Dùng nỗi buồn để 'câu' sự chú ý

Không chỉ giải tỏa cảm xúc, nhiều người tìm đến mạng xã hội để thu hút sự chú ý bằng cách khai thác sự đồng cảm và những lời an ủi.

Mạng xã hội ngày càng phát triển trở thành nơi mọi người có thể tự do chia sẻ những khoảnh khắc hạnh phúc lẫn đau buồn nhất của bản thân.

Dù nhiều bài đăng thật sự chân thành, một xu hướng dần nở rộ mang tên "sadfising" ám chỉ những hành động phóng đại hoặc làm sai lệch những vấn đề của bản thân để thu hút sự chú ý.

Dưới đây, Psychology Today tổng hợp phân tích của Tiến sĩ Mark Travers, nhà tâm lý học Mỹ, giúp mọi người hiểu rõ ràng hơn về sadfising.

 Sadfising phát triển khác nhau với phái nam và phái nữ theo độ tuổi. Ảnh minh họa: Ketut Subiyanto/Pexels.

Sadfising phát triển khác nhau với phái nam và phái nữ theo độ tuổi. Ảnh minh họa: Ketut Subiyanto/Pexels.

Nguyên nhân

Một nghiên cứu năm 2023 được công bố trên tạp chí Tâm lý học BMC cho thấy những thanh thiếu niên hay lo lắng, trầm cảm, có hành vi tìm kiếm sự chú ý và cảm cảm thấy bản thân ít được giúp đỡ có nhiều khả năng sadfishing hơn.

Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng trong thời niên thiếu, các cậu bé có xu hướng tham gia sadfising thường xuyên hơn song xu hướng này sẽ giảm dần khi chúng lớn lên. Mặt khác, đối với các cô gái, hành vi sadfising thực sự tăng theo độ tuổi.

Thêm vào đó, nghiên cứu Denial, Attention-Seeking, and Posting Online While Intoxicated: Three Key Predictors of Collegiate Sadfishing (tạm dịch: Chối bỏ, tìm kiếm sự chú ý và đăng lên mạng xã hội khi đang say: Ba yếu tố dự báo chính về hành vi sadfishing ở trường đại học) đăng tải trên trang Mary Ann Liebert đã chia sẻ bốn nguyên nhân dẫn đến việc “câu” sự chú ý bằng nỗi buồn này.

Chối bỏ cảm xúc: Chối bỏ là một cơ chế phòng vệ của một người khi phải đối mặt với những cảm giác hay sự kiện đau đớn. Một số sinh viên có hành vi này khi không thể giải quyết các vấn đề cảm xúc của mình. Theo đó, họ chuyển sang dùng mạng xã hội để thể hiện cảm xúc quá mức cũng như tìm kiếm sự thấu hiểu và đồng cảm. Tuy nhiên, đây chỉ là một lối thoát tạm thời và sẽ không giúp quản lý cảm xúc hay cải thiện vấn đề thật sự.
Nghiện ngập: Rượu hay đồ uống có cồn có thể làm suy giảm khả năng kiềm chế và phán đoán của mỗi người. Hậu quả, khi uống quá nhiều, sinh viên dễ đăng những bài viết bốc đồng và cảm xúc quá trớn nhằm thu hút sự chú ý và cảm thông.
Rối loạn nhân cách: Hành vi tìm kiếm sự chú ý có thể liên quan đến chứng rối loạn nhân cách. Nghiên cứu cho thấy những sinh viên có đặc điểm rối loạn nhân cách kịch tính (Histrionic personality disorder - HPD) có xu hướng sadfishing hơn vì họ thích tìm kiếm sự chú ý và công nhận đồng thời cảm thấy không thoải mái khi không là tâm điểm.
Gắn bó lo âu: Sadfishing cũng có thể xảy ra vì một người có kiểu gắn bó lo âu (anxious attachment style). Những người có kiểu gắn bó này có nhu cầu được công nhận cao và sợ bị từ chối. Theo đó, họ dễ dàng sadfishing vì mong được chú ý, yêu thương và chăm sóc.

Tuy nhiên, sadfising là hành động thao túng cảm xúc của người khác để trục lợi cá nhân. Dù mọi người dễ đồng cảm và có xu hướng đề nghị giúp đỡ khi xem những bài đăng như vậy, việc phát hiện ra rằng người đó đang phóng đại hoặc thậm chí giả vờ buồn bã có thể khiến họ cảm thấy như bị lừa dối và dễ bị tổn thương.

Dần dà, điều này làm sụp đổ niềm tin và khiến họ dễ thờ ơ hơn trước những lời cầu xin giúp đỡ trong tương lai.

 Không phải ai lên mạng xã hội than thở cũng là đang sadfishing. Ảnh minh họa: cottonbro studio/Pexels.

Không phải ai lên mạng xã hội than thở cũng là đang sadfishing. Ảnh minh họa: cottonbro studio/Pexels.

Nhận biết

Nhận biết sự chân thành của một bài đăng trên mạng không phải là một bài toán dễ. Dù một vài người đang làm quá cảm xúc của mình, họ có thực sự có thể vẫn tìm kiếm sự hỗ trợ hay kết nối tinh thần để giảm bớt sự cô đơn.

Tuy nhiên, vẫn có một số dấu hiệu sau đây để chúng ta xác định đối phương đang thực sự cần giúp đỡ:

Tần suất: Họ thường xuyên đăng bài về những khó khăn tinh thần hay cảm giác như bị cô lập kèm những câu nói như: "Cuộc sống quá khó khăn", "Thà ở một mình còn hơn".
Bối cảnh: Những sự kiện gây tổn thương và đau buồn chẳng hạn như một cuộc chia tay hoặc biến động trong gia đình có thể khiến một người có những bài đăng đầy cảm xúc trên mạng xã hội. Tuy nhiên, sadfishing thì thường mập mờ và không rõ ràng về nội dung.
Tự cô lập: Họ đang đẩy mọi người ra xa hoặc tự cô lập mình với những người xung quanh khiến họ trông như bất lực.
Sức khỏe yếu: Họ thường xuyên mệt mỏi, ngủ ít hoặc vắng mặt do sức khỏe kém. Đây có thể là dấu hiệu của sự căng thẳng tích tụ và các vấn đề sức khỏe tâm thần kéo dài.

Vì rất khó để phân biệt các bài viết kiếm sự chú ý với những lời kêu cứu thực sự, tốt nhất chúng ta vẫn nên xem xét chúng một cách nghiêm túc và đáp lại bằng lòng tốt và sự đồng cảm.

Thay vì suy đoán hoặc để lại những nhận xét thông cảm, mọi người có thể thử gọi điện hoặc nhắn tin cho người đăng và tốt hơn nữa là yêu cầu họ gặp mặt trực tiếp.

Thiên Thanh

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/dung-noi-buon-de-cau-su-chu-y-post1483367.html