Đừng vì 'trăn trở' mà giẫm đạp lịch sử

Việc Bộ GD&ĐT xếp Lịch sử thành môn tự chọn trong chương trình trung học phổ thông mới, dự kiến triển khai với lớp 10 từ năm học 2022-2023 đang trở thành tâm điểm của dư luận với nhiều ý kiến trái chiều. Nhân sự việc này, những phần tử cơ hội, phản động lại nhỏ 'nước mắt cá sấu'. Họ diễn trò 'trăn trở, lo lắng', nhưng thực chất những việc làm của họ lại chính là giẫm đạp lên lịch sử cũng như môn Lịch sử của chúng ta.

Ngày 17-5 vừa qua, trang RFA có bài: “Lịch sử là môn tự chọn có thu hút được học sinh?”. Bài viết trích đăng ý kiến của ông Dương Trung Quốc, Tổng Thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam; của “Người đương thời” Đỗ Việt Khoa - người mang danh chống tiêu cực một thời gian không lâu đã trở thành cộng tác viên tích cực của các phần tử cơ hội; của nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc - người thường xuyên có bài viết hoặc trả lời phỏng vấn trên các trang chống cộng BBC, RFA… Mang danh là “nhà nghiên cứu lịch sử”, nhưng ông Phúc lại trả lời RFA rằng: “Khi học sinh làm bài thi là trả lại những gì thầy cô đã dạy thì cũng nên cho học sinh tự chọn hoặc bỏ luôn môn Lịch sử. Vì việc này chẳng ảnh hưởng gì đến sự phát triển nhân cách của học sinh”. Đọc đến đây, hẳn nhiều người sẽ nghĩ, có thể việc này chẳng ảnh hưởng gì đến sự phát triển nhân cách của học sinh, nhưng rõ ràng phải đặt một dấu hỏi to tướng về nhân cách của “nhà nghiên cứu lịch sử” Đinh Kim Phúc. Nếu ông ta thực sự “trăn trở” về cách dạy môn Lịch sử khiến môn này trở nên nhàm chán đến mức Bộ GD&ĐT phải nhiều lần có những cách giải quyết (nhưng vẫn chưa thấu đáo) thì ông cũng không nên “xổ toẹt” như thế! Tự nhận mình là “nhà nghiên cứu lịch sử”, chẳng nhẽ ông lại đứng ngoài để ngó lơ và hễ khó thì bỏ luôn chứ không có trách nhiệm gì để làm cho môn Lịch sử bớt nhàm chán!?

Rồi ngày 1-6, trang Tiếng Dân đăng bài “Lịch sử và môn học lịch sử”. Tác giả bài viết là một nhà văn khá nổi tiếng, song quan điểm của ông thì thật đáng để những người có trách nhiệm phải suy nghĩ khi cho rằng: Thủ phạm của hiện tượng này chính là quá trình “chính trị hóa lịch sử, là bắt lịch sử diễn ra theo ý mình”. Nhà văn này viết: “Khi lịch sử bị chính trị hóa, người ta không quan tâm đến sự thật lịch sử mà quan tâm xem gán cho nó sự thật nào rồi nhét vào trí nhớ đám đông... Và một quá trình “cưỡng bức” niềm tin của đám đông bắt đầu”. Đọc đến đây, tôi chợt nhớ tới cái tít bài mà Trung tướng Nguyễn Thanh Tuấn đã gọi ông Phan Huy Lê - nhà sử học, thành viên cốt cán tham gia bộ sách “Lịch sử Việt Nam phổ thông” dài 15 tập, nhưng đã bị thu hồi năm 2018 vì những quan điểm sai trái không thể chấp nhận. Tít bài đó là “Phan Huy Lê - kẻ lật sử, lươn lẹo và xảo trá”.

