Đừng nên 'khoa học hóa' Tín ngưỡng giỗ Tổ Hùng vương

Ngày 10/3 âm lịch vừa qua, người dân nô nức đi Lễ hội Đền Hùng. Nhiều nơi tổ chức Lễ giỗ Tổ Hùng vương, thể hiện niềm thành kính 'nhớ ơn các vua Hùng đã có công dựng nước'.

Và trên các trang báo cũng như trên mạng xã hội cũng xuất hiện nhiều ý kiến về Lễ hội này. Thậm chí có cả những ý kiến “rất khoa học”, luận giải về chuyện “vua Hùng có thật hay không có thật” nữa.

Người ta đôi khi quên mất là, Tín ngưỡng giỗ Tổ Hùng Vương là một di sản tinh thần đặc sắc của dân tộc Việt Nam.

Từ bao đời nay, người Việt coi mình là “con rồng Cháu Tiên”, “dòng giống Lạc Hồng”; “Các Vua Hùng đã có công dựng nước” Việt ta. Đó là niềm tin, đó là tín ngưỡng. “Tín ngưỡng thờ Vua Hùng “ như thờ một Tổ chung của toàn dân Việt ấy đã thành di sản văn hóa phi vật thể của cả nhân loại rồi.

Ai biết được câu ca “Dù ai đi ngược về xuôi, nhớ ngày Giỗ Tổ mùng mười tháng ba”, là của ai sáng tác, và từ bao giờ?

Chỉ có một điều chắc chắn rằng, tín ngưỡng ấy đã và mãi sẽ là tài sản chung nhất mà mọi người dân Việt luôn tự hào. Tự hào lắm! Vì hiếm có nước nào trên thế giới mà toàn dân đồng lòng hướng về một ngày giỗ Tổ chung, không phân biệt chế độ, tôn giáo, giàu nghèo, phe phái chính trị, thời chiến hay thời bình, thời cổ đại hay thời văn minh, người trong nước hay người đang ở nước ngoài… như thế!

Người dân tấp nập về giỗ Tổ Hùng Vương tại đền Hùng, Phú Thọ. Ảnh: Quang Hùng

Tín ngưỡng đó là cội nguồn đoàn kết mọi con dân đất Việt để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Đã là tín ngưỡng, thì điều quan trọng nhất là ở đức tin, không phải là ở tính khoa học, dù rằng tính khoa học đương nhiên bao giờ cũng có vai trò quan trọng.

Ví dụ, ta thường nghe nói: 18 đời Vua Hùng. Nhưng cứ theo logic mà suy thì mỗi đời vua Hùng có lẽ có thể đến vài trăm năm. Làm gì có vua nào sống lâu thế? Vậy đó là chuyện vô lý, chuyện không có thật? Và người ta còn suy diễn là, cả chuyện Hùng Vương dựng nước cũng là không có thật?

Nhưng nghĩ cho kỹ, thì không có gì là vô lý cả.

Thứ nhất, là không có gì chắc chắn là “18 đời Vua Hùng” cũng là 18 đời người của từng vị vua nối tiếp nhau cả. Cách nói 18 đời Vua Hùng chỉ là cách nói dân gian truyền từ xưa, theo đó, người Việt thường dùng một con số cụ thể để nói về một số lượng nhiều không đếm được chính xác . Ví dụ, để nói việc gì đó xong rất lâu rồi, bây giờ người ta vẫn hay nói: “Xong từ tám đời rồi”, “xong từ mười tám đời rồi”, “xong từ tám hoánh rồi”, “xong từ bảy mươi đời rồi”, “xong từ tám mươi đời rồi”… Rõ ràng là các con số 8, 18, 80 chỉ là thể hiện những cách nói tượng trưng mà thôi. Tôi cho rằng, các cụ ta nói “18 đời vua Hùng” chỉ là cách nói ví von như thế, ý chỉ rằng nhiều đời vua Hùng lắm, không sao kể đầy đủ được mà thôi. Mà đúng là không thể nói đầy đủ về các đời vua Hùng được thật.

Hai là, việc chép sử của nước ta thì mới được hơn ngàn năm nay, so với thời Vua Hùng từ bốn ngàn năm trước thì chỉ là trẻ con nói chuyện ông Bành Tổ mà thôi, nên các nhà sử học thì cũng chẳng biết về vua Hùng hơn gì so với dân gian cả. Chẳng có một vật chứng nào thời Hùng Vương còn lại đến giờ cho ta thấy là vua đầu tiên là ai, thứ hai là ai thứ ba là ai, v.v… cả.

