Dừng rút giấy phép kinh doanh của 5 đầu mối xăng dầu
Việc tạm dừng được thực hiện cho đến khi các đoàn thanh tra báo cáo kết quả thanh tra với Ban cán sự Đảng Bộ Công Thương xem xét.
Trao đổi với Zing, lãnh đạo một doanh nghiệp đầu mối thuộc nhóm bị rút giấy phép cho biết đơn vị vừa nhận được văn bản của thanh tra Bộ Công Thương thông báo về việc tạm dừng áp dụng hình thức xử phạt bổ sung tước giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu.
Theo đó, trên cơ sở báo cáo, kiến nghị của một số thương nhân đầu mối bị tước giấy phép và một số địa phương, để tránh nguy cơ đứt gãy nguồn cung xăng dầu, Ban cán sự Đảng Bộ Công Thương đã ban hành nghị quyết thống nhất tạm dừng áp dụng hình thức xử phạt bổ sung tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp này vẫn phải thực hiện nghiêm túc hình thức phạt tiền theo quyết định xử phạt vi phạm hành chính đã ban hành.
"Trước mắt chúng tôi phải gỡ rối tạm thời đã", lãnh đạo doanh nghiệp trả lời khi được hỏi về việc Bộ Công Thương vẫn sẽ rút giấy phép kinh doanh vào một thời điểm khác.
Ngày 31/8, Chánh thanh tra Bộ Công Thương đã ký quyết định xử phạt vi phạm hành chính và tước giấy phép kinh doanh xuất nhập khẩu đối với 5 doanh nghiệp đầu mối gồm: Công ty cổ phần Thương mại dầu khí Đồng Tháp, Công ty cổ phần xuất nhập khẩu xăng dầu Tín Nghĩa, Công ty TNHH MTV Dầu khí TP.HCM, Công ty TNHH xăng dầu Hùng Hậu và Công ty cổ phần dầu khí Đông Phương.
Trong công văn, thanh tra Bộ Công Thương yêu cầu doanh nghiệp sau khi nhận quyết định xử phạt vi phạm hành chính, phải ban hành văn bản gửi thông báo đến các đơn vị liên quan để giám sát, xử lý việc thực hiện quyết định xử phạt theo quy định.
Đồng thời, yêu cầu doanh nghiệp vi phạm thực hiện việc bàn giao giấy phép kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu cho thanh tra Bộ Công Thương tại trụ sở các cơ quan đại diện của Bộ Công Thương tại TP.HCM.
Thanh tra Bộ Công Thương cho biết 5 doanh nghiệp bị tước giấy phép vì không đáp ứng được điều kiện về hệ thống phân phối theo quy định tại Khoản 5 Điều 7 Nghị định 83 hoặc Khoản 6 Điều 1 Nghị định 95, do đó đã có hành vi "không đáp ứng điều kiện về hệ thống phân phối xăng dầu theo quy định" quy định tại Khoản 2 Điều 18 Nghị định 99/2020 sửa đổi.
Song, một số doanh nghiệp bị xử phạt đã có văn bản kiến nghị khẩn gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương kiến nghị dừng quyết định để tránh ảnh hưởng tới nguồn cung xăng dầu.
Như vậy, tính đến nay đã có 12 doanh nghiệp bị rút giấy phép kinh doanh có thời hạn sau đợt thanh tra 33 doanh nghiệp đầu mối của Bộ Công Thương. Hiện có 5 doanh nghiệp đã được trả giấy phép sau khi hết thời hạn xử phạt, 2 doanh nghiệp khác sẽ được hoàn trả giấy phép vào ngày 14/9.
Hiện, thanh tra Bộ đang tổng hợp xây dựng dự thảo Kết luận thanh tra việc chấp hành quy định của pháp luật trong hoạt động kinh doanh xăng dầu của một số thương nhân kinh doanh xăng dầu để trình lãnh đạo Bộ và dự kiến việc trình dự thảo ngay trong tháng 9.