Dùng trí tuệ nhân tạo chống gian lận hóa đơn điện tử
Việc triển khai hóa đơn điện tử đã đạt được những kết quả tích cực, song lại xuất hiện hiện tượng một số tổ chức, cá nhân gian lận trong việc phát hành, sử dụng nhằm trục lợi tiền thuế. Tổng cục Thuế đã triển khai 'Hệ thống phân tích cơ sở dữ liệu và quản lý hóa đơn điện tử' với chức năng phân tích dữ liệu hóa đơn điện tử, phục vụ cho công tác quản lý rủi ro về hóa đơn điện tử trong toàn ngành.
Hóa đơn điện tử - bước ngoặt cải cách quản lý thuế
Tổng cục Thuế cho rằng, một trong những điểm nhấn của ngành trong năm 2022 là triển khai thành công hóa đơn điện tử (HĐĐT) trên toàn quốc. HĐĐT được đánh giá là cú hích cải cách công tác quản lý thuế, giúp doanh nghiệp cải thiện và phát triển môi trường kinh doanh, từ đó làm lành mạnh, minh bạch hóa nền tài chính nước nhà.
HĐĐT chính thức áp dụng trên phạm vi toàn quốc từ 1/7/2022, đánh dấu bước ngoặt trong công tác chuyển đổi số của ngành Thuế nói riêng và ngành Tài chính nói chung, đáp ứng mục tiêu phát triển chính phủ số, kinh tế số mà Chính phủ đã đặt ra cho giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Thống kê của Tổng cục Thuế cho thấy, tính đến nay, trên hệ thống HĐĐT đã có trên 4 tỷ hóa đơn. Đây vừa là thành tích đáng ghi nhận của ngành Thuế, nhưng cũng tạo sức ép rất lớn về mặt quản lý đối với cơ quan thuế, đặc biệt là công tác quản lý rủi ro về HĐĐT.
Thực tế cho thấy, hiện tượng lợi dụng sự thông thoáng trong các chính sách, pháp luật của nhà nước để trục lợi vẫn còn có những diễn biến phức tạp. Điều này đặt ra nhiều thách thức và tiềm ẩn nhiều rủi ro cho công tác quản lý thu ngân sách nhà nước (NSNN), nhất là đối với các hành vi mua bán trái phép hóa đơn giá trị gia tăng (GTGT) để chiếm đoạt tiền thuế của NSNN.
Do đó đòi hỏi việc kiểm soát, xử lý dữ liệu HĐĐT phải nhanh chóng và kịp thời hơn. Công tác phân tích dữ liệu cũng cần phải thực hiện thường xuyên, liên tục trên toàn bộ dữ liệu để kịp thời phát hiện, dự báo những trường hợp nghi ngờ gian lận trong sử dụng HĐĐT và cần thiết phải có một hệ thống cơ sở dữ liệu (CSDL) độc lập để đáp ứng yêu cầu xử lý lượng dữ liệu khổng lồ như vậy. Chính vì vậy, ngành Thuế đã triển khai xây dựng Trung tâm CSDL về HĐĐT phục vụ công tác phân tích, quản lý rủi ro sử dụng HĐĐT.
Theo đó, ngày 10/3/2023, Tổng cục Thuế đã ban hành Quyết định số 183/QĐ-TCT về việc sửa đổi, bổ sung quy chế tổ chức và hoạt động của Ban Quản lý rủi ro (QLRR) trực thuộc Tổng cục Thuế để giao nhiệm vụ liên quan đến việc xây dựng CSDL, quản lý HĐĐT cho Ban QLRR; đồng thời tăng cường nguồn lực cho Ban QLRR để đảm bảo thực hiện nhiệm vụ được giao.
Phân tích chuyên sâu, ngăn chặn kịp thời gian lận hoàn thuế
Đặc biệt, ngày 24/4, Tổng cục Thuế đã chính thức triển khai “Hệ thống phân tích CSDL và quản lý HĐĐT”. Tổng cục Thuế cho biết, các chức năng chính của hệ thống giúp quản lý, giám sát và phát hiện rủi ro với 3 tính năng chính, gồm: tính năng đánh giá rủi ro theo bộ chỉ số tiêu chí; tính năng đối chiếu HĐĐT với tờ khai thuế; tính năng phân tích HĐĐT theo trí tuệ nhân tạo (AI).
