Đừng khởi nghiệp, nếu...

Là diễn giả của nhiều chương trình và làm cố vấn cho nhiều dự án khởi nghiệp nhưng anh Trần Thanh Tùng lại thường đưa ra lời khuyên... không nên khởi nghiệp!

Tại buổi ra mắt cuốn sách "Người bình thường không ai khởi nghiệp" của tác giả Trần Thanh Tùng (Tùng BT) mới đây, chúng tôi không khỏi bất ngờ bởi số lượng người tham dự đông đảo.

Khởi nghiệp rất khó, dễ thất bại

"Phải chăng phong trào khởi nghiệp vẫn "đang lên", bất chấp kinh tế khó khăn?" - chúng tôi đặt câu hỏi với tác giả cuốn sách. Trả lời, Tùng BT thừa nhận rất nhiều người, nhất là người trẻ, rất hào hứng với việc khởi nghiệp. Trong đó, nhóm thứ nhất là những người chưa từng khởi nghiệp, muốn bắt đầu hành trình này với quan niệm "phi thương bất phú". Nhóm thứ hai là những người đã khởi nghiệp và thất bại, muốn bắt đầu lại với dự án mới.

"Thông qua cuốn sách này cũng như nhiều lần làm diễn giả cho các chương trình khởi nghiệp, tôi muốn đưa ra thông điệp rằng đừng nên khởi nghiệp bởi rất khó và đa phần thất bại. Chúng ta cứ làm tốt công việc mình đang làm, đang nuôi sống mình cũng là tốt rồi" - anh nhìn nhận.

Theo tác giả "Người bình thường không ai khởi nghiệp", trong bối cảnh mạng xã hội phát triển, các xu hướng thịnh hành (trend) liên tục xuất hiện rồi biến mất. Nhiều người hỏi Tùng BT nên "bắt trend" nào để khởi nghiệp và anh đều trả lời là "không nên". "Nếu bạn đã thấy trend tức là nó đã đạt đỉnh, bạn bước vào thì chỉ có thất bại. Người giỏi phải tạo ra trend hoặc nhìn thấy trend từ khi chưa ai thấy!" - anh lưu ý.

Trong giới khởi nghiệp, Tùng BT nổi tiếng thành công với việc nội địa hóa các "trend" từ nước ngoài, như: cà phê nhai luôn ly, sản phẩm vệ sinh vùng kín cho nam giới, túi chườm đau bụng kinh... nhưng chỉ bán cho khách hàng nam để tặng bạn nữ... Thành công của anh là nhờ nhìn ra xu hướng thị trường sớm.

Còn với những người từng khởi nghiệp thất bại, Tùng BT cho rằng đa số họ sẽ tiếp tục khởi nghiệp bởi rất khó chấp nhận quay lại làm thuê. Theo anh, hầu như không có ai khởi nghiệp một lần là thành công ngay, mà phải trải qua nhiều lần thất bại. Ngay cả khi khởi nghiệp thành công với dự án này thì cũng vẫn có thể thất bại với dự án khác.

Anh Trần Thanh Tùng tại buổi ra mắt cuốn sách “Người bình thường không ai khởi nghiệp”

Anh Trần Thanh Tùng tại buổi ra mắt cuốn sách “Người bình thường không ai khởi nghiệp”

"Người khởi nghiệp thường là người có một chuyên môn cụ thể rồi lên làm quản lý ở nhiều mảng như tài chính, nhân sự, marketing... Khi họ quay lại thị trường lao động thì tuổi đã nhiều, chuyên môn không còn sâu, khả năng học hỏi tiếp thu cũng không tốt như giới trẻ. Điều đó bắt buộc họ phải tiếp tục tìm tòi một mô hình mới để lại làm chủ" - anh đúc kết.