Việc “cụ thể hóa” 18 đời vua Hùng thành cụ thể cuộc đời 18 vị vua có tên tuổi, danh hiệu với năm sinh năm mất cụ thể, là không có cơ sở gì đáng tin cậy cả. Nhất là lại lấy các danh hiệu bằng các chữ Hán Việt mà gọi tên các đời vua Hùng thì lại càng không đúng. Bởi lẽ, chúng ta không biết tiếng Việt thời cổ thì các vua Hùng được gọi như thế nào, nhưng chắc chắn không có chuyện lại là các âm Hán Việt - vốn chỉ có sau khi nhà Hán bên Tàu sang chiếm nước ta, mà nhà Hán thì có sau Hùng vương nhà ta đến vài ngàn năm!

Ba là, dù viêc cụ thể hóa ấy do các “cụ” sử gia hàng đầu nước ta từ mấy trăm năm trước viết ra thì cũng chẳng có gì là “khoa học” cả. Vì các “cụ” ấy tuy sinh trước chúng ta hàng trăm năm, thậm chí hàng ngàn năm thì vẫn là trẻ con hậu sinh tám mươi đời so với thời Hùng Vương, biết gì về vua Hùng hơn với truyền thuyết dân gian đâu, trong khi ngoài truyền thuyết dân gian thì chẳng có văn bản nào khác từ thời Hùng Vương để lại nói về vua Hùng cả? Rõ ràng việc cụ thể hóa kiểu này là rất sai lầm!

Thế nên, việc gán cho 18 đời vua Hùng với những con người cụ thể, họ tên cụ thể, năm sinh năm mất cụ thể, để làm “đối tượng nghiên cứu khoa học”, lại còn bảo mỗi “cụ” sinh được bao nhiêu con cháu chắt chút chít…, là việc rất không nên làm,vì nó chẳng có cơ sở gì là chắc chắn cả. Ví như, bây giờ mà chỉ cần nói chuyện gần hơn 2 ngàn năm, như nói về vua An Dương Vương thôi, cũng không thể có chính xác năm sinh, rồi Ngài sinh được bao nhiêu con cháu chắt chút chít được, nói gì đến các vua Hùng từ trước đó vài ngàn năm nữa.

Hệ lụy là, từ chỗ gán cho các vua Hùng các hình mẫu cá nhân cụ thể, rồi cũng tùy tiện mà vẽ hình, đắp tượng, trang trí hình người mà đặt tên tùy tiện là Vua Hùng đời này, Vua Hùng đời nọ … khiến cho người ta cứ lầm tưởng vua Hùng ngày xưa là những … ông Tây (tóc xoăn, màu nâu vàng, mũi dài và cao, có râu quai nón)! Cũng do gán ghép theo lối “cụ thể hóa” như thế, người ta dẫn đến những suy luận về “sự vô lý trong các truyền thuyết về vua Hùng’, kiểu như “Vua Hùng có bao nhiêu vị, cùng chết vào một ngày hay sao mà lấy chỉ một ngày ấy làm ngày giỗ Tổ?” hay “Có phải vị vua Hùng thứ nhất chết vào ngày ấy không, sao mà biết được?”, và rồi dẫn những suy luận cực đoan hơn như “vua Hùng là không có thật”, v.v… và v.v…

Tham khảo: Không phải vô cớ mà người theo Hồi giáo không cho ai vẽ Thánh Ala. Vì đã không biết mặt Thánh thế nào thì không thể lấy mặt của ai mà làm mặt của Thánh được.

Tín ngưỡng giỗ Tổ Hùng vương trước hết là một Tín ngưỡng, thể hiện niềm tin của người Việt. Niềm tin ấy là cội nguồn đoàn kết toàn dân Việt, hôm qua và mai sau vẫn thế.

Hãy để các vua Hùng luôn là đấng linh thiêng trong tâm trí của mỗi người dân Việt Nam. Đừng “cụ thể hóa, thô thiển hóa” về các vua Hùng. Đừng nghiên cứu về Tín ngưỡng giỗ Tổ Hùng vương - đối tượng của đức tin tâm linh- theo lối luận lý khoa học thông thường.

Trần Văn Sỹ

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/dung-nen-khoa-hoc-hoa-tin-nguong-gio-to-hung-vuong-post129583.html