'Dũng sĩ nhí' chiến đấu với Covid-19

Những bệnh nhi đang điều trị Covid-19 ở Trung tâm Y tế huyện Gia Lộc được ví như những 'dũng sĩ nhí' bởi các cháu đều khỏe mạnh, vui vẻ, hồn nhiên dù phải ở trong hoàn cảnh đặc biệt.

Điều dưỡng Nguyễn Thị Thu đo độ bão hòa oxy trong máu cho trẻ đang điều trị tại Trung tâm Y tế Gia Lộc

Điều dưỡng Nguyễn Thị Thu đo độ bão hòa oxy trong máu cho trẻ đang điều trị tại Trung tâm Y tế Gia Lộc

Ở Trung tâm Y tế huyện Gia Lộc-nơi đang điều trị nhiều bệnh nhân Covid-19 nhất tỉnh, có những bệnh nhi chỉ mới 3-4 tuổi. Được sự quan tâm, chăm sóc của các y bác sĩ, các cháu đã nhanh chóng thích nghi với hoàn cảnh, sức khỏe ổn định, thậm chí những "dũng sĩ nhí" này còn mang lại niềm vui cho nhiều người lớn đang điều trị ở đây.

Động lực của người lớn

Mặc chiếc váy mình thích nhất, cháu P.T.L. (4 tuổi) đứng giữa phòng điều trị bệnh nhân Covid-19 miệng hát, tay múa để ông nội quay video gửi cho bố mẹ xem. Hai cháu bé phòng đối diện nghe tiếng hát cũng chạy ra trước cửa đứng xem, nhoẻn miệng cười tươi.

Cháu L. quê ở xã Gia Khánh, là một trong 9 bệnh nhi mắc Covid-19 đang điều trị tại Khoa Truyền nhiễm và Khoa Y học cổ truyền thuộc Trung tâm Y tế huyện Gia Lộc. Gần nửa tháng điều trị tại đây, sức khỏe cháu L. ổn định, không có bất kỳ triệu chứng gì. Sống trong trung tâm những ngày qua, cháu đã quen với mọi thứ, nhớ cả tên những y, bác sĩ làm việc ở đây. Ngày nào mọi người trong khu cũng nghe thấy cháu hát. Có lúc cháu và những đứa trẻ cùng là bệnh nhân Covid-19 ở phòng đối diện còn trò chuyện bằng cử chỉ qua cửa sổ. Nghe lũ trẻ “buôn chuyện” hồn nhiên mà người lớn cũng phải phì cười, tinh thần vui vẻ, lạc quan hơn hẳn.

Ông P.V.V. và bà P.T.T. (ông bà nội của cháu L.) thở phào nhẹ nhõm khi thấy cháu ngoan, sức khỏe ổn định, vì thế ông bà cũng yên tâm điều trị. Đầu tháng 8, bố mẹ của cháu L. phát hiện mắc Covid-19 trong cùng 1 ngày. Chưa đầy 24 tiếng sau, vợ chồng ông V., cháu L. và em trai ít hơn 2 tuổi cũng phát hiện mắc Covid-19. Vợ chồng ông V. và cháu L. điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Gia Lộc. Con trai, con dâu và cháu nội thứ hai phải chuyển lên Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tỉnh. Chưa bao giờ cả nhà rơi vào cảnh này nên mấy ngày đầu ông V. rầu rĩ, âu lo. Lo vì chủng mới Delta nguy hiểm, đọc tin tức thấy nhiều trẻ nhỏ trong miền Nam mắc Covid-19 diễn biến nặng, phải thở máy. Nghĩ về các cháu nội của mình, ông lo lắng, mất ngủ mấy đêm liền. Nỗi lo càng tăng lên khi một số trẻ mắc Covid-19 vào điều trị tại Trung tâm Y tế Gia Lộc có biểu hiện ho kéo dài kèm theo sốt, quấy khóc…

Nhưng rồi lo lắng của ông V. đã nhanh chóng qua đi. Sức khỏe của các cháu, trong đó có cháu L. đang điều trị tại đây dần ổn định, không xuất hiện thêm triệu chứng. Con trai, con dâu và cháu nội ở Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tỉnh gọi điện báo tin sức khỏe bình thường, ăn uống, ngủ nghỉ như ở nhà làm ông bà bớt lo lắng nhiều. Tưởng như không được ở gần bố mẹ, cháu L. sẽ quấy khóc nhưng thật mừng vì cháu ngoan, nghe lời bác sĩ, ông bà. “Ngày nào cháu cũng gọi video cho bố mẹ. Thấy em trai khóc là dỗ dành, còn an ủi bố mẹ yên tâm chữa bệnh. Cháu L. hứa hằng ngày sẽ quay video hát cho bố mẹ nghe. Chúng tôi không còn phải lo lắng về tình trạng sức khỏe và tâm lý của cháu”, ông V. kể qua điện thoại.

