Đừng tự đẩy mình vào lao lý vì chiêu 'né' thuế
Chỉ nhận thanh toán tiền mặt; không xuất hóa đơn, thậm chí nâng giá bán… là những chiêu phổ biến nhiều hộ kinh doanh áp dụng nhằm che giấu doanh thu thực tế, qua đó né tránh nghĩa vụ nộp thuế. Theo cơ quan chức năng, đây là hành vi vi phạm pháp luật.
Muôn kiểu "né" thuế
Tại một quán ăn phở ở Hà Đông (Hà Nội), khi khách thanh toán chuyển khoản, chủ quán liền thoái thác: "Quán không có tài khoản ngân hàng, bác già rồi không rành công nghệ. Em thanh toán tiền mặt giúp nhé". Nếu khách không chuẩn bị đủ tiền mặt, chủ quán sẵn sàng nhờ người quen gần đó "hỗ trợ" đổi tiền.

Cơ quan chức năng cảnh báo, các chiêu thức nhằm trốn tránh nghĩa vụ nộp thuế là vi phạm pháp luật (ảnh minh họa).
Tương tự, một nhà hàng gần Hồ Tây, sau khi khách gọi món, nhân viên mới thông báo: Nếu vẫn muốn chuyển khoản, phải trả thêm phụ phí 8% tổng hóa đơn, với lý do "ưu tiên thanh toán tiền mặt".
Đáng chú ý, tại một quán nướng trong trung tâm thương mại ở Ba Đình (Hà Nội), khi khách hàng đề nghị chuyển khoản, nhân viên liền lôi ra điện thoại cá nhân với mã QR của một tài khoản lạ (chung cho nhiều nhân viên), dặn dò: "Chỉ cần chuyển và không ghi nội dung hoặc giữ nguyên nội dung mặc định".
Đó là một vài trong số nhiều chiêu thức được các hộ kinh doanh sử dụng để "né" thuế thời gian qua. Từ quán cà phê, nhà hàng, sân pickleball, phòng trọ... đều chung tình trạng "tiền mặt là vua".
Trước đây, nhiều cơ sở kinh doanh công khai treo biển "chỉ nhận tiền mặt", nhưng khi nhận thấy việc này dễ bị cơ quan thuế phát hiện, họ đã âm thầm gỡ bỏ. Thay vào đó, chiêu thức phổ biến hiện nay là thông báo miệng cho khách vào phút chót, khiến không ít người rơi vào tình huống dở khóc, dở cười.
Người tiêu dùng có thể góp tay ngăn chặn
Ông Hoàng Xuân Nam, Phó trưởng Phòng Quản lý & Hỗ trợ doanh nghiệp số 4, Chi cục Thuế Khu vực II cho biết, để ngăn chặn tình trạng một số hộ kinh doanh trốn thuế hoặc cố tình giấu doanh thu nhằm né tránh nghĩa vụ nộp thuế, không chỉ cơ quan chức năng mà chính người tiêu dùng cũng cần phải chủ động tham gia.
Theo ông Nam, người mua hàng, người sử dụng dịch vụ chính là "mắt xích" quan trọng giúp minh bạch hóa hoạt động kinh doanh. Cụ thể, khách hàng nên yêu cầu người bán hàng hoặc bên cung cấp dịch vụ lập hóa đơn khi mua bán, thay vì chỉ nhận hàng và thanh toán mà không có chứng từ.
Việc bán hàng không có hóa đơn, từ chối nhận thanh toán qua chuyển khoản chính là dấu hiệu cho thấy người kinh doanh đang tự mình tách ra khỏi sự minh bạch của thị trường.
Một khi không lập hóa đơn, đồng nghĩa với việc họ đang tự chấp nhận rời khỏi cuộc chơi công bằng. Nếu muốn tiếp tục phát triển hoạt động kinh doanh, mở rộng khách hàng, giữ uy tín và tồn tại trên thị trường, bắt buộc người kinh doanh phải thực hiện nghĩa vụ lập hóa đơn đầy đủ.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu nhận định, việc né thuế thông qua hình thức thanh toán bằng tiền mặt thực chất chỉ là giải pháp tạm thời và không thể kéo dài. Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ và dữ liệu lớn (big data), cơ quan thuế hiện nay đã được trang bị đầy đủ công cụ để giám sát, phát hiện các dấu hiệu bất thường trong doanh thu của doanh nghiệp và hộ kinh doanh.