Bản thân Tùng BT cũng từng rời bỏ công việc làm thuê thu nhập cao để khởi nghiệp. Dù nhiều lần thất bại ê chề nhưng anh vẫn tiếp tục con đường này bởi thích "lối sống khởi nghiệp". Đó là cuộc sống "tự do", mà anh miêu tả là được mặc áo thun, quần ngắn đi làm; được lê la thưởng thức các món ăn đường phố. Với việc tiết giảm các nhu cầu, Tùng BT cho rằng anh đã đạt được tự do tài chính, dù tiền không có quá nhiều.

"Tôi biết rõ năng lực bản thân, đó là khả năng quản lý doanh thu không quá 5 tỉ đồng/tháng. Thực sự, những dự án khởi nghiệp của tôi hay của nhiều người chưa đúng với nghĩa start-up, chưa phải là cái gì đó lớn lao có thể thay đổi cả xã hội. Khởi nghiệp với tôi đơn giản là bắt đầu một dự án kinh doanh, dù quy mô nhỏ nhưng quan trọng là phải có kết quả thật, có lời. Nếu phải dừng lại thì thiệt hại chỉ là về mặt kinh tế" - tác giả "Người bình thường không ai khởi nghiệp" bày tỏ.

Dự án ấp ủ

Trong hành trình 16 năm khởi nghiệp, trò chuyện cùng nhiều start-up, Tùng BT nhận ra rằng "không người khởi nghiệp nào bình thường". Để khởi nghiệp thành công, người sáng lập cần có nhiều tố chất đặc biệt, trong đó có cả sự may mắn.

Ngoài kinh doanh giỏi, các doanh chủ còn phải là "bậc thầy" trong việc tự che giấu nỗi bất ổn... Tùng BT cũng từng rơi vào tình trạng "burn out" (hội chứng căng thẳng trong thời gian dài mà không được kiểm soát tốt ở nơi làm việc), rồi bị trầm cảm, rối loạn lo âu và rất vất vả anh mới vượt qua được.

Từ thực tế của chính mình, Tùng BT nhận ra vấn đề sức khỏe tinh thần của người lao động và của chủ doanh nghiệp đang là vấn đề nghiêm trọng nhưng chưa được quan tâm thích đáng. Không khó hiểu vì sao từ khóa "chữa lành" ngày nay trở nên rất "hot", dù nhiều người dị ứng với nó, thậm chí cho rằng giới trẻ ngày nay quá yếu đuối.

"Nguồn lực của tôi vẫn chưa đủ nên chưa thể bắt tay vào lĩnh vực mà tôi muốn thực hiện từ nay đến cuối đời, là cải thiện sức khỏe tinh thần cho mọi người - lĩnh vực đang bị bỏ ngỏ. Rất nhiều người hành nghề với những tên gọi rất "kêu" nhưng chủ yếu để lách việc phải có chứng chỉ hành nghề để hoạt động trong lĩnh vực điều trị tâm lý" - anh nhận xét.

Theo Tùng BT, nhiều người Việt Nam có chuyên môn giỏi trong lĩnh vực cải thiện sức khỏe tinh thần nhưng hầu như chỉ làm thuần chuyên môn. Trong khi đó, nhà nước vẫn chưa có sự quan tâm đầy đủ đến lĩnh vực này - từ xây dựng hành lang pháp lý đến khuyến khích đào tạo nhân lực. Đây sẽ là những vấn đề lớn trong tương lai không xa.

16 năm khởi nghiệp tinh gọn

Trần Thanh Tùng sinh năm 1988 tại TP HCM, hiện là chuyên gia giảng dạy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cho một số chương trình do Sở Khoa học và Công nghệ thành phố tổ chức.

Anh cũng là thành viên ban tổ chức, là mentor khởi nghiệp tiêu chuẩn quốc tế tại cộng đồng cố vấn khởi nghiệp SME Mentoring 1on1; đồng sáng lập các dự án như: Saigon Tếu, Cà phê Monkey in Black, Yêu là đủ Shop, Loli&The Wolf và là host của chương trình Shark Tank "Sau bể cá mập".

Bài và ảnh: NGỌC ÁNH

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/dung-khoi-nghiep-neu-196240714203618661.htm