Đừng nhầm lẫn bệnh thủy đậu và bệnh sởi
Bệnh sởi và bệnh thủy đậu là 2 bệnh truyền nhiễm phổ biến ở người lớn và trẻ em. Các bệnh này gây ra vết ban đỏ, ngứa trên da cùng một số triệu chứng như sốt, mệt mỏi, đau đầu...
Theo Healthline, bệnh thủy đậu và bệnh sởi là 2 bệnh nhiễm virus, rất dễ lây lan và từng được coi là bệnh phổ biến ở trẻ em dưới 12 tuổi.
Cả 2 bệnh đều gây phát ban đỏ trên cơ thể và gây sốt. Vì thế, một số người thường nhầm lẫn giữa 2 tình trạng này, đặc biệt trong giai đoạn bùng phát các bệnh truyền nhiễm.
Nguyên nhân gây bệnh thủy đậu và bệnh sởi
Bệnh thủy đậu do virus varicella-zoster (VZV) gây ra. Trong khi đó, bệnh sởi do virus sởi gây ra. Cả 2 bệnh đều có tính lây nhiễm cao.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) cho biết 90% người chưa bị thủy đậu hoặc chưa tiêm vaccine có nguy cơ cao mắc bệnh này nếu tiếp xúc gần với người bệnh.
Tỷ lệ này cũng đúng cho trường hợp của bệnh sởi: Cứ 10 người chưa được tiêm ngừa thì có 9 người mắc bệnh nếu tiếp xúc gần với người bệnh.
Cả 2 loại virus đều có trong không khí, vì thế bạn có thể nhiễm virus nếu hít phải những giọt bắn từ đường hô hấp của người bệnh.
Ngoài ra, khi tiếp xúc với bề mặt hoặc đồ vật mà người bệnh từng chạm qua, bạn cũng có nguy cơ mắc 2 bệnh này. Chất lỏng từ mụn nước bị vỡ là nguyên nhân khiến bệnh thủy đậu dễ lây lan hơn.
Theo CDC, người mắc bệnh thủy đậu có thể truyền virus cho người khác trong vòng 2 ngày trước khi phát ban và cho đến khi tất cả mụn nước vỡ ra cũng như đóng vảy.
Bệnh thủy đậu thường kéo dài 4-7 ngày. Nhóm người có nguy cơ cao mắc bệnh như người có hệ miễn dịch suy yếu sẽ lâu hồi phục hơn. Những người này cũng có thể bị biến chứng do nhiễm trùng.
Người mắc bệnh sởi có thể truyền virus cho người khác trong vòng 4 ngày trước khi phát ban và thêm 4 ngày nữa sau khi các vết ban xuất hiện.
Bệnh sởi có thể mất nhiều thời gian hơn (thường 2-3 tuần) để hồi phục. Các biến chứng của bệnh sởi bao gồm nhiễm trùng tai, viêm phổi, viêm phế quản, viêm não (sưng và kích ứng não).
Triệu chứng của bệnh thủy đậu và bệnh sởi
Cả 2 bệnh này đều có triệu chứng phát ban, nhưng hình dạng những đốm ban sẽ khác nhau tùy theo từng tình trạng.
Phát ban thủy đậu thường bắt đầu bằng những đốm đỏ trên ngực, bụng, mặt và lưng. Nó cũng có thể lây lan sang các bộ phận khác trên cơ thể.
Trong 2-4 ngày, phát ban thủy đậu sẽ phát triển thành mụn nước chứa đầy chất lỏng và gây ngứa. Sau đó, chúng sẽ vỡ ra và rỉ chất dịch lỏng. Người mắc bệnh thủy đậu có thể nổi 250-500 mụn nước.
Khi mụn nước vỡ ra, chúng sẽ đóng vảy. Lúc này, người bệnh không thể lây virus cho người khác. Các triệu chứng khác của bệnh thủy đậu bao gồm sốt, mệt mỏi, chán ăn và đau đầu. Trong vài trường hợp, mụn nước cũng có thể phát triển trong miệng.
Mặt khác, phát ban sởi bắt đầu bằng vết phát ban phẳng màu đỏ và có vết loang lổ ở phần chân tóc trên trán. Ở một số người, một vài đốm ban có thể chứa dịch lỏng.
Các triệu chứng khác của bệnh sởi bao gồm chảy nước mũi, ho, đau họng và mắt viêm đỏ (viêm kết mạc). Người mắc bệnh sởi cũng có thể phát triển các đốm Koplik, đốm nhỏ màu đỏ với tâm màu trắng xanh bên trong miệng và trên má.
Đối với người có nước da sẫm màu, vết phát ban của 2 bệnh này có thể biểu hiện không rõ ràng. Thay vào đó, chúng có thể sẫm màu hơn vùng da xung quanh vết phát ban. Người có làn da sẫm màu mắc bệnh thủy đậu có vết ban giống như vết sưng tấy hoặc nổi mụn.