Một khi hành vi cố tình che giấu doanh thu nhằm trốn thuế bị phát hiện, người vi phạm không chỉ bị truy thu số tiền thuế thất thoát và xử phạt, mà còn có thể đối mặt với các biện pháp xử lý nghiêm khắc hơn, bao gồm khởi tố hình sự. Bởi lẽ, đây không phải là lỗi vô tình hay sai sót hành chính thông thường, mà là vi phạm có tổ chức, có chủ đích.
Đừng tự đẩy mình vào vòng lao lý
Ông Nguyễn Tiến Minh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thuế Khu vực I, nhấn mạnh: Hành vi cố tình trốn thuế không chỉ gây thất thu ngân sách Nhà nước mà còn để lại những hậu quả pháp lý nặng nề, trực tiếp ảnh hưởng đến uy tín và sự tồn tại lâu dài của doanh nghiệp, hộ kinh doanh.
Theo ông Minh, công tác quản lý thuế chỉ có thể phát huy hiệu quả tối đa khi nhận được sự hợp tác, tinh thần tự giác chấp hành tốt từ cộng đồng doanh nghiệp, hộ kinh doanh và người dân. Cơ quan thuế luôn giữ vai trò đồng hành, hỗ trợ và hướng dẫn, giúp người nộp thuế hiểu đúng quy định, thực hiện đúng nghĩa vụ.
Tuy nhiên, đối với những trường hợp cố tình vi phạm, trốn tránh nghĩa vụ thuế, cơ quan thuế sẽ kiên quyết xử lý nghiêm.
Đặc biệt, đối với các hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh chỉ nhận thanh toán bằng tiền mặt, cơ quan thuế có thể áp dụng các hình thức xử lý như ấn định thuế, xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi trốn thuế. Trong trường hợp nghiêm trọng, có thể truy cứu trách nhiệm hình sự.
Còn theo Công an TP Hà Nội, việc chỉ nhận tiền mặt để "né thuế" là hành vi vi phạm pháp luật, thiếu ý thức trách nhiệm với nghĩa vụ tài chính công. Do đó, cơ quan chức năng khuyến cáo các hộ kinh doanh cần nghiêm chỉnh chấp hành, không nên tự đẩy mình vào vòng lao lý.
Công an TP Hà Nội nhấn mạnh, doanh thu kê khai để nộp thuế được tính tại thời điểm giao hàng hoặc cung cấp dịch vụ, không phụ thuộc đã thu tiền hay chưa, bằng tiền mặt hay chuyển khoản. Việc thay đổi nội dung chuyển khoản hay chỉ nhận tiền mặt cũng không giúp trốn thuế.
Ngay cả cá nhân không đăng ký kinh doanh nhưng có bán hàng, cung cấp dịch vụ vẫn phải nộp thuế. Ngành thuế có đủ nghiệp vụ đối chiếu, xác minh và có thể yêu cầu sàn ngân hàng, đơn vị vận chuyển cung cấp thông tin để kiểm tra. Hiện, cơ quan thuế cũng đang rà soát, xử lý nghiêm các trường hợp chỉ nhận tiền mặt nhằm tránh nghĩa vụ thuế.
Theo quy định mới, các hộ kinh doanh có doanh thu trên 1 tỷ đồng/năm bắt buộc phải sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế, phát hành trực tiếp từ máy tính tiền. Đặc biệt, từ ngày 1/1/2026, chế độ thuế khoán sẽ chính thức bị xóa bỏ. Thay vào đó, hộ kinh doanh sẽ phải kê khai thuế dựa trên doanh thu thực tế và đảm bảo đầy đủ sổ sách kế toán.