Sôi nổi các phong trào thi đua trong ngành Giáo dục và Đào tạo

Các phong trào thi đua trong ngành Giáo dục và Đào tạo Ninh Bình thời gian qua đã được triển khai sâu rộng đến các cơ quan, đơn vị và đạt được hiệu quả thiết thực với nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo.

Đội tuyển học sinh giỏi quốc gia môn Sinh học tỉnh Ninh Bình, năm học 2023-2024.

Đội tuyển học sinh giỏi quốc gia môn Sinh học tỉnh Ninh Bình, năm học 2023-2024.

Xác định phong trào thi đua "Đổi mới, sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và học tập" là khâu cốt lõi trong nâng cao chất lượng giáo dục, ngành GD&ĐT đã triển khai nhiều giải pháp linh hoạt, sáng tạo; chú trọng công tác bồi dưỡng đội ngũ để duy trì và củng cố chất lượng giáo dục toàn diện; nâng cao chất lượng công tác học sinh giỏi.

Cô giáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Tổ trưởng Tổ Sinh học, Trường THPT chuyên Lương Văn Tụy, Chủ nhiệm Đội tuyển học sinh giỏi quốc gia môn Sinh học tỉnh Ninh Bình, năm học 2023-2024 cho biết: Trong Kỳ thi học sinh giỏi quốc gia năm học 2023-2024, Đội tuyển học sinh giỏi môn Sinh học có bứt phá mạnh mẽ với 8/8 học sinh đoạt giải quốc gia (2 giải nhì, 4 giải ba, 2 giải khuyến khích).

Để đạt được kết quả này, Sở Giáo dục và Đào tạo, Ban giám hiệu Trường THPT chuyên Lương Văn Tụy đã tập trung chỉ đạo, có chiến lược cụ thế, kế hoạch chi tiết, xác định rõ mục tiêu và sâu sát, động viên các đội tuyển trong công tác bồi dưỡng học sinh giỏi. Bên cạnh đó là sự nỗ lực đổi mới, sáng tạo trong tập huấn của giáo viên, học sinh. Trong đó, tổ nhóm chuyên môn đã nỗ lực tìm tòi, trăn trở soạn giảng nhiều kiến thức nâng cao; quan tâm chọn nguồn học sinh giỏi; luôn sát cánh, động viên tinh thần, thổi lửa đam mê cho các em trong quá trình tập huấn nhằm khơi gợi sự sáng tạo của mỗi học sinh.

Để tạo môi trường giáo dục hiện đại, an toàn, thân thiện, đáp ứng Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, phong trào "Xây dựng trường học xanh, sạch, đẹp, an toàn, hạnh phúc" được ngành GD&ĐT quan tâm đẩy mạnh, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ. Qua thực hiện phong trào, cảnh quan môi trường, khuôn viên, các phòng học, sân chơi, bãi tập, nhà vệ sinh trong các nhà trường đã đảm bảo xanh, sạch, đẹp; tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao tạo cho học sinh sự năng động, tích cực tham gia các hoạt động tập thể.

Trường THCS Khánh Thành có môi trường học tập xanh, sạch đẹp.

Trường THCS Khánh Thành có môi trường học tập xanh, sạch đẹp.

Thầy giáo Hoàng Văn Tuấn, Hiệu trưởng Trường THCS Khánh Thành (Yên Khánh) cho biết: Nhà trường tích cực tham mưu với chính quyền địa phương huy động các nguồn lực xã hội đầu tư cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục. Từ đầu năm 2020 đến nay, nhà trường được đầu tư xây mới 6 phòng học bộ môn, 15 phòng học và các công trình phụ trợ; sửa chữa khu hiệu bộ và xây công trình vệ sinh với kinh phí đầu tư khoảng 25 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Nhà nước, địa phương và xã hội hóa.

Cơ sở vật chất của nhà trường ngày càng khang trang, sạch đẹp, trang thiết bị dạy học được đầu tư theo hướng hiện đại. Khuôn viên nhà được quy hoạch khoa học, môi trường xanh, sạch đẹp; sân chơi bãi tập của học sinh được bố trí riêng biệt. Sân chơi đổ bê tông có diện tích 4.180 m2 được trồng nhiều cây xanh tạo không gian thoáng mát cho học sinh vui chơi, giải trí và tổ chức các hoạt động thể dục, thể thao.

Nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức và giáo viên về tinh thần, thái độ làm việc, các chuẩn mực giao tiếp, ứng xử, đạo đức, lối sống, tiếp tục xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức và giáo viên của ngành có kỷ cương, trách nhiệm, tận tụy với công việc, Sở GD&ĐT đã ban hành kế hoạch về việc tổ chức thực hiện phong trào "Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở" ngành Giáo dục tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2019-2025.