Bà Nguyễn Thu Trà - Trưởng Ban QLRR (Tổng cục Thuế) cho biết, với hàng tỷ hóa đơn đa dạng các hàng hóa, dịch vụ khác nhau. Ngay khi cần tập trung kiểm soát những hàng hóa trọng điểm rủi ro, công cụ sẽ giúp cơ quan thuế lọc được những hóa đơn mua bán mặt hàng trọng điểm để phân tích chuyên sâu.
Việc kiểm soát giá bất thường giúp sàng lọc các trường hợp cần giám sát, giúp ngăn chặn kịp thời gian lận hoàn thuế vì có nhiều trường hợp gian lận hoàn thuế qua xuất khẩu đã nâng khống giá hàng hóa xuất khẩu gấp hàng chục lần.
Cơ quan thuế các cấp sẽ tập trung phát hiện rủi ro trong phát hành hóa đơn điện tử
“Việc chính thức đưa vào vận hành, triển khai Hệ thống phân tích cơ sở dữ liệu và quản lý hóa đơn điện tử (HĐĐT), cơ quan thuế các cấp sẽ tập trung thực hiện rà soát, phân tích để kịp thời phát hiện các dấu hiệu rủi ro trong việc phát hành HĐĐT, giúp ngăn ngừa, xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật về hóa đơn chứng từ nói riêng và về thuế nói chung. Từ đó, góp phần tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý thuế cũng như tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, bình đẳng cho cộng đồng doanh nghiệp và người nộp thuế.” - Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Mai Xuân Thành.
Với công nghệ mạng Bayes, hệ thống sẽ thiết lập được chuỗi các doanh nghiệp có phát sinh giao dịch mua bán. Khi xâu chuỗi được các doanh nghiệp có giao dịch mua bán cùng loại mặt hàng sẽ giúp cho cơ quan thuế truy được nguồn gốc của hàng hóa và giá trị gia tăng giữa các khâu.
Để triển khai một cách toàn diện hệ thống phân tích dữ liệu phục vụ cho công tác QLRR trong toàn ngành, phân tích rủi ro trên toàn bộ dữ liệu quản lý thuế, trong đó có dữ liệu HĐĐT, Tổng cục Thuế đang hoàn thiện dự án “Xây dựng và triển khai hệ thống ứng dụng phân tích dữ liệu và QLRR” nhằm đầu tư hạ tầng thiết bị phần cứng và phần mềm ứng dụng phân tích dữ liệu.
Trung tâm CSDL và HĐĐT giai đoạn 1 sẽ phục vụ công tác quản lý phân tích rủi ro HĐĐT toàn ngành trong thời gian dự án này được triển khai.
Bà Nguyễn Thu Trà cho hay, với đội ngũ phân tích dữ liệu của Trung tâm CSDL HĐĐT thường xuyên kiểm soát trên toàn bộ dữ liệu để kịp thời phát hiện và chỉ đạo xử lý các trường hợp rủi ro. Trên cơ sở phân tích chuỗi, tìm những chuỗi có đặc điểm bất thường (như: mua ít, bán nhiều; chỉ mua, không bán; chỉ bán, không mua…), cơ quan thuế xác định các chuỗi cần phân tích chi tiết, xác định các giao dịch bất thường trong chuỗi để phân tích chuyên sâu, kết quả có thể bổ sung vào kế hoạch, thanh tra, kiểm tra.
Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Mai Xuân Thành cho rằng, việc áp dụng QLRR trong quản lý thuế là xu thế tất yếu khách quan phù hợp với yêu cầu cải cách, hiện đại hóa ngành Thuế.
Với việc áp dụng bộ chỉ số tiêu chí thống nhất để đánh giá, xác định người nộp thuế có dấu hiệu rủi ro trong quản lý và sử dụng hóa đơn chính là căn cứ để cơ quan thuế rà soát, kiểm tra thực tế tình hình tuân thủ quy định pháp luật thuế và pháp luật liên quan trong quản lý hoạt động của NNT và là căn cứ để cơ quan thuế lập kế hoạch, thực hiện kiểm tra thực tế từ đó góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế./.