Cùng vấn đề này, Nguyễn Khắc Ngọc - một giáo viên môn Hóa học bậc THPT, mới nổi đình nổi đám khi đăng tải những thông tin về vụ gian lận điểm thi ở Hà Giang sau kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 cũng lên tiếng. Và khi thành người nổi tiếng thì thầy giáo dạy môn Hóa này liên tục cập nhật tin tức, trong đó có rất nhiều thông tin không được kiểm chứng trên trang facebook của mình. Ngày 21-5, nhân việc người dân các nơi đổ ra đường ăn mừng chiến thắng của SEA Games 31, đặc biệt là chiến thắng của 2 đội tuyển bóng đá nam - nữ, trang facebook của Nguyễn Khắc Ngọc đăng status: “Những hình ảnh làm rạo rực lòng yêu nước, hơn chán vạn lần những giờ học môn lịch sử bắt buộc. Dù phần lớn khán giả trên sân chắc cũng không đạt điểm cao môn lịch sử”. Rõ ràng, thầy giáo này đang mượn hình ảnh người dân tưng bừng ăn mừng chiến thắng để so sánh, bỉ bôi môn Lịch sử là chính.

Hiện trên nhiều diễn đàn, những người có trách nhiệm vẫn đang tiếp tục bàn thảo việc xác định vị trí của môn Lịch sử trong toàn bộ chương trình giáo dục phổ thông. Như buổi tham vấn ý kiến chuyên gia về triển khai chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 và môn Lịch sử bậc THPT ngày 12-5 vừa qua, do Bộ GD&ĐT chủ trì, đại diện Bộ GD&ĐT đã lắng nghe những ý kiến phân tích sâu về cách bố trí và tổ chức dạy môn Lịch sử. Trên cơ sở đó, bộ sẽ cân nhắc các phương án trong thời gian tới và xin ý kiến các cấp có thẩm quyền. Và ngày 22-5, tại Hà Nội đã diễn ra phiên họp toàn thể lần thứ 3 Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, mà nội dung chính là bàn về “số phận” môn Lịch sử. Hầu hết ý kiến cho rằng, môn Lịch sử có vị trí đặc biệt quan trọng trong chương trình giáo dục phổ thông, học sinh rất cần được trang bị khối lượng kiến thức này. Cũng có ý kiến cho rằng, nếu để Lịch sử là môn bắt buộc thì phải điều chỉnh lại toàn bộ chương trình lịch sử của các cấp học trước chứ không thể chỉ điều chỉnh chương trình THPT. Điều này khá phức tạp, vì sách giáo khoa bộ mới của bậc tiểu học và THCS đã cắt giảm bớt lượng kiến thức về môn Lịch sử cho phù hợp với bậc THPT rồi. Và ngay trong phiên thảo luận tại hội trường Quốc hội ngày 1-6, đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh (tỉnh Vĩnh Long) đã đề nghị Bộ GD&ĐT cần quyết liệt hơn nữa trong đổi mới phương pháp dạy và học Lịch sử sao cho hấp dẫn, để dẫn dắt học sinh tìm đến môn học này bằng sự chủ động, biến những bài học lịch sử thành những câu chuyện sinh động, dễ nhớ và nhớ lâu, khơi gợi và hình thành ở các em sự yêu thích đối với môn học này.

Như vậy, các cơ quan chức năng đang tích cực tìm hướng đi hiệu quả nhất đối với môn Lịch sử chứ không phải “vứt bỏ” hay “khai tử” môn học này như các phần tử cơ hội, phản động, xét lại đã đăng tải ào ào trên mạng xã hội. Đáng nói, một số tờ báo cũng đặt tít giật gân về “số phận” môn Lịch sử và trở thành “mồi ngon” cho các trang chống cộng trong việc lấy làm dẫn chứng thời gian qua. Nghiên cứu sử học hay dạy và học môn Lịch sử là để bồi đắp kiến thức, bồi đắp ý thức và lòng tự hào dân tộc. Cho dù sau những năm tháng học phổ thông, ai đó có trở thành doanh nhân, nghệ sĩ, nhà nghiên cứu… thì Lịch sử vẫn là môn học dung dưỡng tâm hồn nên không thể xếp thành môn tự chọn được!

Thảo Linh

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/33/133837/dung-vi-tran-tro-ma-giam-dap-lich-su