Đừng mất thời gian đồn đoán đề thi
Gần ngày thi tốt nghiệp THPT, những tin đồn đoán về đề, nhất là với môn Ngữ văn lại sôi nổi trên các trang mạng.
Các thầy cô khuyên thí sinh không nên sa đà vào việc này, vừa lãng phí thời gian quý giá chuẩn bị trước Kỳ thi, vừa ảnh hưởng tâm lý thi cử.
Cẩn trọng trước “bẫy” đoán đề “câu like”
Thầy Võ Minh Nghĩa, giáo viên dạy Văn Trường THPT Nguyễn Du (Quận 10, TPHCM) cho hay, hôm nay, thí sinh cả nước sẽ bước vào môn thi Ngữ văn. Với đặc thù của bộ môn này, phần đông tâm lý sĩ tử sẽ sợ sệt, lo lắng. Đánh vào tâm lý đó, lực lượng “câu like”, “câu view” làm tăng tương tác tài khoản sẽ hoạt động mạnh.
Khoảng 3 ngày trước Kỳ thi diễn ra, trên mạng xã hội đã nóng lên những danh xưng “thánh” đoán đề, các “status” đoán tác phẩm văn học và thu về hàng triệu lượt tương tác, khiến tài khoản này bỗng dưng hưởng lợi về kinh tế.
“Các sĩ tử không nên để tâm lý vướng vào những trò “câu like”. Quy trình ra đề của Bộ GD&ĐT hết sức nghiêm ngặt, cách ly toàn bộ cán bộ phụ trách ra đề, in sao đề bằng nhiều hình thức an ninh theo quy định về bảo vệ tài liệu tối mật quốc gia. Đây là kỳ vượt vũ môn quan trọng nhất của đời sĩ tử, các em cần học và ghi nhớ kiến thức chắc chắn không nên tự tạo cho mình “1 cái tủ” để rồi chính nó ảnh hưởng tương lai của 12 năm đèn sách”, thầy Nghĩa nhấn mạnh.
Cũng theo thầy Nghĩa, tác hại của việc nghe theo đoán đề vô căn cứ trên mạng xã hội rất lớn. Về tinh thần, trước, trong và sau thi đều bị ảnh hưởng. Trước thi các em sẽ tự tạo cho mình một sự “an tâm ảo” chỉ khư khư tập trung vào các tác phẩm đồn đoán.
Khi thi nếu “trật tủ”, các em sẽ bị hoảng loạn, sợ hãi mất tinh thần làm bài. Sự bình tĩnh để suy nghĩ và phân tích đề cũng không còn. Sau thi, các em sẽ mang tâm trạng hối tiếc, giận chính bản thân rồi tự làm mình mất hết ý chí, nghị lực ở các môn thi tiếp theo. Do đó, sự ảnh hưởng tinh thần khi học tủ, học theo đồn đoán hết sức tai hại.
Cô Nguyễn Thị Hà, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Phước Long (TP Thủ Đức) thì cho rằng, xưa nay đa số “tủ đề” gần như gắn với môn tự luận đặc biệt là môn Ngữ văn. Việc đoán đề thi, đầu tiên chính thí sinh sẽ tạo áp lực cho mình. Trong khi lời khuyên của các chuyên gia, tốt nhất trước ngày thi các em không nên nghĩ đến chuyện học mà phải luôn để tâm thế vui, khỏe bằng nghỉ ngơi đúng nghĩa.
“Môn thi đầu tiên Ngữ văn cũng là môn tự luận duy nhất trong 6 môn thí sinh tham dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay. Việc đoán đề sẽ “nguy hiểm”. Chẳng hạn như bình thường năng lượng của các em bước vào môn thi đầu tiên là 80%, nhưng lỡ đoán đề “trật tủ” sẽ mất đi rất nhiều. Bởi khi đoán sai đề, các em sẽ có tâm lý thất vọng, ảnh hưởng tới chất lượng làm bài. Như vậy thí sinh không nên “đánh cược” chất lượng làm bài của mình bằng việc đoán đề”, cô Nguyễn Thị Hà lưu ý.
Cũng theo chia sẻ của cô Nguyễn Thị Hà, khi đoán đề, rõ ràng học sinh đã thiếu tự tin vào chính mình. Để đạt được kết quả tốt nhất thì tâm lý tự tin là yếu tố tiên quyết để các em thành công. Việc đoán đề đối với đặc thù môn Ngữ văn thực sự không cần thiết và kể cả “trúng tủ” thì chất lượng cũng như kết quả bài không hẳn sẽ tốt hơn. Thí sinh nên nghỉ ngơi thư giãn, để bước vào Kỳ thi với tâm thế tự tin, nhẹ nhàng nhất và cảm xúc về môn Văn sẽ đến.
Nói không với may rủi, học tủ
Thầy Nguyễn Đình Hòa, Tổ trưởng môn Ngữ văn, Trường THPT Trần Phú (Đà Nẵng) khuyên thí sinh không nên mất thời gian lên mạng “hóng” và tham gia vào việc đoán đề. “Việc đoán đề, bình luận dưới những topic đoán đề là quyền của mỗi học sinh. Nó đem lại cảm giác vui, được thư giãn ở thời điểm các em tập trung học hành căng thẳng. Tuy nhiên, ngay sát ngày thi, các em nên dành thời gian xem lại lần cuối bài vở, nhất là các kiến thức nắm chưa vững, những chỗ chưa tự tin” - thầy Hòa nhắc nhở.
