Đừng tiếp tay lang băm!
Thoát vị đĩa đệm/Thì gặp Q.L/ U xơ trong mình/Đến H.V gấp/ Vai gáy tê thấp/Thì gặp C.T/ Nếu bị tiểu đường/ Q.T chữa khỏi/Đột quỵ đừng đợi/Gặp ngay Tr.T…. Đó là những câu vè mà dân mạng tổng kết về việc các nghệ sĩ quảng cáo chữa bệnh.
Chưa bao giờ nghệ sĩ của chúng ta lại hăng hái tham gia vào lĩnh vực chữa bệnh đông như hiện nay. Trên các mạng xã hội như YouTube, Facebook… nhan nhản nghệ sĩ tư vấn chữa bệnh. Từ các bệnh thông thường như nhức đầu sổ mũi cho đến các bệnh nan y như đột quỵ, ung thư… tất tần tật đều được nghệ sĩ hùng hồn tư vấn. Họ nói rất tự tin, thản nhiên hơn cả bác sĩ dù chẳng ai có kiến thức y khoa chuyên ngành. Họ quảng cáo những sản phẩm không phải là thuốc trên như là một loại thuốc có thể chữa bệnh mà không lường hết hậu quả.
Có thể khẳng định cách tư vấn, quảng cáo chữa bệnh như thế là rất vô trách nhiệm. Thuốc chữa bệnh là mặt hàng được quản lý cực kỳ nghiêm ngặt và buộc phải có chỉ định của nhà chuyên môn, được hướng dẫn của các bác sĩ chuyên ngành. Cùng một chứng bệnh, cùng một loại thuốc nhưng tùy vào thể trạng, tùy vào tình hình sức khỏe của mỗi người mà các bác sĩ cho những liều lượng và liệu trình thích hợp. Quy trình chuẩn như thế mà còn chưa lường hết được các biến chứng y khoa thì thử hỏi các nghệ sĩ và thầy lang vườn kia hướng dẫn người bệnh dùng thuốc sẽ nguy hiểm đến mức nào.
Hẳn các nghệ sĩ cũng không ngây thơ tin rằng những loại thuốc trên có tác dụng thật sự với người bệnh. Nhưng mối quan hệ này là một loại quảng cáo trá hình mà mục tiêu là trục lợi trên người bệnh. Bản thân nghệ sĩ có đông đảo người hâm mộ và họ biết rõ mình có ảnh hưởng đến số đông kia nên muốn lôi kéo họ dùng sản phẩm thay thuốc chữa bệnh. Họ được trả tiền cho việc này nên có thể khẳng định đây là hành vi cố tình. Trong khi lẽ ra, có đông người hâm mộ thì nghệ sĩ càng phải có trách nhiệm với cộng đồng chứ không thể vì lợi mà hướng người khác vào vòng nguy hiểm.
Thực tế trong thời gian qua, các bác sĩ luôn cảnh báo với người dân rằng khi có bệnh thì cần phải đến các cơ sở y tế đã được cấp phép để chuyên gia y tế khám và hướng dẫn chữa trị. Đã có nhiều trường hợp tiền mất tật mang vì nghe theo lời hướng dẫn chữa bệnh theo kiểu lang băm này. Pháp luật hiện hành, cụ thể Luật Dược 2016 quy định: Quảng cáo thuốc khi chưa được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung hoặc không đúng với nội dung đã được xác nhận là hành vi bị cấm (điểm a khoản 10 điều 6).
Ngay trong tháng 1-2023, Bộ Y tế đã ra văn bản nói rõ những người nổi tiếng giới thiệu "nhà thuốc gia truyền", "danh y", "thần y"… để quảng cáo các loại sản phẩm có tác dụng như thuốc, trong khi những sản phẩm này chưa được Bộ Y tế cấp phép lưu hành tại Việt Nam. Bộ Y tế đề nghị các cơ quan chức năng, các địa phương xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân, đặc biệt các nghệ sĩ tham gia quảng cáo các sản phẩm không phải là thuốc nhưng được quảng cáo như thuốc chữa bệnh, thổi phồng công dụng...
Tình trạng này đã quá bát nháo, hậu quả cũng nhãn tiền, nên các cơ quan cần mạnh tay xử lý để bảo vệ người bệnh và làm sạch môi trường văn hóa hiện nay.
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/thoi-su/dung-tiep-tay-lang-bam-20230222221420035.htm