Dùng thuốc và điều trị chấn thương dây chằng chéo trước

Chấn thương dây chằng chéo trước là tình trạng dây chằng bị đứt một phần hoặc toàn bộ do thay đổi chuyển động đột ngột, vấp hoặc ngã làm dây chằng chéo bị căng.

NỘI DUNG:::

1. Phương pháp điều trị chấn thương dây chằng chéo trước

1.1. Chườm lạnh, nghỉ ngơi

1.2. Dùng thuốc giảm đau

1.3. Phẫu thuật

1.4. Vật lý trị liệu

2. Lưu ý trong quá trình điều trị

Dây chằng chéo trước (Anterior cruciate ligament – ACL) có nhiệm vụ kết nối xương đùi và xương ống chân, giữ các xương trong đầu gối được ổn định, không bị xô lệch...

Khi dây chằng chéo bị đứt, người bệnh có thể (hoặc không) nghe thấy âm thanh “lục cục”, thậm chí là tiếng “rắc” ở đầu gối. Lúc này, người bệnh sẽ cảm thấy đau nhức, sưng tấy quanh đầu gối, đi lại, di chuyển khó khăn. Đây là một trong những chấn thương thường gặp nhất trong thể thao, đặc biệt là đối với cầu thủ bóng đá.

1. Phương pháp điều trị chấn thương dây chằng chéo trước

Nếu chỉ bị rách dây chằng chéo trước nhẹ, các triệu chứng không quá nghiêm trọng thì sau 2 - 3 tuần sẽ tự hết. Tuy nhiên, nếu bị nặng mà không điều trị thì sẽ tiềm ẩn biến chứng tổn thương sụn chêm thứ phát, tổn thương sụn khớp, teo cơ đùi… Do đó, người bệnh không nên chủ quan, bỏ qua việc thăm khám và điều trị để tránh ảnh hưởng đến chức năng vận động của khớp gối.

Các phương pháp điều trị chấn thương dây chằng chéo trước bao gồm:

1.1. Chườm lạnh, nghỉ ngơi

Nếu xuất hiện các dấu hiệu nghi ngờ bị đứt dây chằng chéo trước cùng cảm giác đau khó chịu, người bệnh có thể chườm lạnh để giảm đau. Trong và sau khi chườm, nên nằm nghỉ ngơi, tránh vận động.

Có thể băng ép đầu gối nhẹ nhàng bằng băng thun chuyên dụng để hạn chế sưng và giảm viêm tại khu vực có chấn thương. Đến khi cảm giác đau thuyên giảm nên đến cơ sở y tế gần nhất để thăm khám, điều trị.

1.2. Dùng thuốc giảm đau

Sau khi thăm khám và thực hiện các chỉ định cần thiết như chụp X-quang, chụp MRI, siêu âm, nội soi, bác sĩ sẽ chẩn đoán và đưa ra phương án điều trị phù hợp. Một số trường hợp sau có thể không cần phẫu thuật:

Đứt không hoàn toàn dây chằng chéo trước, khớp gối còn vững.
Đứt dây chằng chéo trước ở bệnh nhân lớn tuổi.
Đứt dây chằng chéo trước ở trẻ em còn sụn tăng trưởng.

Nếu bị đau nhiều, đầu gối sưng nề thì dùng thuốc giảm đau, chống viêm. Paracetamol là lựa chọn phổ biến trong những ngày đầu vì có hiệu quả giảm đau tốt mà không làm tăng khả năng bị chảy máu. Sau khoảng 1–2 ngày, các thuốc giảm đau kháng viêm không steroid (NSAID) được cân nhắc sử dụng để làm giảm phản ứng viêm cũng như đau.

Tuy nhiên, các thuốc chống viêm NSAID có thể gây tác dụng phụ loét dạ dày, suy thận, chảy máu... đặc biệt nếu lạm dụng. Có nhiều trường hợp bệnh nhân bị chảy máu dạ dày do dùng các loại thuốc này.

Paracetamol khi dùng quá liều (>10g) gây tổn thương, hoại tử tế bào gan, rất nguy hiểm. Do đó, uống thuốc đúng liều lượng, tránh lạm dụng thuốc, không tự ý tăng liều khi thấy triệu chứng không cải thiện.