Ở phòng kế bên, nơi chị P.T.H. và con trai N.H.M. (gần 3 tuổi) đang điều trị Covid-19 cũng thường xuyên đầy ắp tiếng cười. Chị H. kể ngày 10.8, hai mẹ con phải vào đây điều trị trong tâm trạng lo lắng, chán nản. Bản thân chị thường xuyên ho, đau ngực, khó thở. Cháu M. dù sức khỏe không có biểu hiện gì nhưng do lạ lẫm nên hay quấy khóc, đòi về nhà mỗi khi thấy bác sĩ vào kiểm tra… Nhưng rồi chỉ sau hai hôm, sức khỏe của chị H. đã ổn định trở lại. Con trai chị cũng dần quen với nơi đây, ăn uống, ngủ nghỉ tốt. Cháu M. chạy nhảy khắp phòng, nghịch luôn chân luôn tay, trong phòng có đồ vật gì là mang ra xếp thành đoàn tàu, ô tô để chơi. Hiếu động là thế nhưng mỗi lần thấy mẹ ho là cu cậu liền chạy lại vỗ về an ủi. Lần nào nghe thấy tiếng xe 115 của trung tâm, cháu M. lại chạy ra phía cửa sổ sau phòng ngó nghiêng, quan sát. “Thấy sức khỏe cháu ổn định, ăn uống, vui chơi như ở nhà, tôi không còn lo như lúc đầu”, chị H. nói.

Dù phải ở trong khu điều trị Covid-19 nhưng 2 chị em vẫn vui đùa cùng nhau như ở nhà

Dù phải ở trong khu điều trị Covid-19 nhưng 2 chị em vẫn vui đùa cùng nhau như ở nhà

Nỗ lực chăm sóc

Trung tâm Y tế huyện Gia Lộc đang điều trị cho 34 bệnh nhân mắc Covid-19. Ăn ở cùng trong khu điều trị F0 là đội ngũ bác sĩ, nhân viên y tế có trình độ chuyên môn vững vàng, nhiệt tình, trách nhiệm, được tập huấn kỹ lưỡng về công tác điều trị, phòng dịch, chống bội nhiễm. Mỗi kíp điều trị có 1 bác sĩ và 2 điều dưỡng. Lực lượng mỏng, lại phải điều trị, chăm sóc nhiều bệnh nhân trong một thời gian dài nên ai nấy đều khá mệt. Dù vậy, họ luôn làm việc hết mình để bệnh nhân được thoải mái, yên tâm.

Mặc dù những bệnh nhân điều trị tại trung tâm không thuộc diện nguy kịch nhưng vẫn cần theo dõi sát sao. Đặc biệt, ở đây có nhiều bệnh nhân là trẻ em, sức đề kháng yếu, dễ tổn thương, tâm lý chưa ổn định lại càng cần được quan tâm. Điều dưỡng Nguyễn Thị Thu làm việc trong khu điều trị cho biết các bệnh nhi cũng tầm tuổi con chị ở nhà. Thế nên chị rất thương, thấu hiểu và luôn tận tình chăm sóc các cháu. Ngoài điều trị về y tế, chị Thu và các đồng nghiệp thường xuyên hỏi thăm tình hình sức khỏe bệnh nhân. Chị còn hướng dẫn người lớn cách chăm sóc về tinh thần, dinh dưỡng cho trẻ nhỏ đang điều trị cùng. Đó có thể là bài tập vận động tại chỗ hay kể chuyện hoặc vui chơi cùng trẻ nhằm tạo tinh thần thoải mái nhất… “Nhiều đêm nhận được điện thoại của cha mẹ báo các cháu quấy khóc hoặc có triệu chứng như sốt, ho là chúng tôi có mặt ngay. Thật may vì đến thời điểm này, sức khỏe của các bệnh nhân nói chung, những bệnh nhi nói riêng đều ổn định nên chúng tôi vui mừng lắm”, chị Thu chia sẻ.

