Dùng thủy tinh thay đồ nhựa đựng thức ăn cần lưu ý điều này kẻo 'đầu độc' cả gia đình
Khắc phục những nhược điểm của nhựa, thủy tinh là lựa chọn vô cùng an toàn và thích hợp cho mọi người để đựng thực phẩm. Tuy nhiên, các chuyên gia khuyến cáo cần lưu ý một số điều khi sử dụng thủy tinh, để tránh gây nguy hại cho sức khỏe.
Không tin tưởng vào chất lượng những loại nhựa được bày bán tràn lan trên thị trường, chị Mai Ngọc Gấm (34 tuổi, ngụ quận 9, TP.HCM) hầu như chỉ dùng vật dụng bằng thủy tinh để đựng thức ăn trong gia đình. Từ hộp đựng thức ăn, chén, đĩa, chai đựng nước uống đến nồi, chảo, mọi vật dụng đều được làm bằng thủy tinh. "Nhựa giờ nhiều loại, nhiều giá thành khác nhau nhưng về chất lượng không ai kiểm chứng. Nhà tôi có con nhỏ và ba mẹ đã lớn tuổi, tôi không an tâm khi sử dụng những vật dụng bằng nhựa trong gia đình", chị Gấm nói.
Lợi ích của thủy tinh trong việc nấu nướng, bảo quản thực phẩm
Phân tích về nguyên liệu thủy tinh, bác sĩ Dương Thị Kim Loan, trưởng khoa Dinh dưỡng và tiết chế, Bệnh viện Thống Nhất TP.HCM cho biết đây là một chất rắn vô định hình đồng nhất, có gốc Silica (Dioxit Silic, SiO2, hoặc từ thạch anh), thường được pha trộn thêm các tạp chất để có tính chất theo ý muốn.
Trong dạng thuần khiết và ở điều kiện bình thường, thủy tinh là một chất có độ bền nhiệt rất cao, trong suốt, tương đối cứng, khó mài mòn, rất trơ hóa học và không hoạt động xét về phương diện sinh học, có thể tạo thành với bề mặt rất nhẵn và trơn.
Thủy tinh ứng dụng rộng rãi trong rất nhiều lĩnh vực. Một trong số đó là lĩnh vực bảo quản thực phẩm, đồ chứa, dụng cụ nấu nướng như: hộp đựng thủy tinh, chai thủy tinh, lọ thủy tinh, cốc, chén, ly, tách thủy tinh, xoong nồi thủy tinh, ấm trà thủy tinh, bếp mặt thủy tinh… vô cùng phong phú.
"Thủy tinh là vật liệu tự nhiên có tính trơ và không xốp. Các hộp chứa thực phẩm bằng thủy tinh không bao giờ bị rò rỉ và rất an toàn khi sử dụng nhiều lần. Hơn nữa, nhiệt độ nóng chảy của thủy tinh rất cao, nên sẽ không lo lắng các chất độc hạithôi nhiễm vào thức ăn khi ta đựng thức ăn nóng trong hộp thủy tinh. Đồ đựng bằng những loại nhựa không đảm bảo chất lượng có thể bị cong khi tiếp xúc với thực phẩm nóng nhưng thủy tinh thì không. Vì thế khi đựng thức ăn nóng vào các hộp thủy tinh, không cần phải đợi thức ăn nguội đi. Thủy tinh dễ lau chùi, khó đọng lại vi khuẩn như những loại vật dụng làm bằng nguyên liệu khác", bác sĩ Loan phân tích.
Những lưu ý khi dùng thủy tinh tránh hại sức khỏe
Dù an toàn, khắc phục được nhiều nhược điểm của những vật dụng đựng thức ăn khác, tuy nhiên, điểm hạn chế của thủy tinh nằm ở chỗ thủy tinh rất dễ gãy hay vỡ thành các mảnh nhọn và sắc dưới tác dụng của lực hay nhiệt một cách đột ngột. Những loại thủy tinh riêng sẽ chịu được mức nhiệt ở nhiệt độ riêng. Nếu sử dụng thủy tinh có mức chịu nhiệt kém mà đựng những loại thực phẩm nóng hay nước sôi thì rất nguy hiểm, đặc biệt khi trong gia đình có trẻ nhỏ.
"Đặc biệt chú ý nhất là khi va chạm nhẹ, những mảnh thủy tinh nhỏ bị bong ra có thểhòa lẫn với thực phẩm hay nước uống, khó nhìn thấy bằng mắt thường. Nếu không may ăn hay uống phải, sẽ rất nguy hiểm", chuyên gia dinh dưỡng phân tích.
Ngoài ra, cần cảnh giác với một số loại cốc thủy tinh có thể chứa chì. Cục quản lý chất lượng hàng hóa sản phẩm (Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng) đã từng khuyến cáo không nên sử dụng những loại cốc thủy tinh in hình hoa văn, hoạt hình với màu sắc rực rỡ, bởi đa số mẫu thử nghiệm đều cho những kết quả đáng báo động (sản phẩm chứa hàm lượng chì cao gấp nhiều lần).
Trong nhiều đợt lấy mẫu xét nghiệm của cơ quan chức năng cho thấy, hàng kém chất lượng ngoài thị trường là rất lớn, các mẫu lấy mang đi xét nghiệm đều cho kết quả có chứa hàm lượng độc tố chì (Pb), kim loại nặng cadimi (Cd) cao gấp hàng nghìn lần so với tiêu chuẩn tham khảo.
Thậm chí có mẫu chứa hàm lượng độc tố kim loại nặng Cd cực độc vượt mức cho phép đến hơn 600 lần; chứa hàm lượng Pb vượt mức cho phép đến gần 4.000 lần.
Theo kết luận nghiên cứu của các nhà khoa học, hàm lượng độc tố trong các sản phẩm thủy tinh khi được đưa vào cơ thể, lượng chì sẽ giải phóng ra các gốc tự do, thâm nhập vào các bộ phận, tích lũy trong xương, gây ảnh hưởng đến hệ thần kinh, máu... gây nhiễm độc nặng.
Đặc biệt, nếu bị nhiễm chất độc Cd lâu dài, trẻ em có thể bị còi xương, chậm phát triển xương; người già bị loãng xương, thậm chí tử vong. Vì vậy, biện pháp tốt nhất hiện nay đối với người tiêu dùng là nói “không” với những sản phẩm thủy tinh có in hình, hoa văn, màu sắc rực rỡ bên ngoài, không ghi rõ xuất xứ nguồn gốc; không ghi rõ hàm lượng chì trên bề mặt và sản phẩm có giá thành quá rẻ.
Để sử dụng thủy tinh an toàn, bác sĩ Loan khuyến cáo người tiêu dùng cần quan tâm đến chất lượng của thủy tinh, lựa chọn của những nhà sản xuất uy tín, mua sản phẩm có nguồn gốc, xuất xứ, đảm bảo được độ bền của sản phẩm. "Nên lựa chọn những loại thủy tinh màu trắng, tránh mua những loại có màu, ưu tiên lựa chọn những vật dụng có hình dạng tròn, thẳng, tránh mua vật dụng nhiều họa tiết, khó chùi rửa và dễ gãy vỡ khi có va chạm. Cần lưu ý khi sử dụng thủy tinh để đựng thức ăn cho trẻ, lưu ý để những vật dụng này ở trên cao, tránh tầm tay trẻ con để phòng đổ vỡ, gây hại cho bé", bác sĩ Loan nhấn mạnh.