Đừng phỉ báng lịch sử!
Thành phố Vinh (Nghệ An) vừa khởi công xây dựng tượng đài Lênin. Việc thành phố này đã có con đường mang tên vị lãnh tụ phong trào cộng sản quốc tế, nay có thêm tượng Lênin ở đầu con đường này cũng là hợp lẽ. Tượng đài là món quà mà tỉnh Ulyanovsk (Nga), quê hương của Lênin trao, tặng quê hương cách mạng Nghệ An để đánh dấu mối quan hệ Việt - Nga, đặc biệt giữa tỉnh Nghệ An với tỉnh Ulyanovsk. Đây là việc làm hết sức bình thường của một địa phương, vừa tạo cảnh quan xây dựng vừa thể hiện tình đoàn kết quốc tế. Thế nhưng ngay lập tức, hàng loạt trang mạng thù địch với Nhà nước Việt Nam cùng tài khoản facebook của các 'nhà dân chủ' trong nước đã xuyên tạc câu chuyện này nhằm hạ uy tín của chính quyền tỉnh Nghệ An và Nhà nước Việt Nam.
Ngày 19-2, trang Người Việt có bài: Dân mạng ngán ngẩm vụ dựng tượng Lênin ở thành phố Vinh. Bài viết có đoạn: Việc thành phố Vinh dựng tượng Lênin diễn ra trong bối cảnh ngay tại các xứ sở cách mạng Tháng 10 có hàng trăm tượng Lênin bị đập bỏ, kéo lê trên đường phố. Cũng ngày 19-2, Đài Á Châu tự do đăng bài: Phản ứng về việc dựng tượng Lênin tại Nghệ An. Bài báo có đoạn: ...việc xây dựng tượng Lênin tại trung tâm thành phố Vinh gặp nhiều phản đối từ phía người dân, không chỉ vì số tiền bỏ ra quá lớn so với một tỉnh như Nghệ An, mà còn vì việc này không đem lại ý nghĩa thiết thực cho đời sống nhân dân. Thậm chí ngày 26-2, trang tin Thời báo.DE còn đăng bài: Bị phản đối - Nghệ An lên tiếng bác bỏ “tin xuyên tạc” về tượng Lênin. Rồi ngày 22-2, Trang VOA tiếng Việt có bài: Nghệ An dựng tượng Lênin là hoàn toàn... hợp lý! của tác giả Trân Văn. Chính tác giả cũng thừa nhận: “Sự kiện Nghệ An sắp khánh thành một công viên diện tích 4.300 mét vuông ở trung tâm thành phố Vinh để đặt tượng Lênin (bằng đồng, cao ba mét là quà do tỉnh Ulyanovsk của Liên bang Nga tặng)...”. Vậy mà kết bài, tác giả lại viết: Nhiều người dè bỉu, phẫn nộ trước việc chính quyền tỉnh Nghệ An trâng tráo khi vừa ngửa tay xin tiền hỗ trợ hết năm này tới năm khác, vừa bày ra đủ loại dự án, công trình như tượng đài Lênin... Dẫn ra như thế để bạn đọc thấy, chính tác giả Trân Văn mới là kẻ trâng tráo, tiền hậu bất nhất!
Thực ra, cách đưa thông tin một chiều, nửa kín nửa hở hoặc nói trắng thành đen, không có vẫn khẳng định nhiều lần là có... vốn là thủ đoạn truyền thông quen thuộc nhằm lừa bịp dư luận của những tổ chức, cá nhân chống phá Việt Nam quen mặt. Lần này, luận điểm chung của các trang mạng phản động, những “nhà dân chủ cuội” là phản đối chính quyền Nghệ An xây tượng với các lý do như Nghệ An nghèo, xây tượng lãng phí, tốn kém. Thậm chí còn có ý kiến ác ý hơn, nói rằng sao lại đặt tượng Lênin ở Nghệ An trong khi nhiều nước Đông Âu đã đập bỏ?
