Đừng tạo áp lực cho con cái bằng kỳ vọng của cha mẹ

Phụ huynh nào cũng muốn con cái mình thành đạt, giỏi giang. Tuy nhiên, thay vì ép con bằng mọi giá phải thành công, cha mẹ nên là người định hướng, giúp đỡ con trong cuộc sống. Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021 sắp diễn ra trong sự hồi hộp, lo lắng của nhiều thí sinh và phụ huynh học sinh. Đây cũng sẽ là bước ngoặt đầu đời của các sĩ tử khi phải tự đưa ra sự lựa chọn phù hợp về ngành nghề trong tương lai.

Áp lực thi cử là nỗi lo chung của các em học sinh, nhưng hãy cố gắng biến thành động lực để tự tin đạt được kết quả tốt.

Áp lực thi cử là nỗi lo chung của các em học sinh, nhưng hãy cố gắng biến thành động lực để tự tin đạt được kết quả tốt.

Áp lực thi cử, vấn đề tâm lý đè nặng

Trước những kỳ thi lớn, đa số các em học sinh gặp nhiều áp lực, khiến nhiều em cảm thấy mệt mỏi; gia đình càng đặt kỳ vọng bao nhiêu thì càng gây áp lực cho chính các em bấy nhiêu.

Đứng trước sự kỳ vọng của gia đình và bố mẹ, Nguyễn Hải Anh, huyện Vĩnh Tường (thí sinh có nguyện vọng xét tuyển vào Trường đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội) chia sẻ: “Bố mẹ cũng đặt nhiều kỳ vọng vào em trong kỳ thi năm nay. 2 anh chị của em học rất giỏi và có nhiều thành tích trong học tập, nên bố mẹ cũng muốn em cố gắng được như anh chị.

Tuy nhiên, cũng như 2 anh chị, bố mẹ chỉ định hướng, đưa một số ý kiến, lời khuyên và mong muốn em tự lựa chọn ngành nghề phù hợp cho bản thân, nên em cũng không thấy có nhiều áp lực. Bản thân em rất yêu thích môn Tiếng Anh, nên sẽ cố gắng thi đỗ Khoa Sư phạm Tiếng Anh, Trường đại học Ngoại ngữ để trở thành một giáo viên dạy Ngoại ngữ trong tương lai”.

Khác với Hải Anh, Bùi Thanh Cường, thành phố Vĩnh Yên (thí sinh có nguyện vọng xét tuyển vào Trường đại học Ngoại thương) tâm sự: “Bố mẹ em đặt rất nhiều kỳ vọng vào em trong kỳ thi này, do công tác trong một doanh nghiệp có tiếng ở Hà Nội, em thường nghe bố kể về nhiều bạn trạc tuổi là con của đồng nghiệp của bố có thành tích học rất tốt và trong kỳ thi năm nay có nguyện vọng vào nhiều trường đại học chất lượng cao, nên bố cũng muốn em thi vào một trong những trường danh tiếng để “nở mày nở mặt”.

Bố mong muốn em học về kinh doanh quốc tế để sau này khi ra trường sẽ có nhiều cơ hội việc làm với mức thu nhập ổn định, nhưng bản thân em lại thích học về tài chính - ngân hàng.

Thời gian đầu khi mới đưa ra ý kiến, em và bố cũng đã có nhiều quan điểm bất đồng, gây cho em nhiều áp lực.

Thật sự lúc đó em cảm thấy rất nản chí, mệt mỏi, căng thẳng, nhưng sau đó bố cũng hiểu được tâm lý của em và em được bố mẹ động viên rất nhiều. Bố mẹ đã đồng ý với nguyện vọng của em, ngoài ra còn góp ý cho em một số lời khuyên chứ không gây áp lực như trước, khiến tâm lý em hiện tại khá thoải mái để chuẩn bị bước vào kỳ thi một cách tự tin nhất”.

Biến áp lực thành động lực

Để việc học tập của con cái đạt hiệu quả, bố mẹ cần tạo động lực thay vì tạo áp lực cho con mình. Hãy động viên thay vì đưa ra sự ép buộc và hãy cố gắng là người thấu hiểu, đồng hành với con trong mùa thi cử quan trọng này.

Thay vì nói với con rằng: “Kỳ thi này nhất định phải đỗ”, thì các bậc phụ huynh hãy nói rằng: “Kỳ thi này chắc chắn có nhiều khó khăn, vất vả, nhưng con hãy cố gắng hết sức mình nhé!”.

Là một phụ huynh có con bước vào Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 sắp tới, chị Nguyễn Thị Ngân, phường Đồng Tâm, thành phố Vĩnh Yên cho biết: “Bậc làm cha mẹ như chúng tôi không muốn ép buộc hay áp đặt con cái mình phải theo ý gia đình theo học một ngành nghề các con không yêu thích.

Bản thân tôi năm nay cũng có con gái dự thi Kỳ thi tốt nghiệp THPT, ngay từ những năm đầu cấp 3 và nhất là thời gian của năm lớp 12, gia đình tôi đã định hướng, tư vấn cho cháu những trường phù hợp nhất. Khả năng, sở thích của con theo đuổi được nghề nào thì con sẽ tự lựa chọn trường phù hợp mà con mong muốn.

Vợ chồng tôi không muốn tạo áp lực cho con, vì tôi nghĩ càng kỳ vọng, hy vọng nhiều thì sẽ gây căng thẳng, tâm lý không tốt ảnh hưởng đến chính con mình, tạo cho con gánh nặng về thành tích. Nên theo tôi, cha mẹ chỉ nên là người định hướng, tư vấn cho con chứ không gây áp lực cho con, nhất là trong kỳ thi quan trọng này".

Còn theo chị Phạm Thị Bích, huyện Sông Lô chia sẻ: “Tôi nghĩ không nên tạo áp lực đối với các con, vì khả năng của mỗi người đều khác nhau, không nên quá đặt kỳ vọng vào là con phải đạt điểm cao, phải đỗ một trường đại học tốt. Nếu vô tình ép con như vậy, sẽ dễ dẫn đến hướng đi sai lệch từ nhận thức tư duy của con đến nghề nghiệp cho tương lai sau này.

Năm nay, con trai tôi cũng chuẩn bị bước vào Kỳ thi tốt nghiệp THPT. Cháu đã có nguyện vọng xét tuyển vào Khoa Mạng máy tính và truyền thông dữ liệu, Trường đại học Công nghiệp Hà Nội. Gia đình tôi cũng rất tán thành và động viên con giữ vững tâm lý, nghỉ ngơi hợp lý xen kẽ những giờ ôn tập căng thẳng, ăn uống đầy đủ chất để đảm bảo sức khỏe tốt chuẩn bị cho kỳ thi một cách thoải mái và bình tĩnh nhất”.

Học tập để trau dồi, tích lỹ kiến thức là cả một quá trình dài cố gắng, nỗ lực không ngừng của các em học sinh. Vì vậy, trong “cuộc chiến” đầy căng thẳng này, các bậc phụ huynh nên là người tư vấn, hướng nghiệp cho con. Đồng thời, nên tạo động lực, động viên, thay vì áp lực đối với chuyện học hành, thi cử.

Bài, ảnh: Huyền Linh

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/giao-duc/64321/dung-tao-ap-luc-cho-con-cai-bang-ky-vong-cua-cha-me.html