Dừng nghiên cứu đầu tư dự án PPP mở rộng, nâng cấp Quốc lộ 14D

Các phương án do Công ty cổ phần Tập đoàn Trường Hải đề xuất đối với Dự án PPP mở rộng, nâng cấp Quốc lộ 14D đều rất khó triển khai do vướng mắc về pháp lý và không đảm bảo tính khả thi tài chính.

UBND tỉnh Quảng Nam vừa có báo cáo số 232/BC-UBND gửi Thủ tướng Chính phủ về kết quả nghiên cứu các phương án mở rộng, nâng cấp Quốc lộ 14D, tỉnh Quảng Nam.

Trước đó, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng về việc nghiên cứu đầu tư tuyến đường nối từ Cửa khẩu Nam Giang đến cảng biển Quảng Nam tại, Bộ GTVT, UBND tỉnh Quảng Nam đã phối hợp với Công ty cổ phần Tập đoàn Trường Hải khảo sát, nghiên cứu các phương án đầu tư xây dựng.

Khó đầu tư BOT

Quốc lộ 14D chưa được đầu tư, nâng cấp, mở rộng, chỉ bảo dưỡng, duy tu định kỳ. Ảnh: T.D

Quốc lộ 14D chưa được đầu tư, nâng cấp, mở rộng, chỉ bảo dưỡng, duy tu định kỳ. Ảnh: T.D

Tại Báo cáo số 232, UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, qua khảo sát thực tế xác định khu vực đề xuất xây dựng tuyến đường mới từ Khu kinh tế cửa khẩu Nam Giang đi cảng biển Quảng Nam có độ chênh cao về địa hình rất lớn (chênh cao 1.500 m), địa hình phức tạp; diện tích bị ảnh hưởng quy hoạch lâm nghiệp rất lớn, dự kiến ảnh hưởng đến khoảng 773 ha rừng, trong đó diện tích rừng đặc dụng lên tới 188 ha thuộc Vườn Quốc gia Sông Thanh, thuộc phân khu bảo vệ nghiêm ngặt.

Trong khi đó, Nghị định số 83/2020/NĐ-CP ngày 15/7/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp quy định: “Khi phê duyệt chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên, các dự án phải đảm bảo các tiêu chí không nằm trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của rừng đặc dụng”.

Theo báo cáo của Bộ GTVT tại công văn số 10410/BGTVT- KHĐT ngày 7/10/2022 gửi Thủ tướng Chính phủ, phương án đầu tư tuyến đường mới không có tính khả thi và đề xuất UBND tỉnh Quảng Nam nghiên cứu phương án mở rộng tuyến hiện trạng theo hình thức doanh nghiệp đầu tư không hoàn lại. Căn cứ đề xuất này, UBND tỉnh Quảng Nam đã làm việc, xúc tiến mời gọi đầu tư nhưng hiện nay không có doanh nghiệp tài trợ nguồn vốn để đầu tư theo hình thức trên.

Đối với phương án đầu tư theo hình thức BOT trên tuyến đường Quốc lộ 14D hiện có, Công ty cổ phần Tập đoàn Trường Hải đã đề xuất 2 phương án đầu tư.

Cụ thể, Phương án 1 - đầu tư mở rộng toàn tuyến theo quy hoạch với tổng mức đầu tư khoảng 2.640,5 tỷ đồng; cơ cấu nguồn vốn gồm: Ngân sách hỗ trợ 1.914 tỷ đồng, tương đương 72,5% tổng mức đầu tư (nếu chỉ thu phí xe thông quan qua Cửa khẩu Nam Giang thì tăng lên 2.186 tỷ đồng, tương đương 2 82,8% tổng mức đầu tư) và phần còn lại nhà đầu tư thu phí hoàn vốn trong khoảng 20 năm.

Phương án 2 - đầu tư mở rộng các đoạn hiện có tiêu chuẩn kỹ thuật thấp và nâng cấp một số đoạn xuống cấp, với tổng mức đầu tư khoảng 730,3 tỷ đồng; cơ cấu nguồn vốn gồm: Ngân sách hỗ trợ 310,4 tỷ đồng, tương đương 42,5% tổng mức đầu tư và phần còn lại nhà đầu tư thu phí hoàn vốn với xe tải thông quan qua Cửa khẩu Nam Giang trong khoảng 20 năm.

UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, các phương án do Công ty cổ phần Tập đoàn Trường Hải đề xuất đều vướng mắc về pháp lý bởi theo Điều 45 của Luật Đầu tư theo phương thức PPPP thì hình thức Hợp đồng BOT chỉ áp dụng đối với công trình xây dựng, kinh doanh, vận hành.

Đồng thời, Nghị quyết số 437/NQ-UBTVQH14 ngày 21/10/2017 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xác định việc đầu tư BOT “chỉ áp dụng đối với các tuyến đường mới để bảo đảm quyền lựa chọn cho người dân, không đầu tư các dự án cải tạo, nâng cấp các tuyến đường độc đạo hiện hữu”.