Theo thầy Nguyễn Đình Hòa, việc tham gia đoán đề sẽ khiến thí sinh mất thời gian, thậm chí thức quá khuya để theo dõi. Trong khi thời gian đó nên dành cho việc rà soát lại bài vở, chuẩn bị giấy tờ, bút mực dự thi hoặc đi ngủ sớm để đảm bảo sức khỏe cho những buổi thi sắp tới.
“Với cấu trúc đề thi như những năm gần đây, có những trường hợp đoán đúng tác phẩm được sử dụng làm ngữ liệu trong đề thì cũng dễ “sập tủ” vì câu lệnh của đề đòi hỏi thí sinh phải có khả năng phân tích, tổng hợp…” - thầy Hòa nhận xét. Nhiều học sinh học tủ và sau đó bê nguyên những gì đã học, không phù hợp với yêu cầu của đề thi nên bài làm lạc đề.
Cô Vũ Thị Anh, Trường THPT Ân Thi (Hưng Yên) thì nhắn nhủ thí sinh bình tĩnh, tự tin với kiến thức đã được thầy cô hệ thống, ôn tập trong thời gian ôn thi tốt nghiệp THPT. Các thông tin, tin đồn lan truyền về đề thi trên mạng sát ngày thi là không có căn cứ, chỉ dựa vào những suy đoán. Những tin đồn này chỉ có thể tác động đến học sinh không ôn thi, kiến thức rỗng, đi thi với suy nghĩ may rủi, học tủ.
“Nếu kiến thức vững vàng, các em sẽ tự tin bước vào Kỳ thi, không có tâm lý, mong ngóng đợi chờ may rủi. Việc trông chờ vào đoán đề thi chỉ khiến thí sinh mất thời gian, ảnh hưởng đến tâm lý thi cử, làm bài. Do đó, thay bằng tìm kiếm tin theo đồn đoán về đề trên mạng, các em hãy thư giãn đầu óc, kiến thức nào còn chưa chắc hãy đọc lại để tự tin bước vào Kỳ thi”, cô Vũ Thị Anh nhắn nhủ.
Có lời khuyên tương tự, cô Đoàn Thu Hà, Phó Hiệu trưởng THCS&THPT Phenikaa (Hà Nội), cho rằng, việc đồn đoán đề thi không chỉ vi phạm quy chế thi cử, mà còn gây ra những hậu quả tiêu cực.
“Tủ” chưa biết có mở “trúng cửa” không, nhưng “tủ đè” thì sẽ rất dễ “bẹp”. Do đó, học sinh nên tập trung vào việc học, chuẩn bị cho Kỳ thi một cách chăm chỉ. Hãy chuyển sự quan tâm, chú ý từ các dự đoán về đề đến các bài hướng dẫn về kỹ năng làm bài, quản lý thời gian, trả lời trúng ý, hàm súc để đạt hiệu quả cao nhất với bài làm.
Lợi bất cập hại
Theo ThS Nguyễn Vinh San - Trưởng phòng Công tác sinh viên, Trường ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng), không nên “hóng” đề thi môn Ngữ văn thông qua các dự đoán hoặc dựa vào tin đồn trên mạng xã hội. Việc này có thể dẫn đến “lợi bất cập hại”.
ThS Nguyễn Vinh San phân tích, việc dự đoán có thể khiến thí sinh kỳ vọng đề thi “trúng tủ” nên chỉ tập trung ôn tập những bài đã được dự đoán. Tuy nhiên, nếu đề thi không giống như dự đoán sẽ ảnh hưởng lớn đến tâm lý của thí sinh khi làm bài. Khi đó, các em có thể bị mất phương hướng triển khai các ý, hoặc lúng túng, mất tập trung khi làm bài dẫn đến kết quả không cao.
“Vì vậy, thí sinh cần cẩn trọng với những thông tin dự đoán đề thi, tránh việc ôn theo tủ, làm ảnh hưởng đến tâm lý khi vào phòng thi. Việc dự đoán đề thi chỉ làm mất thời gian của thí sinh và vô hình trung khiến các em mất định hướng trong ôn tập và ảnh hưởng đến quá trình làm bài thi” - ThS Nguyễn Vinh San nhấn mạnh.
Thay vì “võ đoán”, ThS Nguyễn Vinh San khuyến cáo, thí sinh nên dành thời gian nghỉ ngơi, giữ gìn sức khỏe, đầu óc và có thể xem lại kiến thức mà mình chưa yên tâm. Riêng với môn Ngữ văn, cần diễn đạt rõ ràng, mạch lạc, đủ ý. Đáp ứng được những yêu cầu này là thí sinh đã có thể đạt điểm từ trung bình trở lên.
Thầy Nguyễn Minh Đạo, Hiệu trưởng Trường THPT Quan Sơn (Thanh Hóa), lưu ý, các fanpage, hội, nhóm đoán đề chỉ là sự phỏng đoán cho vui, hoàn toàn vô căn cứ. Có thể đâu đó phán đoán đúng, nhưng đó là trùng hợp vô tình, ngẫu nhiên. Học sinh không được tin một cách mù quáng vào việc đoán đề trên mạng xã hội, coi chừng “xôi hỏng, bỏng không”. Thay vào đó, hãy cố gắng ôn tập cho tốt theo hướng dẫn của thầy, cô giáo, giữ sức khỏe và tâm lý tự tin, từ đó hoàn thành bài thi một cách tốt nhất với năng lực của mình.
“Sự thành công trong cuộc sống không phụ thuộc vào việc biết trước đề thi mà là kết quả của sự nỗ lực và kiến thức thực sự có được. Hãy đặt niềm tin vào bản thân và sẵn sàng vượt qua mọi thử thách một cách công bằng và trung thực”, cô Đoàn Thu Hà chia sẻ.
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/dung-mat-thoi-gian-don-doan-de-thi-post644752.html