Trong đó, Sở đã tổ chức các lớp bồi dưỡng chuyên đề cho trên 1.200 cán bộ quản lý, giáo viên, gồm các chuyên đề: "Đạo đức công vụ, đạo đức nhà giáo và văn hóa giao tiếp trong nhà trường"; "Văn hóa ứng xử trong môi trường học đường và các biện pháp ứng xử của Hiệu trưởng khi xảy ra xung đột giữa nhà trường, nhà giáo với học sinh và phụ huynh học sinh; kỹ năng ứng xử với báo chí, truyền thông và các lực lượng xã hội khác"; "Xây dựng hình ảnh nhà giáo trong thời đại số; các biện pháp xử lý khủng hoảng truyền thông và quan hệ báo chí" cho cán bộ quản lý, giáo viên cốt cán.

Thầy giáo Đỗ Thắng, Phó Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Gia Viễn cho biết: Nhằm nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ nhà giáo, Phòng GD&ĐT huyện Gia Viễn thường xuyên quan tâm tổ chức các lớp chuyên đề cho giáo viên về đổi mới giáo dục, ôn tập cho học sinh tham gia thi tuyển sinh lớp 10 THPT, đào tạo nâng cao nhận thức, phát triển năng lực, kỹ năng số cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trong toàn ngành; chỉ đạo nhà trường tạo điều kiện cho giáo viên tích cực, chủ động trong tự bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng sư phạm đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục.

Cùng với đó, các phong trào thi đua "Lao động giỏi, lao động sáng tạo" tiếp tục được đẩy mạnh trong cán bộ, giáo viên và học sinh các cấp học. Năm 2023, toàn ngành GD&ĐT có khoảng trên 4.000 sáng kiến cấp trường, có 336 sáng kiến được công nhận cấp ngành. Các sáng kiến có tính thực tiễn cao được ứng dụng rộng rãi trong ngành có sức lan tỏa rộng, giúp cán bộ, giáo viên, học sinh dễ dàng ứng dụng và trải nghiệm trong trong công tác giảng dạy và học tập.

Thư viện Trường THPT Tạ Uyên (Yên Mô) được đầu tư khang trang, đa dạng sách, báo phục vụ giáo viên, học sinh trong học tập, giảng dạy.

Thư viện Trường THPT Tạ Uyên (Yên Mô) được đầu tư khang trang, đa dạng sách, báo phục vụ giáo viên, học sinh trong học tập, giảng dạy.

Cùng với đó, ngành GD&ĐT đã triển khai có hiệu quả các phong trào xây dựng cơ quan "An toàn về an ninh, trật tự", cơ quan "Đạt chuẩn văn hóa", "Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới", "Cả nước chung tay vì người nghèo - không ai bị bỏ lại phía sau", "Tặng sách cho em"; tiếp tục thực hiện tốt cuộc vận động "Mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo"; đẩy mạnh thực hiện Đề án "Tuyên truyền gương điển hình tiên tiến giai đoạn 2022-2025"; các hoạt động chào mừng kỷ niệm l0 năm Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới (2014-2024), tổ chức thực hiện các phong trào thi đua lập thành tích chào mừng kỷ niệm các ngày lễ lớn trong năm; đặc biệt là chào mừng kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, chào mừng kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam…

Thông qua các phong trào thi đua, các cuộc vận động đã khơi dậy ý thức trách nhiệm, động viên, khích lệ cán bộ, giáo viên và học sinh toàn ngành phấn đấu, nỗ lực và đạt nhiều thành tích cao, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm học.

Từ các phong trào thi đua yêu nước đã xuất hiện nhiều tập thể và cá nhân điển hình tiên tiến được đề nghị Đảng, Nhà nước, Bộ GD&ĐT, UBND tỉnh khen thưởng.

Năm 2023, nhiều tập thể, cá nhân trong ngành đã đạt nhiều thành tích, được đề nghị tặng các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng của các cấp. Toàn ngành có 1 tập thể được tặng Huân chương Độc lập hạng Nhì; 1 tập thể được tặng Huân chương Lao động hạng Nhì; 6 nhà giáo được tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú; 2 cá nhân đề nghị tặng Bằng khen Thủ tướng Chính phủ; 26 tập thể được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT tặng Bằng khen; 4 tập thể được UBND tỉnh tặng Cờ thi đua xuất sắc; 12 tập thể UBND tỉnh tặng danh hiệu Tập thể Lao động xuất sắc; 5 cá nhân UBND tỉnh tặng danh hiệu Chiến sỹ thi đua cấp tỉnh; 30 tập thể, cá nhân Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen và nhiều danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng khác.

Sở GD&ĐT tỉnh Ninh Bình là tập thể tiêu biểu và dẫn đầu đã được các đơn vị trong Khối thi đua sở, ngành văn xã; được Hội đồng thi đua, khen thưởng các cấp đề nghị Chính phủ tặng Cờ thi đua xuất sắc.

Bài, ảnh: Tiến Minh

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/soi-noi-cac-phong-trao-thi-dua-trong-nganh-giao-duc-va-dao/d20240703105511289.htm