Đừng hiểu sai rồi kỳ thị
Khi mỗi người dân hiểu đúng về tự kỷ, ngừng kỳ thị và mở lòng đón nhận sự khác biệt, xã hội mới thực sự bao dung và văn minh trong xử sự với trẻ tự kỷ.

Gia đình có trẻ tự kỷ rất cần sự thấu hiểu và chia sẻ của cộng đồng (ảnh minh họa)
"Mỗi đứa trẻ là một món quà". Nhưng không ít gia đình đón nhận "món quà" ấy với nhiều thử thách. Nói vậy bởi tôi được chứng kiến một gia đình ở thị trấn Cẩm Giang (Cẩm Giàng, Hải Dương) có một cậu bé bụ bẫm, kháu khỉnh nhưng bị tự kỷ.
Mắc tự kỷ, nụ cười của cậu bé thật hiếm thấy. Thay vào đó là ánh mắt lơ đãng, tiếng nói ngắt quãng và những hành vi kỳ lạ khiến người ngoài không khỏi ái ngại. Nhưng bố mẹ của cậu bé vẫn lặng thầm bên con suốt hành trình dài. Họ chia sẻ rằng, điều khó khăn nhất không phải là những ngày vất vả đi hết bệnh viện này, trung tâm nọ mà đó là cách cùng còn vượt qua sự kỳ thị của cộng đồng.
Ở Hải Dương và trên khắp cả nước, ngày càng có nhiều trẻ em được phát hiện mắc chứng tự kỷ. Dù chưa có số liệu chính thức và được cập nhật thường xuyên nhưng dễ dàng nhận thấy số trẻ đến các trung tâm can thiệp sớm, lớp học chuyên biệt hay những buổi tư vấn của bác sĩ tâm lý để chữa bệnh tự kỷ tại TP Hải Dương ngày một đông. Đằng sau mỗi đứa trẻ đặc biệt ấy là một gia đình đang gồng gánh cả chặng đường đầy khó khăn, áp lực.
Một trong những rào cản lớn nhất mà các gia đình phải đối mặt không nằm ở sự khác biệt của con trẻ mà đến từ nhận thức sai lệch của cộng đồng. Không ít người vẫn cho rằng trẻ tự kỷ là “bị bệnh thần kinh” hay “do cha mẹ không biết dạy con”. Những cái nhìn lạ lẫm, những câu hỏi vô ý, những lời xì xào tưởng như nhỏ nhặt ấy lại là vết dao cứa vào lòng những bậc làm cha, làm mẹ. Chắc hẳn trong số những cha mẹ có con tự kỷ không ít lần đã chọn cách rút lui khỏi đám đông, né tránh các cuộc gặp mặt, không dám dẫn con đi chơi hay đến trường chỉ vì muốn né tránh những tổn thương vô hình ấy.
Sự thật thì tự kỷ không phải bệnh, càng không phải bản án. Tự kỷ là một rối loạn phát triển thần kinh bẩm sinh, với mức độ và biểu hiện khác nhau ở mỗi người. Hành trình đồng hành cùng con của cha mẹ có con tự kỷ chưa bao giờ dễ dàng. Nhiều cha mẹ đã từng đưa con đi khắp nơi để điều trị nhưng chỉ sau vài tháng phải quay về vì không kham nổi chi phí. Lớp học can thiệp sớm tại TP Hải Dương gần đây đã có nhưng số lượng giáo viên và lớp học còn hạn chế. Trung tâm tư nhân thì học phí cao, còn các lớp công lập chưa đủ điều kiện để tiếp nhận và dạy theo nhu cầu đặc biệt cho trẻ tự kỷ.
Tuy khó khăn chồng chất là thế nhưng sự hỗ trợ từ nhà nước vẫn chưa nhiều. Trẻ tự kỷ vẫn chưa có mã bệnh án riêng trong hệ thống y tế, cũng chưa được công nhận rộng rãi là đối tượng khuyết tật để được hưởng trợ cấp.
Thay đổi nhận thức của cộng đồng rất cần thiết. Khi mỗi người dân hiểu đúng về tự kỷ, ngừng kỳ thị và mở lòng đón nhận sự khác biệt, xã hội mới thực sự trở nên bao dung và văn minh với trẻ tự kỷ. Khi trường học điều chỉnh chương trình, có giáo viên hỗ trợ trẻ đặc biệt, các em mới có cơ hội học tập và hòa nhập. Khi y tế, giáo dục đồng hành thì trẻ tự kỷ sẽ không còn bị bỏ lại phía sau.
Mẹ cậu bé ở thị trấn Cẩm Giang sau một thời gian dài đằng đẵng điều trị cho con gần đây chia sẻ với tôi niềm vui khi con chị đã biết chỉ tay lên bầu trời và nói "Con thích ngôi sao…”. Đó là lần đầu tiên cậu bé nói được một câu hoàn chỉnh để diễn đạt điều mình mong muốn. Mẹ cậu bé đã khóc. Chị khóc vì hạnh phúc. Một hạnh phúc nhỏ nhoi nhưng đủ để níu giữ niềm tin giúp chị và gia đình tiếp tục đồng hành với con.
Tôi tin rằng mỗi đứa trẻ tự kỷ là một "vì sao". Có thể chưa tỏa sáng rực rỡ nhưng nếu đủ kiên nhẫn, đủ yêu thương, chúng ta sẽ thấy được ánh sáng của các em. Đừng để bất kỳ "vì sao" nào phải tắt lịm trong cô đơn và lãng quên vì sự kỳ thị.
Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/dung-hieu-sai-roi-ky-thi-408532.html