Triệu chứng thủy đậu ở người lớn và trẻ em thường giống nhau. Tuy nhiên, người lớn có nguy cơ cao mắc các triệu chứng và biến chứng nghiêm trọng.
Cách điều trị
Bệnh thủy đậu và sởi là bệnh nhiễm virus nên thuốc kháng sinh không phải là phương pháp điều trị hiệu quả. Thay vào đó, cách điều trị cho 2 tình trạng này là tập trung vào việc làm dịu triệu chứng và giảm nguy cơ biến chứng.
Người bị thủy đậu có thể dùng thuốc kháng histamin không kê đơn (OTC) như benadryl để giúp giảm ngứa. Ngoài ra, bác sĩ có thể kê thuốc kháng virus như acyclovir cho người có nguy cơ cao bị biến chứng thủy đậu.
Thuốc này có thể làm giảm mức độ nghiêm trọng của nhiễm trùng và nên dùng trong vòng vài ngày sau khi tiếp xúc với người bệnh, nếu không nó sẽ không có hiệu quả.
Những người có nguy cơ bị biến chứng thủy đậu bao gồm:
- Người có hệ miễn dịch suy yếu.
- Người mang thai.
- Trẻ sơ sinh.
- Người mắc bệnh suy giảm miễn dịch mạn tính như bệnh bạch cầu.
- Người trưởng thành chưa tiêm hoặc đã tiêm phòng thủy đậu.
Kiểm soát triệu chứng bệnh thủy đậu và bệnh sởi tại nhà
Đối với hầu hết người mắc 2 bệnh này, trọng tâm của việc điều trị nằm ở cách kiểm soát các triệu chứng. Điều này có thể được thực hiện tại nhà và thường không cần điều trị y tế.
Chúng ta có thể làm giảm và kiểm soát các triệu chứng bằng cách nghỉ ngơi nhiều, giữ cho cơ thể luôn đủ nước, chỉ ở nhà, không nên đi học hoặc đi làm để tránh lây lan virus cho người khác và dùng thuốc kháng histamin để giảm ngứa.
Ngoài ra, chúng ta có thể áp dụng một số biện pháp khác như:
- Uống thuốc hạ sốt không kê đơn như acetaminophen và ibuprofen. Không cho trẻ em uống aspirin vì nó có thể gây ra hội chứng Reye.
- Bật máy tạo độ ẩm để giảm đau họng và ho.
- Đeo găng tay, đặc biệt là trong khi ngủ để tránh gãi lên vết ban. Cắt móng tay sạch sẽ để giảm nguy cơ nhiễm trùng mụn nước.
- Tắm nước mát hoặc chườm mát để giảm ngứa.
- Tránh thức ăn cay hoặc đồ ăn có tính axit nếu mụn nước phát triển trong miệng.
Hiệu quả của vaccine
Bệnh thủy đậu và bệnh sởi đều dễ dàng ngăn ngừa bằng vaccine. Mỗi loại vaccine có hai liều. Các chuyên gia chăm sóc sức khỏe thường chỉ định liều đầu tiên cho trẻ em 12-15 tháng tuổi. Liều thứ hai, tức mũi nhắc lại, thường được tiêm cho trẻ 4-6 tuổi.
Ngày nay, 90% trẻ em được tiêm liều đầu tiên cho cả 2 loại virus khi được 2 tuổi. Chỉ riêng vaccine thủy đậu đã giúp ngăn ngừa khoảng 3,5 triệu trường hợp, giảm 9.000 ca nhập viện và 50 ca tử vong mỗi năm.
Theo CDC, tiêm hai liều vaccine thủy đậu có hiệu quả hơn 90% trong việc ngăn ngừa bệnh này.
Nếu bạn là người trưởng thành chưa từng mắc bệnh thủy đậu khi còn nhỏ và chưa được tiêm vaccine, bạn vẫn có thể tiêm ngay từ bây giờ. Vaccine giúp bảo vệ bạn khỏi bệnh thủy đậu và tránh khả năng lây lan cho người khác trong cộng đồng.
Tương tự, vaccine sởi cũng rất hiệu quả. Sau liều tiêm đầu tiên, nó có hiệu quả 93% trong việc ngăn ngừa lây nhiễm và sau hai liều, hiệu quả lên đến 97%.
Như nhiều loại vaccine khác, cả vaccine sởi và thủy đậu đều có một số rủi ro về tác dụng phụ nhẹ như:
- Đau nhức và mẩn đỏ xung quanh chỗ tiêm (thường gặp ở người lớn hơn trẻ em).
- Đau và cứng khớp tạm thời.
- Phát ban nhẹ.
- Sốt.
Các biến chứng nghiêm trọng hơn của việc tiêm ngừa rất hiếm xảy ra.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/dung-nham-lan-benh-thuy-dau-va-benh-soi-post1376397.html