Đừng mạnh mẽ quá lâu, kẻo quên cách yếu mềm
Có bao giờ bạn tự hỏi: 'Lần cuối cùng mình khóc là khi nào?' Không phải vì bụi bay vào mắt, không phải vì cảnh trong một bộ phim, mà là một lần thật lòng, thổn thức, không kìm nén. Hay là bạn đã quên mất cảm giác đó từ lâu, từ khi cuộc sống dạy bạn rằng người lớn không được phép yếu đuối?
Chúng ta lớn lên, học cách nói những điều phải nói và giấu những điều mình thực sự nghĩ. Ta che giấu nỗi buồn sau một nụ cười gượng gạo, nuốt vào trong những tổn thương vì sợ người khác thấy mình yếu đuối. Ta thôi khóc vì sợ bị gọi là “đa cảm”, “ướt át”, “không bản lĩnh”. Ta thôi cười quá lớn vì sợ bị cho là “thiếu chín chắn”. Thế là, ta lặng lẽ bóp nghẹt cảm xúc của chính mình.

Nhưng nếu bạn để ý, những đứa trẻ thì khác. Chúng cười phá lên khi vui, òa khóc khi buồn. Chúng không giấu đi cảm xúc, không sợ bị đánh giá. Đó không phải là vì chúng non nớt, mà vì chúng sống thật - và sống thật đôi khi lại là điều người lớn đã quên mất.
Một đứa trẻ không hiểu khái niệm “phải cư xử như thế nào cho đúng đắn trong mắt người khác”. Nó chỉ đơn giản là sống theo bản năng: cảm nhận - rồi phản ứng. Vui thì nhảy cẫng lên, buồn thì gục vào lòng mẹ khóc nức nở. Những cảm xúc ấy thuần khiết, không giả tạo, không bị tô vẽ bởi định kiến xã hội hay chuẩn mực đạo đức. Chính vì thế mà trẻ con sống nhẹ nhàng, vô tư. Chúng không mang trên vai gánh nặng tâm lý của việc “phải luôn ổn”.
Chúng ta đã đánh đổi sự hồn nhiên ấy lấy cái gọi là trưởng thành. Và trong hành trình trưởng thành ấy, đôi lúc ta biến mình thành chiếc bình đầy ắp những cảm xúc bị nén lại - không được nói, không được khóc, không được la hét. Tưởng như ta mạnh mẽ, nhưng thực chất bên trong là một biển động. Có mấy ai sống mà không từng ướt mi bởi những nỗi đau không thể gọi tên?
Một người làm cha mẹ, thầy cô, bác sĩ hay công nhân - ai rồi cũng phải đóng vai “người vững vàng”. Nhưng trong đêm khuya, khi thành phố ngủ yên, có bao nhiêu trái tim thổn thức mà không thể bật thành tiếng?

Xã hội dạy ta rằng: “Đừng để lộ cảm xúc”. Nhưng sự thật là, việc che giấu cảm xúc lâu dài có thể giết chết nội tâm. Nó giống như một dòng nước bị ngăn lại, dần dần ứ đọng, rồi vỡ tung. Người ta gồng mình, chịu đựng - cho đến khi kiệt sức. Và rồi, họ gọi đó là “trầm cảm”, “khủng hoảng tinh thần”, “mất kết nối với chính mình”.
Vậy tại sao ta không thể sống như một đứa trẻ? Tại sao ta không thể cho mình quyền được buồn, được khóc, được gào lên khi thấy bất công hay đau đớn? Phải chăng vì ta quên mất rằng: cảm xúc không phải là kẻ thù, mà là một phần thiết yếu của con người?.
Hãy thử một lần thả mình trong cảm xúc thật. Khi buồn, hãy khóc nếu bạn muốn. Khóc không làm bạn yếu đuối, mà chứng tỏ bạn vẫn còn nhạy cảm, vẫn còn biết yêu - và biết đau. Khi vui, hãy cười hết mình, không cần dè dặt. Đừng sợ bị đánh giá, vì mỗi lần bạn sống thật là một lần bạn cứu rỗi tâm hồn mình.
Sống như một đứa trẻ không có nghĩa là sống bồng bột hay vô trách nhiệm. Mà là sống chân thành với chính cảm xúc của mình, không giả tạo, không kìm nén. Là biết giận thì nói, biết yêu thì bày tỏ, biết đau thì thừa nhận. Là dũng cảm đối diện với những cơn sóng lòng, thay vì trốn tránh nó.
Hạnh phúc đôi khi đơn giản là được sống thật - với bản thân, với cảm xúc và với cả những yếu mềm. Một người biết khóc đúng lúc sẽ biết cười trọn vẹn. Một người dám thừa nhận tổn thương sẽ dễ dàng lành lại hơn. Người mạnh mẽ nhất không phải là người luôn tỏ ra bình thản, mà là người biết buông những giọt nước mắt đúng nơi, đúng lúc.
Tôi từng gặp một người đàn ông 40 tuổi, thành đạt, lịch lãm, lúc nào cũng điềm đạm. Nhưng trong một lần chia sẻ, anh đã khóc như một đứa trẻ khi nhắc đến người cha đã khuất. Anh nói: “Tôi chưa bao giờ nói với cha mình rằng tôi yêu ông. Giờ thì không còn kịp nữa rồi”. Lúc đó, tôi chợt nhận ra - một người có thể gói nỗi đau suốt mấy chục năm trong lòng, chỉ vì không cho phép mình... yếu đuối.
Chúng ta lớn lên trong một xã hội đề cao sự kiên cường, nên đôi khi quên mất rằng con người cần được mềm yếu, cần được thổ lộ. Không ai có thể gồng gánh mãi. Không ai sinh ra để sống như một cỗ máy.
Nếu có thể, hãy dạy con mình biết cách thể hiện cảm xúc. Đừng nói với con trai rằng: “Đàn ông không được khóc”. Đừng bảo con gái rằng: “Phải dịu dàng, đừng tức giận”. Hãy để các em được là chính mình, được lớn lên với những cung bậc cảm xúc tròn đầy, chứ không phải sống trong sự sợ hãi rằng mình “sai”.
Người ta thường bảo: “Trẻ con thì biết gì!” Nhưng tôi tin rằng, trong rất nhiều điều, trẻ con biết rõ hơn người lớn. Chúng biết thế nào là vui thật sự, buồn thật sự. Chúng không tô son cho cảm xúc, không giấu nước mắt sau những nụ cười vô hồn. Và cũng chính vì thế, chúng sống hạnh phúc hơn ta - những người đang bị cảm xúc của chính mình bào mòn từng ngày.
Vậy nên, nếu bạn đang buồn - hãy cứ buồn. Đừng cố gắng che giấu. Nếu bạn đang tổn thương - hãy để bản thân được khóc. Đừng sợ ai sẽ thấy, đừng sợ bị đánh giá. Vì đôi khi, một giọt nước mắt có thể cứu bạn khỏi những vết thương âm thầm tích tụ trong lòng.
Hãy sống như một đứa trẻ - vô tư, chân thật, dũng cảm với chính mình. Vui thì cười, buồn thì khóc. Đó không phải là sự yếu đuối, mà là bản lĩnh của những người dám sống thật - trong một thế giới đang mải miết đeo mặt nạ.
Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/dung-manh-me-qua-lau-keo-quen-cach-yeu-mem-36816.htm