Trường hợp cơn đau quá nghiêm trọng có thể thay thế thuốc đường uống bằng cách tiêm steroid trực tiếp vào đầu gối theo chỉ định của bác sĩ.

Chấn thương dây chằng chéo trước xảy ra do thay đổi chuyển động đột ngột, vấp hoặc ngã làm dây chằng chéo bị căng.

Chấn thương dây chằng chéo trước xảy ra do thay đổi chuyển động đột ngột, vấp hoặc ngã làm dây chằng chéo bị căng.

1.3. Phẫu thuật

Phương pháp điều trị này thường được áp dụng cho người bị đứt dây chằng chéo trước hoàn toàn, thường là các vận động viên hoặc người trẻ tuổi. Mục đích của phẫu thuật là khôi phục chức năng của khớp gối, đồng thời phòng tránh các biến chứng có thể xảy ra sau khi dây chằng chéo trước bị đứt.

Đối với trường hợp bị đứt dây chằng chéo trước không hoàn toàn nhưng dây chằng trở nên yếu ớt, không thể đảm bảo sự liên kết tại khớp gối, bác sĩ cũng có thể cân nhắc chỉ định phẫu thuật.

1.4. Vật lý trị liệu

Ngoài phẫu thuật, điều trị đứt dây chằng chéo bằng vật lý trị liệu cũng được đánh giá cao. Người bệnh sẽ được hướng dẫn các bài tập giúp khôi phục chức năng của khớp gối, cải thiện vận động và phòng tránh hiện tượng teo cơ đùi. Những bài tập này có thể được thực hiện tại cơ sở y tế hoặc tại nhà, người bệnh có thể tập với kỹ thuật viên trong thời gian đầu, sau đó là tự tập.

2. Lưu ý trong quá trình điều trị

Thời gian phục hồi sau chấn thương dây chằng chéo nhanh hay chậm tùy thuộc vào mức độ tổn thương của mỗi người bệnh.

Đối với những trường hợp không phẫu thuật, sau khoảng 3 tháng dây chằng bị rách sẽ liền mạch trở lại. Tuy nhiên, trên thực tế thì dây chằng không thể tự lành, mà nó sẽ tạo thành mô xơ để sửa chữa tổn thương. Do đó, tuy không rách nhưng độ căng của dây chằng không còn như ban đầu, dẫn đến chức năng của chúng cũng bị ảnh hưởng.

Đối với trường hợp đã phẫu thuật, sau khi mổ tái tạo dây chằng chéo trước có thể phải mất từ 7-9 tháng mới có thể hồi phục hoàn toàn và sẵn sàng cho các hoạt động như trước đây.

Để đảm bảo hiệu quả điều trị cũng như mau chóng hồi phục sau khi gặp chấn thương dây chằng chéo trước, người bệnh cần lưu ý một số vấn đề sau đây:

Thời gian đầu, tạm thời không chơi thể thao hay vận động mạnh mà hãy dành thời gian để nghỉ ngơi, đi lại nhẹ nhàng.
Khi nằm thì nên kê chân ở vị trí cao một chút.
Khi đi lại thì nên nhờ đến sự hỗ trợ của nạng để tránh cho trọng lượng gây áp lực lên đầu gối; hoặc đeo nẹp để hỗ trợ và ổn định đầu gối.
Nếu bị đứt dây chằng chéo trước và điều trị bằng phẫu thuật thì sau khi mổ, nên theo dõi sát sao vết thương. Sau 3 - 4 ngày mổ thì có thể đi tắm nhưng không để vết thương bị dính nước. Nếu vết thương bị sưng đau, cần báo bác sĩ để tránh nguy cơ nhiễm khuẩn sau mổ.
Thường xuyên thực hiện các bài tập vật lý trị liệu một cách nhẹ nhàng và đúng kỹ thuật để để tăng cường sức mạnh của cơ bắp và phục hồi phạm vi chuyển động.

Mời bạn đọc xem thêm:

TS. Phạm Quang Thuận

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/dung-thuoc-va-dieu-tri-chan-thuong-day-chang-cheo-truoc-169240823104533055.htm