Dung Quất - cửa biển 2.000 năm

Các bảo tàng trong nước trưng bày về văn hóa Sa Huỳnh, có một bức ảnh rất thu hút người xem, đó là quang cảnh khai quật di chỉ Gò Quê (niên đại sơ kỳ sắt) ở xã Bình Đông, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Toàn cảnh giống như một đại công trường, nhấp nhô những đồi cát, hố khai quật rộng mênh mông, mở ra cánh cửa đi vào thế giới đang chìm trong giấc ngủ 2.000 năm.

Chum táng người chết kèm theo của cải được trưng bày tại Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Quảng Ngãi. Ảnh: Văn Chương

Chum táng người chết kèm theo của cải được trưng bày tại Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Quảng Ngãi. Ảnh: Văn Chương

Năm 2004, trong quá trình khởi công xây dựng Nhà máy đóng tàu Dung Quất, công nhân san ủi đã phải dừng lại, tò mò với những cổ vật bỗng nhiên trồi lên mặt đất. Giới săn lùng cổ vật trong nước vào thời điểm đó cũng nhắc về việc tại khu vực cửa biển Sa Cần nằm cạnh nhà máy đóng tàu là nơi thỉnh thoảng phát hiện thấy những cổ vật lạ của người tiền sử Sa Huỳnh, cùng với những đồn đoán với vẻ huyền bí. Còn lần này, nhiều cổ vật được giới thiệu đến công chúng, bao gồm các vật dụng đồ đồng, hạt khuyên tai có màu vàng như hổ phách, chum tùy táng loại lớn.

Đầu năm 2005, di chỉ Gò Quê được các nhà khảo cổ chính thức khai quật. Vì nằm trải dài trên một cồn cát rộng, không có bóng cây cối, không nhà cửa che khuất, nên tấm ảnh hiện trường khai quật khá ấn tượng. Các nhà khảo cổ dù gặp thuận lợi ở việc xới xuống lớp cát mềm, nhưng do Gò Quê vốn là cồn cát cổ được bồi tụ rất cao, từ bề mặt cồn cát đến lớp đất cát có chôn các mộ chum, chiều dày phải đào trung bình từ 5 đến 6m. Do là cồn cát nằm ngay bờ vịnh Dung Quất, hai bên là các đồi thấp nên gió ở đây rất mạnh đã lùa cát từ nơi này sang nơi khác.

Việc xác định biên mộ là khó khăn, vì đặc thù của khu chôn cất là cát nên hầu như không tìm được biên mộ để xác định, từ đó, đào xắn xuống dưới lớp cát sâu. Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam đã có báo cáo chi tiết: “Các quan tài chum văn hóa Sa Huỳnh ở Gò Quê có kích thước lớn, đường kính trung bình thân chum khoảng 0,7m, chiều cao ước khoảng 1m, xương gốm thô và dày. Đáng chú ý, để làm chum, người ta đã giã nhỏ đá ong laterit và thạch anh trộn lẫn đất sét và cát để làm xương gốm”.

Chum ở Gò Quê có đặc điểm, thân chum được chế tác bằng tay theo kỹ thuật dải cuộn. Quan sát các chum đều thấy có những vệt đen của lửa nung theo kỹ thuật đốt ngoài trời. Các quan tài chum được chôn đứng theo từng cụm khoảng 4, 5 chiếc cạnh nhau. Những người về thế giới bên kia nhưng vẫn được ở cạnh nhau như một xóm làng.

Việc khai quật di chỉ ở Gò Quê đã làm hiện ra viễn cảnh về những xóm làng của người tiền sử Sa Huỳnh từng sống dọc bờ biển Việt Nam, định cư chủ yếu dọc hai bên vùng đất thấp thuộc các con sông dọc bờ biển miền Trung Việt Nam, trải dài từ Quảng Bình cho đến Phú Yên. Những xóm làng của người Sa Huỳnh ở Quảng Ngãi thường tập trung ở các khu vực có cửa biển để đi thuyền đánh bắt, đặc biệt là khu vực có đầm nước mặn, có ruộng sản xuất muối để vừa làm gia vị nấu nướng, đồng thời cũng là mặt hàng chiến lược để đổi lấy các loại sản vật ở miền núi đưa xuống đồng bằng.

Người Sa Huỳnh làm nông, đi biển và còn là những cư dân sớm giao thương với thế giới bên ngoài, vì những cổ vật được tìm thấy trong cộng đồng người Sa Huỳnh có các đồng tiền Ngũ Thủ và Vương Mãng (đầu thế kỷ thứ I trước Công nguyên), các gương đồng của nhà Tây Hán, đỉnh đồng nhà Đông Hán.

Quang cảnh khai quật khu mộ táng của người tiền sử Sa Huỳnh ở Gò Quê, nằm cạnh cửa biển Sa Cần, tỉnh Quảng Ngãi. Ảnh: tư liệu

Quang cảnh khai quật khu mộ táng của người tiền sử Sa Huỳnh ở Gò Quê, nằm cạnh cửa biển Sa Cần, tỉnh Quảng Ngãi. Ảnh: tư liệu

Tỉnh Quảng Ngãi có một số vùng nằm giáp biển là nơi người Sa Huỳnh định cư lâu dài, có cánh đồng muối, đó là xã Bình Châu, huyện Bình Sơn; phường Phổ Thạnh (địa danh Sa Huỳnh), thị xã Đức Phổ và huyện đảo Lý Sơn. Tại di chỉ Sa Huỳnh, từ các cổ vật được tìm kiếm đã giúp khái quát lại cuộc sống quần cư của người tiền sử bên bờ biển, hằng ngày ra biển đánh bắt cá, hoặc có thể đánh cá ngay trong đầm nước ngọt An Khê. Bên cạnh đó, người Sa Huỳnh tại khu vực này có thể dễ dàng giao thương với người dân vùng cao từ một nhánh của dãy Trường Sơn rẽ xuống biển.

Văn hóa Sa Huỳnh là một trong 3 cái nôi cổ xưa về văn minh trên lãnh thổ Việt Nam, cùng với văn hóa Đông Sơn và văn hóa Óc Eo. Các nhà nghiên cứu vẫn còn nhiều câu hỏi về số phận của người tiền sử Sa Huỳnh. Nhưng điểm khai quật ở Gò Quê đã càng chứng minh về hoạt động giao thương của người Sa Huỳnh từ 2.000 năm trước. Các nhà khảo cổ phát hiện lẫn trong đồ tùy táng có dao găm hình chữ T và khi chôn thì lưỡi bẻ cong, giáo đồng hình lá mía, khiên đồng... đều mang đặc trưng của văn hóa Đông Sơn ở phía Bắc.

Thời các vùng miền bị chia cắt bởi núi rừng dày đặc, cộng với thú dữ, những hoạt động giao thương này chỉ có thể diễn ra thuận lợi nhất thông qua tuyến đường ven biển. Và Gò Quê nằm cạnh cửa biển Sa Cần cũng chính là cửa biển diễn ra các hoạt động giao thương suốt 2.000 năm và giờ đây, hoạt động này đang tiếp tục diễn ra ở vịnh nước sâu Dung Quất.

Lê Văn Chương

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/dung-quat-cua-bien-2000-nam-post449113.html