Ngoài ra, đối với Phương án 2, tỷ lệ vốn Nhà nước tham gia tương đương 72,5% tổng mức đầu tư, không phù hợp với quy định tại Điều 69 của Luật Đầu tư theo phương thức PPP (tỷ lệ vốn Nhà nước tham gia dự án PPP không quá 50% tổng mức đầu tư).

Ngoài vướng mắc các quy định của pháp luật, phương án tài chính cũng không đảm bảo. Trường hợp đầu tư với Phương án 2 nêu trên thì tổng mức đầu tư thấp (730 tỷ đồng), công trình chỉ được cải tạo cục bộ, vốn nhà nước phải tham gia 42,5% nhưng thời gian nhà đầu tư thu phí kéo dài 20 năm, sẽ không hiệu quả.

“Do vậy, UBND tỉnh Quảng Nam kiến nghị không thực hiện phương án đầu tư theo hình thức Hợp đồng BOT”, báo cáo số 232 nêu rõ.

Đề xuất đầu tư công

Quốc lộ 14D là tuyến giao thông quan trọng, kết nối giữa Cửa khẩu quốc tế Nam Giang - Đắc Tà Oọc (Lào) với các cảng biển Tiên Sa (Đà Nẵng), Chu Lai (Quảng Nam), Chân Mây (Thừa Thiên Huế) nhưng hiện nay bị xuống cấp hết sức nghiêm trọng, việc lưu thông đi lại hết sức khó khăn.

Theo UBND tỉnh Quảng Nam, hiện nay, lưu lượng hàng hóa thông quan qua Cửa khẩu quốc tế Nam Giang theo Quốc lộ 14D, Quốc lộ 14B về cảng Đà Nẵng, cảng Chân Mây (Thừa Thiên Huế) ngày càng tăng (trong 6 tháng đầu năm 2023 xuất khẩu tăng 37,25%, nhập khẩu tăng 79%, quá cảnh tăng 40% so với cùng kỳ năm 2023).

Đặc biệt, khi lưu thông trên Quốc lộ 14D, các xe đầu kéo, 2 xe chạy ngược chiều tránh nhau rất khó khăn, do tồn tại nhiều vị trí đường cong có bán kính nhỏ, mặt đường hẹp.

Trong bối cảnh, việc đầu tư mở rộng, nâng cấp Quốc lộ 14D là rất cần thiết và cấp bách nhưng các hình thức đầu tư theo phương thức PPP đều không thể thực hiện trong giai đoạn hiện nay, UBND tỉnh Quảng Nam đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho dừng nghiên cứu đầu tư Dự án mở rộng, nâng cấp Quốc lộ 14D theo hình thức PPP (BOT) để chuyển sang hình thức đầu tư công.

UBND tỉnh Quảng Nam cũng kiến nghị Thủ tướng xem xét, bố trí nguồn vốn đầu tư công giai đoạn 2020-2025 và 2026- 2030 để mở rộng, nâng cấp Quốc lộ 14D nhằm giải quyết nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh tại địa phương; trong trường hợp này kiến nghị đầu tư theo 2 giai đoạn.

Giai đoạn I, từ nay đến năm 2025, thực hiện đầu tư mở rộng các đoạn hiện có tiêu chuẩn kỹ thuật thấp và nâng cấp một số đoạn xuống cấp, với tổng mức đầu tư khoảng 730,3 tỷ đồng.

Giai đoạn II, giai đoạn 2026-2030 thực hiện đầu tư mở rộng toàn tuyến theo quy hoạch được duyệt và tiêu chuẩn hiện hành, đảm bảo xe container vận tải đi lại thuận lợi, an toàn; với tổng mức đầu tư khoảng 2.000 tỷ đồng.

Trong thời gian chờ đầu tư, nâng cấp mở rộng toàn tuyến, UBND tỉnh Quảng Nam kiến nghị Thủ tướng xem xét, chỉ đạo Bộ GTVT bổ sung kinh phí để thực hiện sửa chữa nền mặt đường, cải thiện các đường cong nằm có bán kính nhỏ và các đoạn có nền, mặt đường hư hỏng nặng, nhỏ hẹp (ngoài các đoạn đã được chấp thuận trong kế hoạch bảo trì năm 2023, 2024) với giá trị khoảng 145 tỷ đồng

“Trường hợp sau khi đầu tư cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 14E xong nhưng chưa kịp thời đầu tư mở rộng, nâng cấp Quốc lộ 14D thì sẽ không phát huy hiệu quả đầu tư của Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 14E”, UBND tỉnh Quảng Nam đánh giá.

Bảo Như

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/dung-nghien-cuu-dau-tu-du-an-ppp-mo-rong-nang-cap-quoc-lo-14d-d200523.html