Dùng tiền ngân sách chi cho cán bộ đi nước ngoài học tập có còn phù hợp?
Đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục đại học đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo giai đoạn 2019-2030” gọi tắt là Đề án 89 đang được hướng dẫn triển khai thu hút nhiều sự quan tâm của dư luận.
Trao đổi phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Chu, nguyên cán bộ Viện Toán học Việt Nam cho rằng: “Việc dùng tiền ngân sách cấp cho cán bộ đi học là một phương án chưa thật sự mang tính thiết thực bởi nó có thể phát sinh nhiều vấn đề mà qua nhiều dự án trước đây ít nhiều đã nảy sinh.
Chúng ta đều biết rằng, các suất học bổng được cấp theo diện cử đi học ở nước ngoài với các đối tượng giảng viên trong nước là rất ít, vì thế khi thực hiện việc cấp xét này có thể xảy ra việc không đảm bảo công bằng".
Những hệ lụy của việc này có thể xảy ra như việc cấp xét không đạt được sự công bằng, người đi học không trở về...
Bên cạnh đó, việc cấp xét có thể xảy ra sự không công bằng sẽ gây ảnh hưởng đến tâm lý của rất nhiều giảng viên khác, đặc biệt là những giảng viên có nhu cầu đi học thực sự, đó là với các mã ngành cần thiết phải bổ sung trình độ Tiến sĩ cho giảng viên ở trong một trường đại học nhất định. Thậm chí, nếu quá trình này cứ diễn ra lâu dài còn dễ dẫn đến sự mất đoàn kết giữa các giảng viên với nhau, gây ra sự thiếu nhiệt huyết trong công tác giảng dạy.
Đó là chưa kể đến chuyện, khi không phải bỏ tiền túi để được đi học nước ngoài mà còn được hưởng lợi rất nhiều sau khi học xong thì chắc chắn rất nhiều trường hợp sẽ cố chạy chọt để được đi học.
Theo tôi, đã đến lúc chấm dứt việc lấy dùng tiền ngân sách cho các cán bộ đi học. Những người muốn đi học thì phải tự tìm lấy học bổng, hoặc tự đóng tiền học phí trang trải cho việc đi học ở nước ngoài. Các trường đại họcchỉ cần xây dưng, có cơ chế tuyển dụng, đãi ngộ xứng đáng với những người đạt tiêu chuẩn thì người có đủ điều kiện sẽ tự nộp hồ sơ”.
Không chỉ nêu quan điểm của mình với việc này, Tiến sĩ Chu còn dẫn ra con số theo báo cáo hàng năm của Viện Giáo dục Quốc tế (IIE) vào năm 2018-2019. Cụ thể, Việt Nam có hơn 24 nghìn sinh viên du học tại Mỹ, tăng 0.3% so với năm học 2017-2018 và là năm thứ 18 tăng liên tục.
Đồng thời, Tiến sĩ Chu cũng nhấn mạnh việc các học sinh Việt Nam du học tại Mỹ chủ yếu bằng 2 nguồn đó là được các trường của Mỹ cấp học bổng (một phần hay toàn phần) hoặc là tự đóng tiền để được đi học. Học phí thường niên của đa số các trường đại học Mỹ dao động trong khoảng từ 1 đến 1,5 tỷ đồng cho một năm học.
Những con số mà Tiến sĩ Chu nêu ra như vậy cho thấy, để hoàn thành một khóa học lên trình độ Tiến sĩ ở nước ngoài là rất tốn kém tiền của ngân sách.
Nhận định về cách làm để cho việc nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên ở các trường đại học thông qua việc cho các cán bộ đi học ở nước ngoài đạt hiệu quả thực chất, xét đúng người, đúng đối tượng thì về phía các trường nên có phương án cụ thể như thế nào, Tiến sĩ Chu cho biết: “Để hạn chế được tiêu cực trong việc lựa chọn cán bộ để cử sang nước ngoài đi học thì mỗi trường nên tạo ra một quỹ học bổng riêng, độc lập không phụ thuộc vào nguồn ngân sách nhà nước và có sự giám sát, đánh giá của một hội đồng riêng để đảm bảo cử đúng người đi học. Ở nhiều trường đại học lớn trên thế giới, mô hình với các quỹ học bổng độc lập, không phụ thuộc vào ngân sách nhà nước như vậy cũng đang làm rất tốt và rất thành công”.
Thực tế, các trường đại học vì muốn giữ chân giảng viên nên trước khi đi học họ có thể yêu cầu ký cam kết buộc các giảng viên tiếp tục quay về để cống hiến trong một khoảng thời gian cố định. Thậm chí một số trường còn áp dụng biện pháp truy thu khoản chi phí cấp cho giảng viên đó đi học nếu người này nhất quyết không quay về.
Đề cập đến việc này, theo Tiến sĩ Chu thì cách làm đó của các trường nói thì dễ nhưng thực thi rất khó vì không phải lúc nào cũng áp dụng được các chế tài. Việc các cán bộ này có quay trở về nước để tiếp tục cống hiến hay không tất cả vẫn là do ý thức của chính bản thân người đó quyết định.
Tiến sĩ Chu nhấn mạnh thêm: “Theo tôi thì các biện pháp được đề cập tới trong các bản cam kết giữa nhà trường với các giảng viên trước khi đi học không thể đủ mạnh để ngăn chặn ý định ở lại nước sở tại để làm việc với mức lương cao hơn của rất nhiều người.
Còn nếu xét đến điều kiện là giảng viên đó phải quay trở về cống hiến một khoảng thời gian cố định sau khi đi học ở nước nước ngoài thì chắc gì giảng viên đó đã chịu ký vào biên bản và chấp nhận đi học. Những giảng viên đi học với tâm lý gò bó thì sau này về trường công tác họ cũng sẽ làm việc với tâm lý hời hợt, cầm chừng. Nếu mang tâm lý gò bó để đi học thì chất lượng tiếp thu của những người đi học ấy ít nhiều cũng bị ảnh hưởng.
Hơn nữa, nói là truy thu, rồi bắt nộp lại tiền nhưng thực tế chưa có những điều khoản để quy định rõ về điều này. Cho dù người đó không về thì các trường cũng khó để có thể can thiệp vào tài chính của gia đình họ được. Chẳng lẽ lúc đó nhà trường lại cho người đến nhà để siết nợ, lấy tài sản của người đó về hay sao. Việc này cần phải hợp tình hợp lý khi giải quyết nếu không dễ dẫn đến những việc làm mang tính phản giáo dục”.