Phòng điều trị bệnh nhân mắc Covid-19 ở Trung tâm Y tế huyện Gia Lộc được vệ sinh, khử khuẩn hằng ngày, bảo đảm thoáng đãng. Đồ dùng trong phòng không nhiều nhưng đủ đáp ứng nhu cầu cơ bản cho bệnh nhân. Trung tâm còn lắp cả wifi để phục vụ nhu cầu liên lạc, giải trí cho cán bộ, nhân viên y tế và người bệnh. Chị P.T.N. đang điều trị tại đây chia sẻ: “Chúng tôi cần gì các bác sĩ cũng liên hệ ra ngoài mua hộ đủ cả. Riêng trẻ nhỏ được mọi người yêu thương, chăm sóc như con mình. Đồ ăn, thức uống hôm nào cũng hỏi ăn có đủ no không, có mặn nhạt hay ít món không để còn điều chỉnh. Nói chung, chúng tôi rất cảm động và hài lòng với tinh thần làm việc của đội ngũ y, bác sĩ ở đây”.

Trước khi vào Trung tâm Y tế huyện Gia Lộc điều trị Covid-19, nhiều bệnh nhân lo lắng vì nghe nói đi vào khu cách ly đặc biệt gò bó, không ai nói chuyện với ai, thiếu thốn đủ bề. Nhưng khi vào đây mới thấy mọi thứ đều không phải vậy. Có bác sĩ tận tâm, giàu tình cảm, cuộc sống nơi điều trị bệnh nhân mắc Covid-19 không tẻ nhạt, căng thẳng như những gì mọi người vẫn nghĩ.

Chị H. cho biết khoảng thời gian cùng con điều trị Covid-19 giúp chị sống chậm lại và nhận ra nhiều giá trị của cuộc sống. Chị thừa nhận bình thường hay đi sớm về khuya nên ít có thời gian chăm sóc, dạy dỗ con mà toàn thoái thác cho ông bà trông nom, tình cảm mẹ con vì thế cũng bị ảnh hưởng. Từ khi đi làm sau sinh đến nay, đây mới là lần đầu tiên chị có nhiều thời gian ở bên con như vậy. Chị H. bộc bạch: “Sau lần này về có lẽ tôi sẽ điều chỉnh lại công việc để dành nhiều thời gian ở bên chăm sóc không chỉ riêng con mà còn cho cả chồng và bố mẹ. Suy cho cùng, gia đình vẫn là số 1, thu nhập có giảm đi đôi chút cũng không sao. Các thành viên trong gia đình phải dành nhiều thời gian ở bên nhau, cùng gìn giữ, vun đắp tình cảm thì cuộc sống mới thực sự hạnh phúc”.

Ông V. cũng thừa nhận do bận bán hàng nên có rất ít thời gian ở bên trò chuyện và chăm sóc các cháu, để chúng sa đà vào ti vi, điện thoại quá nhiều... Ở trong trung tâm nhiều ngày, nhờ hướng dẫn từ các bác sĩ mà ông đã tiếp thu được nhiều kiến thức trong chăm sóc, nuôi dưỡng thể chất và tinh thần cho trẻ em.

Điều dưỡng Nguyễn Thị Thu rất vui vì các bệnh nhân sức khỏe ổn định, hài lòng với điều kiện của trung tâm nhưng không quên nhắc nhở mọi người dù trong này có đủ đầy thế nào thì cũng không bằng cuộc sống bên ngoài. Đối với trẻ em lại càng quan trọng hơn vì cần môi trường tự nhiên để phát triển thể chất, tinh thần, nhân cách, đạo đức… “Không gì bằng cuộc sống tự do như vốn có. Tôi vẫn nhắc nhở bệnh nhân muốn vậy thì mỗi người phải luôn cảnh giác, nêu cao ý thức hơn nữa trong thực hiện các quy định phòng chống dịch. Mỗi người dân làm tốt điều này sẽ tạo ra một lớp lá chắn giúp cộng đồng an toàn. Đây là tiền đề, sức mạnh để chúng ta chiến thắng giặc Covid-19”, chị Thu nói.

MẠNH ANH

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/y-te/dung-si-nhi-chien-dau-voi-covid-19-177071