Dùng thuốc trị trào ngược acid dạ dày

Gần đây tôi thấy có hiện tượng ợ nóng, ợ chua và nóng rát ở phần xương ức. Bạn tôi nói có thể tôi bị trào ngược acid dạ dày. Vậy tôi có thể uống thuốc gì để ứng phó với tình trạng này?

Nguyễn Thu Hòa (Bắc Ninh)

Trào ngược acid dạ dày (hay trào ngược dạ dày - thực quản) là hiện tượng rất phổ biến với biểu hiện điển hình: Cảm giác nóng bỏng sau xương ức giữa ngực, ợ nóng, ợ chua, ợ hơi, thậm chí buồn nôn và nôn...

Nguyên nhân là do nồng độ acid trong dạ dày dư thừa, thức ăn lưu lại quá lâu khiến vận động của dạ dày bị rối loạn và sinh đầy hơi dồn lên phần thực quản... gây trào ngược.

Thừa acid có thể do vi khuẩn H.Pylori, các thói quen trong ăn uống, sinh hoạt, uống nhiều cà phê, uống rượu bia, hút thuốc, ăn uống thất thường, tress kéo dài, mất ngủ thường xuyên...

Hiện tượng này nếu nhẹ, thoảng qua sẽ không ảnh hưởng đến sinh hoạt và thể chất, nhưng nếu nghiêm trọng, kéo dài có thể gây nhiều biến chứng như: Viêm, loét thực quản; hẹp thực quản; tiền ung thư và ung thư thực quản. Một lượng nhỏ dịch acid trào ngược lên đường hô hấp trên có thể gây ra viêm họng, viêm nũi xoang, hay viêm phế quản - phổi.

Hầu hết người bệnh có thể kiểm soát sự khó chịu của trào ngược dạ dày - thực quản bằng cách thay đổi lối sống và sử dụng thuốc (không kê đơn) hoặc theo đơn của bác sĩ. Một số thuốc có thể dùng như: Thuốc làm giảm tiết acid (các thuốc ức chế bơm proton (PPI) như omeprazole, lansoprazole, esomeprazole hoặc các thuốc kháng histamine H2 như cimetidine...), thuốc trung hòa acid dịch vị hoặc dùng các thuốc theo phác đồ điều trị vi khuẩn H. Pylory...

Do có nhiều nguyên nhân gây nên hiện tượng trào ngược acid dạ dày, nên tốt nhất bạn cần đi khám để được xác định nguyên nhân và dùng thuốc thích hợp. Có trường hợp chỉ cần điều chỉnh chế độ ăn uống, sinh hoạt đã giải quyết được vấn đề rồi.

DS. Trần Thị An

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/dung-thuoc-tri-trao-nguoc-acid-da-day-n178356.html