Đúng hướng nhưng chưa đủ mức

Dù không đạt được kết quả cụ thể nào, hội nghị quốc tế về cuộc chiến giữa lực lượng Hamas và Israel do Ai Cập đề xướng, tổ chức vẫn là một thành quả ngoại giao quan trọng của Ai Cập.

Ai Cập là quốc gia Arab đầu tiên ký kết hiệp ước hòa bình và thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức với Israel (năm 1979), có biên giới chung với cả Israel và Dải Gaza. Vì thế, Ai Cập có thể đóng vai trò quan trọng trong việc hòa giải giữa Israel và Hamas cũng như cứu trợ nhân đạo cho người dân ở Dải Gaza.

Hội nghị đưa ra tuyên bố chung nhưng văn kiện này không bao hàm quyết định chung nào của các thành viên tham dự hội nghị mà chỉ tổng hợp quan điểm của các bên tham gia, ngoài các quốc gia Arab, Liên hợp quốc và một số thành viên Liên minh châu Âu (EU) tham dự hội nghị.

Cách thể hiện, mức độ chi tiết và trực tiếp có khác nhau nhưng nhìn chung các bên tham dự hội nghị ở Cairo đều kêu gọi Israel và Hamas nhanh chóng chấm dứt chiến sự, yêu cầu cả hai phía phải bảo đảm an toàn cho dân thường và tạo điều kiện thuận lợi cần thiết cho công việc cứu trợ nhân đạo ở Dải Gaza.

Tất cả đều có nhận thức rằng chỉ có đàm phán hòa bình mới vừa có thể chấm dứt được chiến tranh giữa Israel và Hamas, vừa ngăn chặn những cuộc chiến tranh mới như thế lại bùng phát trong tương lai.

Hội nghị này thể hiện sự quan ngại sâu sắc của thế giới về leo thang chiến sự ở Dải Gaza và nguy cơ chiến tranh lây lan ra cả những vùng khác nữa ở khu vực Trung Đông.

Sự bất đồng quan điểm giữa các bên tham dự hội nghị vừa rất rõ rệt vừa mang tính nguyên tắc cơ bản. Một số ủng hộ Israel và lên án Hamas, trong khi số khác ủng hộ Hamas và phê phán Israel.

Một số bên tham dự hội nghị gắn việc chấm dứt cuộc chiến tranh hiện tại giữa Hamas và Israel với sự cần thiết cấp bách phải khởi động lại tiến trình đàm phán hòa bình giữa Israel và Palestine.

Các quốc gia Arab nhấn mạnh mục tiêu cuối cùng là phải có giải pháp chính trị hòa bình giữa Israel và Palestine bao hàm việc hình thành Nhà nước Palestine độc lập, có chủ quyền cùng tồn tại hòa bình với Nhà nước Israel, trong khi đại diện của các nước trong khối phương Tây khẳng định việc bảo đảm an ninh cho Israel nhưng lại không đề cập gì đến “Giải pháp hai nhà nước” này.

Có thể thấy hội nghị đã đi đúng hướng nhưng tiến triển chưa đủ mức. Đúng hướng ở đây là phải thúc đẩy hòa đàm giữa Hamas và Israel nói riêng, cũng như giữa Palestine và Israel nói chung để có được hòa bình và an ninh bền vững ở khu vực Trung Đông. Bởi chỉ như thế mới có thể ngăn chặn chiến tranh lại bùng phát.

Đúng hướng ở đây là làm cho các bên liên quan thấy rõ trách nhiệm của họ đối với hòa giải và hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực Trung Đông. Đúng hướng ở đây là phải bảo đảm an toàn cho dân thường và khẩn trương cứu trợ nhân đạo ở Dải Gaza.

Nhưng hội nghị này lại chưa đủ mức vì sự bất đồng quan điểm giữa các bên tham dự vẫn còn rất sâu rộng, vì Israel và Mỹ cũng như một số đối tác lớn bên ngoài khác không tham dự. Israel và Mỹ liên quan trực tiếp tới mọi giải pháp chính trị hòa bình và các đối tác lớn khác đóng vai trò quyết định trong việc thực thi giải pháp chính trị hòa bình.

Thật ra, hội nghị này không những chỉ chưa đủ mà còn không thể đủ bởi hiện chưa thấy có bất cứ đối tác nào trên thế giới có đủ uy tín, năng lực để thuyết phục và ép buộc Israel và Hamas chịu đi vào hòa đàm với nhau.

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/dung-huong-nhung-chua-du-muc-645830.html