Xâu chuỗi lại các luận điểm, luận điệu về việc này sẽ thấy rằng, các trang mạng thù địch, các “nhà dân chủ” làm rùm beng việc tỉnh Nghệ An xây dựng tượng đài Lênin vẫn chỉ là chuyện mượn gió bẻ măng như lâu nay họ vẫn làm. Trước hết, việc dựng tượng không gây tốn kém, lãng phí bởi tượng Lênin đã được chính quyền tỉnh Ulyanovsk tặng. Việc xây dựng tượng đài Lênin được lãnh đạo 2 nước Việt - Nga thống nhất, xây dựng kế hoạch trong quan hệ ngoại giao từ trước. Khu đất mà tỉnh Nghệ An dựng tượng không phải đất thu hồi của dân mà là khu đất trống. Xây dựng các công trình phúc lợi để tạo cảnh quan, diện mạo mới cho thành phố nhằm phục vụ văn hóa cộng đồng, cũng là để thể hiện tình đoàn kết với nước Nga anh em là việc làm rất đáng trân trọng của quê hương giàu truyền thống cách mạng như Nghệ An. Để ghi dấu những năm tháng lịch sử hào hùng của địa phương, Nghệ An đã đặt tên đường Lênin ở một vị trí trung tâm của thành phố Vinh. Bởi vậy, việc có thêm tượng Lênin ngay đầu đường Lênin vừa tạo được dấu ấn lịch sử vừa phù hợp với quy hoạch và tôn lên vẻ đẹp của không gian kiến trúc thành phố. Còn việc một số nước Đông Âu dỡ bỏ tượng Lênin là bởi những nước này đã thay đổi chế độ chính trị. Việt Nam vẫn kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội theo học thuyết Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Nước Nga nói riêng và Liên Xô cũ nói chung đã giúp đỡ Việt Nam vô điều kiện trong các cuộc chiến tranh chống ngoại xâm, giành độc lập dân tộc. Không những thế, chính học thuyết của chủ nghĩa Mác - Lênin đã soi đường dẫn lối cho Bác, cho Đảng ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, thì việc tri ân nước Nga, tri ân lãnh tụ Lênin có gì mà không hợp lý!? Thêm nữa, tượng đài của Chủ tịch Hồ Chí Minh được xây dựng tại 20 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới thì việc Nghệ An - địa phương kết nghĩa với thành phố quê hương Lênin và dựng tượng đài của ông cũng giống như nhiều địa phương, đất nước khác dựng tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh vậy. Vậy mà họ không thấy những luận điệu xuyên tạc của họ là rất phiến diện, ác ý và thậm chí vô lý.
Cái không hợp lý ở đây chính là việc các tổ chức, cá nhân thù địch, chống phá Nhà nước Việt Nam cố làm rùm beng một việc hết sức bình thường. Và ai cũng hiểu, chuyện phản đối dựng tượng Lênin chỉ là cái cớ. Có người nhân danh trí thức, nhân danh nhà cải cách, viết “thư ngỏ”, “kiến nghị” - một hình thức dễ nhầm lẫn với ý tưởng khoa học, nhưng nội dung lại không phải như vậy. Mục đích chính của họ là nhân chuyện phản đối Nghệ An dựng tượng Lênin để xuyên tạc, phủ định học thuyết Mác - Lênin, bởi họ không muốn Việt Nam tiếp tục phát triển theo con đường xã hội chủ nghĩa. Thâm ý sâu xa hơn là hạ thấp vị trí, vai trò của học thuyết Mác - Lênin đối với cách mạng Việt Nam.
Vẫn biết, mỗi cá nhân có suy nghĩ, quan điểm ủng hộ hay không ủng hộ hệ tư tưởng, lý luận hay một vấn đề cụ thể nào đó. Nhưng quan điểm nào cũng phải tôn trọng hiện thực khách quan, tôn trọng những giá trị thuộc về lịch sử. Cái gì đã thuộc về khoa học, giá trị văn minh nhân loại thì chớ nên phỉ báng, coi thường, bởi một ý chí cá nhân thì làm sao sáng tỏ hơn trí tuệ của nhân loại!
Nguồn Bình Phước: http://baobinhphuoc.com.vn/content/dung-phi-bang-lich-su-433314