Đừng mãi trông chờ vào gọi vốn
Doanh nghiệp khởi nghiệp cần chuẩn bị nguồn lực cho mục tiêu dài hạn thay vì cứ đi gọi vốn đầu tư bằng mọi giá
Trong bối cảnh cộng đồng khởi nghiệp (startup) toàn cầu đang chật vật trong "mùa đông gọi vốn", các doanh nghiệp (DN) khởi nghiệp của Việt Nam không chỉ gặp khó khăn về vốn mà còn đối mặt với vấn đề sống còn bởi áp lực cạnh tranh thị trường, xu hướng cắt giảm chi tiêu trong người dân lẫn DN.
Tập trung vào giá trị cốt lõi
Ông Bùi Hoài Nam, nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Công ty Giải pháp quà tặng điện tử UrBox, cho biết năm 2023, rủi ro suy thoái kinh tế đã ảnh hưởng rất nhiều đến các DN là đối tác của UrBox. UrBox là công ty công nghệ hoạt động trong lĩnh vực thương mại điện tử, chuyên về quà tặng số hóa, ra đời năm 2016. "Công ty đã giúp nhiều tổ chức tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, hàng không xây dựng các chương trình chăm sóc khách hàng của họ, tăng hiệu quả kết nối giữa DN với khách hàng, từ đó khách hàng sử dụng dịch vụ nhiều hơn" - ông Nam chia sẻ.
Sau 7 năm, UrBox đã xây dựng được mạng lưới đối tác thương hiệu với hơn 350 nhãn hàng, 1.000 đối tác thương hiệu khác thuộc đủ các nhóm ngành nghề: giải trí, mua sắm, ẩm thực, du lịch - di chuyển... "Là công ty công nghệ nên chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn trong việc có nguồn vốn để phát triển. May mắn là công ty được các quỹ đầu tư tin tưởng rót vốn, giúp chúng tôi có nguồn tài chính để yên tâm nghiên cứu phát triển công nghệ, phổ cập các hoạt động liên quan đến quà tặng điện tử. Công ty đã hoàn thành 2 vòng gọi vốn lớn từ các quỹ đầu tư trong nước và quốc tế: vòng 1 năm 2019 với nhà đầu tư là VinaCapital và Visa; vòng 2 vào năm 2021 với nhà đầu tư là các Touchstone Partners, Quỹ Pavilion Capital đến từ Singapore" - ông Nam tiết lộ.
Trong nửa đầu tháng 5, UrBox ký hợp đồng hợp tác chiến lược với 2 hệ thống bán lẻ lớn tại Việt Nam là Saigon Co.op và MM Mega Market để phát triển quà tặng điện tử (E-Voucher) dành cho tất cả nhóm khách hàng. Khả năng trong nửa cuối tháng 5, UrBox sẽ tiếp tục bắt tay với một DN bán lẻ lớn khác của Việt Nam với cùng mục đích trên.
Thời gian sắp tới, công ty không đặt mục tiêu gọi vốn mà tập trung phát triển các khách hàng mục tiêu. "Việc hợp tác với các DN bán lẻ chính là mảnh ghép quan trọng trong chiến lược đẩy mạnh hiện diện của UrBox trong mảng ngành hàng tiêu dùng FMCG - đặc biệt tại kênh siêu thị. Không chỉ đơn thuần là giải pháp quà tặng, UrBox còn phát triển và mang lại giá trị bền vững cho các DN. Cụ thể, việc ứng dụng E-voucher vào các quy trình chăm sóc khách hàng và chiến dịch bán hàng giúp đáp ứng được đa dạng nhu cầu mua sắm - thanh toán - tặng quà của người tiêu dùng, tối ưu hóa vận hành cho DN" - ông Nam nhấn mạnh.
Tối ưu chi phí, tối đa hiệu quả
Theo báo cáo Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam, năm 2022, tổng mức đầu tư mạo hiểm vào Việt Nam đạt 855 triệu USD, giảm 56% so với năm 2021. Trong đó, vốn đầu tư mạo hiểm vào các công ty startup đạt 634 triệu USD, thông qua 134 thương vụ. Báo cáo cũng cho thấy các thương vụ lớn trị giá hơn 50 triệu USD vào Việt Nam giảm mạnh, đặc biệt vào nửa cuối năm 2022 khi lượng vốn chỉ bằng 35% so với nửa đầu năm. Điều này phản ánh xu hướng nhà đầu tư có thể vẫn rót tiền nhưng với giá trị ít hơn nhiều.
Thực tế, các quỹ đầu tư không còn quá hào hứng mà trở nên thận trọng hơn nhiều khi tiếp cận các startup. Các chuyên gia kinh tế nêu dự báo sẽ có sự dịch chuyển rõ rệt của dòng vốn đầu tư mạo hiểm vào Việt Nam. Theo đó, các quỹ đầu tư thay vì mạnh tay chi tiền cho các startup có tốc độ tăng trưởng nhanh thì sẽ dồn nguồn lực tài chính cho những dự án có khả năng tăng trưởng bền vững.
Trong xu hướng này, một bộ phận startup Việt Nam đang nỗ lực tìm nhiều cách để "thoát đáy". Họ tìm cách học hỏi về khả năng tự sống sót, chuẩn bị nguồn lực cho mục tiêu dài hạn thay vì suốt ngày đi gọi vốn đầu tư bằng mọi giá như trước.
Thực tế, sau đại dịch COVID-19, việc tối ưu hóa chi phí sao cho tối đa hiệu quả hoạt động là bài toán lớn đối với tất cả DN, bao gồm các tập đoàn, DN lớn lẫn các startup. Để ứng biến với những khó khăn chung của nền kinh tế, các DN nhỏ, đặc biệt là các startup, đang phải tính đến giải pháp thúc đẩy dòng vốn cho đổi mới sáng tạo.
Ông Trần Vũ Quang, sáng lập kiêm CEO OnPoint (startup công nghệ chuyên hỗ trợ kinh doanh thương mại điện tử thành lập năm 2016 và đã có mặt trong tốp 500 công ty tư nhân lớn nhất Việt Nam), cho biết công ty đang theo dõi sát sao các hoạt động, cắt giảm những thứ không cần thiết để tối ưu hóa chi phí. "Năm nay, công ty không có kế hoạch gọi vốn mà đang tìm kiếm cơ hội mua bán sáp nhập (M&A) với nhãn hàng (kênh online và offline), các công ty lĩnh vực marketing... để gia tăng giá trị cho chuỗi giá trị" - ông Vũ nêu định hướng.
Các chuyên gia cũng khuyến nghị các startup tập trung vào các khía cạnh cơ bản, sử dụng vốn khôn ngoan, đồng thời liên tục điều chỉnh chiến lược hoạt động theo những thay đổi của môi trường kinh tế để vượt qua "mùa đông gọi vốn".
Thúc đẩy dòng vốn mạo hiểm
Để thúc đẩy tốt hơn dòng vốn mạo hiểm, trong năm nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ có dự thảo sửa đổi các quy định thành lập quỹ đầu tư. Tại Diễn đàn Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2023 mới đây, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho biết bộ sẽ soát lại số lượng thành viên của các quỹ đầu tư thế nào, tỉ lệ nắm giữ của mỗi thành viên ra sao cho hợp lý. Sự tham gia rút vốn cũng phải diễn ra nhanh chóng hơn để các quỹ đầu tư thành lập nhanh hơn.
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/kinh-te/dung-mai-trong-cho-vao-goi-von-20230514205101463.htm