bác sĩ Nguyễn Tuấn Sơn nhấn mạnh việc tiêm Vaccine cúm là cần thiết đối với những người có bệnh lý nền để giảm nguy cơ mắc các bệnh cúm mùa.

Tiến sĩ, Bác sĩ Nguyễn Tuấn Sơn nhấn mạnh việc tiêm Vaccine cúm là cần thiết đối với những người có bệnh lý nền để giảm nguy cơ mắc các bệnh cúm mùa.

+ Tăng cường sức đề kháng

Thực hiện lối sống lành mạnh; ăn thức ăn đủ chất dinh dưỡng, tăng cường hoa quả có chứa vitamin C (cam, bưởi,…) để nâng cao sức khỏe ngăn ngừa nhiễm virus cúm. Uống đủ nước, tập thể dục thường xuyên giúp tăng cường cường hệ miễn dịch, phòng chống bệnh tật. Ngủ đủ giấc, hạn chế căng thẳng.

+ Vệ sinh môi trường sống

Thường xuyên lau nhà cửa, khử trùng các bề mặt thường xuyên tiếp xúc như tay nắm cửa, cầu thang,… Đảm bảo không gian sống và làm việc thông thoáng, tránh để môi trường ẩm thấp tạo điều kiện cho virus phát triển.

Bác sĩ Sơn khuyên người trẻ nên ngủ đủ giấc, hạn chế thức khuya để cơ thể được nghỉ ngơi, tránh suy giảm sức đề kháng.

Bác sĩ Sơn khuyên người trẻ nên ngủ đủ giấc, hạn chế thức khuya để cơ thể được nghỉ ngơi, tránh suy giảm sức đề kháng.

+ Tiêm vắc-xin phòng cúm mùa

Vắc-xin giúp giảm nguy cơ mắc bệnh và biến chứng nguy hiểm, đặc biệt ở người già, trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai và người có bệnh lý nền. Tháng 9, 10 hằng năm được cho là thời điểm thích hợp tiêm phòng cúm, mục đích là để cơ thể có miễn dịch với bệnh này trước khi thời tiết chuyển sang mùa đông xuân.

+ Đi khám sớm khi có triệu chứng nghi ngờ

Nếu có dấu hiệu như sốt cao, ho nhiều, đau đầu, đau mỏi người, khó thở, cần đến các cơ sở y tế gần nhất để được nhân viên y tế thăm khám, làm test sàng lọc.

Điều trị các bệnh nền ổn định phòng nguy cơ diễn biến nặng khi bị nhiễm cúm đồng thời không tự ý dùng thuốc kháng sinh hoặc thuốc kháng virus khi chưa có chỉ định của bác sĩ vì tiềm ẩn nguy cơ tai biến do sử dụng thuốc không đúng chỉ định.

Nguyễn Tuấn Sơn

Nguồn SVVN: https://svvn.tienphong.vn/bac-si-noi-ve-tinh-hinh-nhiem-cum-mua-va-mot-so-bien-phap-phong-tranh-post1715759.tpo